29/30 ngân hàng Mỹ đủ tiềm lực vượt cú sốc kinh tế mới
Theo báo cáo mới công bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), 29 trong số 30 ngân hàng lớn nhất nước này đủ sức ứng phó và chống đỡ trước một cú sốc kinh tế nghiêm trọng, sau cuộc khủng hoảng năm 2008.
Trong cuộc sát hạch mới nhất về tiềm lực vốn của các ngân hàng kể từ năm 2008, trong tình huống xấu nhất được giả định, 29 trong số 30 ngân hàng lớn nhất của Mỹ có tỷ lệ vốn cấp 1 là 7,8%, giảm so với mức 11,5% vào cuối quý 3/2013, nhưng là khá cao so với quy định tối thiểu là 5%.
Trong khi đó, Zions Bancorp là ngân hàng duy nhất không đáp ứng được quy định về mức vốn tối thiểu, với tỷ lệ vốn cấp 1 - thước đo cơ bản năng lực về vốn sau 9 tháng xảy ra cú sốc kinh tế giả định là 3,5%. Kết quả này cho thấy lĩnh vực ngân hàng Mỹ đang mạnh dần lên kể từ khi cuộc sát hạch đầu tiên được tiến hành ba năm trước.
Tình huống giả định được đặt ra là GDP giảm 4,75%, tỷ lệ thất nghiệp chạm mức 11,25%, cổ phiếu thường mất một nửa giá trị và giá nhà giảm 25%. Cũng theo kịch bản này, tám ngân hàng lớn nhất rơi vào tình cảnh là đối tác lớn nhất bị vỡ nợ hoặc bị các đối tác lớn "xù nợ." Trong tình huống này, các ngân hàng ước sẽ bị mất 501 tỷ USD trong 9 tháng.
Chủ tịch Hiệp hội các ngân hàng Mỹ, ông Frank Keating, nhận định cuộc sát hạt cho thấy các ngân hàng Mỹ đã phục hồi vững so với cách đây một năm.
Theo ông Keating, hiện các ngân hàng này đủ nguồn lực để theo đuổi các kế hoạch kinh doanh tham vọng, chi trả cổ tức, thu hút vốn từ các nhà đầu tư và mở rộng dịch vụ dành cho khách hàng, có khả năng xử lý và ứng phó thậm chí trong tình hướng căng thẳng cùng cực về mặt tài chính.
FED bắt đầu tiến hành sát hạch năng lực vượt qua khủng hoảng của các ngân hàng theo định kỳ hàng năm kể từ năm 2009, thời điểm nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trầm trọng kể từ sau Cuộc Đại suy thoái năm 1930./.
Lê Minh
vietnam+
|