UBCK: Chưa thể nới room trong tháng này
Một lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán (UBCK) cho biết, trong tháng 2-2014 sẽ chưa có quyết định chính thức về việc nới tỷ lệ nắm giữ cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (nới room).
Vị này nói với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng, đến nay đề xuất nới room theo dự thảo mà Ủy ban chứng khoán đã trình Chính phủ chỉ mới hoàn tất việc lấy ý kiến các bộ, ngành và Chính phủ chưa có quyết định.
Vị này cho biết, thông tin việc nới room vào cuối tháng 2 là chưa chính xác.
Theo vị này, trong bản dự thảo mới nhất, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài ở các công ty niêm yết sẽ nâng lên mức 60%, thay cho mức 49% hiện nay; đồng thời quy định về phân loại các ngành nghề đã được loại bỏ.
Chỉ những doanh nghiệp Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối hoặc doanh nghiệp đặc thù như ngân hàng thì thực hiện theo các quy định riêng, còn lại dự thảo quy định chung "room" tối đa cho một doanh nghiệp niêm yết là 60% số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
Ông cho biết, sau khi dự thảo được Chính phủ thông qua, các công ty niêm yết sẽ quyết định tỷ lệ room cho mình và đăng ký với UBCK Nhà nước để thực hiện. Tỷ lệ room của từng doanh nghiệp sẽ không cần đợi Ủy ban trình lên Bộ Tài chính hoặc Chính phủ phê duyệt như dự kiến trước đây nữa; như vậy việc tiến hành mở room trên thực tế sẽ diễn ra nhanh hơn.
Ngoài ra, theo dự thảo thông tư hướng dẫn quyết định nới room, doanh nghiệp có thể quyết định tỷ lệ room của mình thông qua đại hội cổ đông hoặc theo phương thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Không phải doanh nghiệp nào cũng có thể tổ chức đại hội cổ đông ngay lập tức, nên lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản sẽ nhanh gọn và thuận lợi hơn.
Nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhiều đến chuyện nới room vì hiện nay phần lớn các công ty tăng trưởng tốt đều đã "kín room", nhà đầu tư nước ngoài không còn cơ hội tham gia đầu tư vào các công ty đó nữa.
Trong 302 cổ phiếu niêm yết trên sàn TPHCM thì có 21 cổ phiếu đã kín room như VNM của Vinamilk, DHG của Dược Hậu Giang, HCM của Công ty chứng khoán TPHCM, FPT của Tập đoàn FPT… Mức tăng trưởng trong hoạt động kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp này luôn cao nhưng từ lâu đã không còn chỗ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Các quỹ đầu tư lớn thường sẽ chọn cổ phiếu lớn, thanh khoản tốt vì cổ phiếu nhỏ khi cần bán cũng không thể bán được do thanh khoản quá thấp.
Nới room, dù ở mức độ nào cũng giúp nhà đầu tư nước ngoài có thêm cơ hội mua cổ phiếu của doanh nghiệp Việt Nam, theo giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài .
Vừa qua, tham luận của Công ty chứng khoán Sài Gòn SSI gửi UBCK về các biện pháp phát triển TTCK năm 2014 có đề xuất Chính phủ ban hành quy định nới room lên mức tối đa (100% nếu có thể).
Điều này nhằm cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư không hạn chế vào các cổ phiếu có quyền biểu quyết tại các công ty đại chúng, không thuộc những ngành nghề, lĩnh vực mà nhà nước cần kiểm soát vốn nước ngoài.
Trong trường hợp quy định nới room tối đa không được duyệt, SSI đề xuất Sở giao dịch chứng khoán TPHCM triển khai các sản phẩm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyêt (NVDR) để cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư không hạn chế vào cổ phiếu niêm yết mà không cần quyền biểu quyết.
|
Thanh Thương
tbktsg
|