TPHCM muốn được chủ động quản lý tài chính công
Chính quyền TPHCM kiến nghị trung ương phân cấp cho thành phố thẩm quyền quản lý tài chính công.
Việc phân cấp thẩm quyền quản lý tài chính công sẽ không làm giảm đóng góp của thành phố đối với trung ương mà còn tạo điều kiện cho thành phố đóng góp ngày càng nhiều hơn vào ngân sách của cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị về đề án chính quyền đô thị TPHCM diễn ra hôm 17-2
|
Đây là nội dung kiến nghị được ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TPHCM đưa ra tại hội nghị thông qua dự thảo đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng nay (17-2) với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Theo ông Quân, việc phân cấp thẩm quyền quản lý tài chính công sẽ khuyến khích thành phố tăng thu, tăng chi, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố cần có cơ chế để thành phố tạo nguồn và nuôi dưỡng nguồn thu từ các hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở một đô thị lớn.
Cũng theo ông Quân, ngoài các khoản chi thường xuyên theo quy định hiện nay, thành phố kiến nghị được quyền quy định định mức chi của thành phố phù hợp với nguồn thu và phù hợp điều kiện giá cả của thành phố.
Về quản lý ngân sách, thành phố kiến nghị cần phân định rõ hai nội dung: ngân sách từ nguồn thu của địa phương và ngân sách do trung ương tài trợ được cân đối hàng năm.
Theo nguyên tắc này, đối với nguồn ngân sách thứ nhất (nguồn thu ngân sách của địa phương – PV), thành phố kiến nghị cho phép ổn định trong khoảng 10 năm và do HĐND thành phố quyết định việc phân bổ.
Ngoài ra, thành phố còn được xác định nguồn chi mang tính đặc thù của thành phố phải được tính đến trong dự toán chi ngân sách của trung ương cho địa phương, việc thực hiện chi ngân sách của chính quyền thành phố sẽ tuân thủ các quy định chung về chế độ tài chính của quốc gia, bảo đảm sự thống nhất của ngành tài chính quốc gia và được sự kiểm tra giám sát của Chính phủ.
"Việc trung ương đẩy mạnh phân cấp thẩm quyền quản lý tài chính, ngân sách sẽ không làm giảm đóng góp của thành phố đối với trung ương mà còn tạo điều kiện cho thành phố đóng góp ngày càng nhiều hơn vào ngân sách của cả nước", ông Quân nói.
Ngoài kiến nghị phân cấp thẩm quyền quản lý tài chính công, chính quyền thành phố còn kiến nghị trung ương phân cấp cho thành phố các thẩn quyền khác như thẩm quyền ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật; thẩm quyền tổ chức nhân sự; thẩm quyền trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch và đầu tư; phân cấp trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính; chính quyền TPHCM phân cấp cho chính quyền các thành phố trực thuộc (4 thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc).
Phát biểu tại hội nghị sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết dự kiến vào ngày 13-3 tới, Bộ Chính trị sẽ nghe báo cáo đề án thí điểm chính quyền đô thị TPHCM trước khi Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Vẫn kiến nghị lập 4 thành phố mới
Một trong những nội dung quan trọng của đề án chính quyền đô thị TPHCM là thành phố sẽ thành lập bốn đô thị vệ tinh gồm các thành phố Đông, Tây, Nam, Bắc.
Cụ thể, thành phố Đông sẽ bao gồm quận 2, quận 9 và Thủ Đức có diện tích 211 km2, dân số 890.000 người, lấy khu đô thị mới Thủ Thiêm làm trung tâm, giáp với trục cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với chức năng kinh tế phát triển các ngành dịch vụ cao cấp (tài chính, tín dụng), công nghệ cao, du lịch sinh thái …
Thành phố Nam bao gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè, một phần diện tích phường 7 của quận 8 (phần phía Nam rạch Bà Tàng) và 2 xã Bình Hưng, Phong Phú thuộc huyện Bình Chánh, có diện tích 169 km2 với quy mô dân số 470.000 người, lấy khu đô thị Nam Sài Gòn làm trung tâm phát triển (có khu đô thị Phú Mỹ Hưng), thị trấn Nhà Bè và đặc biệt là khu đô thị cảng Hiệp Phước với chức năng phát triển công nghiệp, dịch vụ cảng.
Thành phố Tây gồm toàn bộ quận Bình Tân hiện nay, một phần phường 7, phường 16 của quận 8 và bốn xã An Phú Tây, Tân Kiên, Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh với diện tích 109 km2, dân số 810.000 người, có trung tâm là khu đô thị xã Tân Kiên, giáp quốc lộ 1. Thành phố Tây chủ yếu phát triển các ngành dịch vụ, khu công nghiệp và khu dân cư nhằm tái bố trí dân cư từ các quận 11, quận 6, Tân Bình.
Đối với thành phố Bắc bao gồm toàn bộ quận 12, Hóc Môn có diện tích 162 km2 với dân số 860.000 người, trung tâm phát triển là xã Tân Thới Nhì với hành lang phát triển là quốc lộ 22, có chức năng phát triển kinh tế dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp công nghệ cao và phát triển các khu dân cư phục vụ việc dãn dân, chỉnh trang đô thị quận Gò Vấp, Tân Bình.
Ngoài ra, thành phố Bắc cũng có phân khu chức năng phát triển khu đô thị sinh thái kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng có quy mô khoảng 1.000 héc ta tại quận 12.
|
Văn Nam
tbktsg
|