Tiền đề phát triển đô thị
Ba định hướng chiến lược cần đạt được: Chính quyền do dân - vì dân với cương lĩnh hành động cụ thể, trách nhiệm cá nhân đi trước trách nhiệm tập thể và quản lý theo tư duy kinh tế thị trường.
Từ khi đổi mới đến nay, chúng ta đã trải qua 2 làn sóng phát triển đô thị. Đô thị Việt Nam - đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng - đã thay đổi rất nhiều về lượng lẫn chất. Tuy nhiên, sự phát triển nào cũng có hai mặt, bao hàm những yếu tố tích cực lẫn tiêu cực.
Năm 2013, cuộc vận động cải tổ hành chính và phát triển chính quyền đô thị, nhất là tại Hà Nội và TP HCM, bước đầu đạt được sự quan tâm, ủng hộ, do đó cần được tiếp tục cụ thể hóa. Sự thay đổi của bộ mặt và không gian đô thị thường thể hiện khá rõ tình hình và trình độ phát triển của đô thị đó cũng như mức độ quản lý và lãnh đạo hiệu quả của chính quyền địa phương.
Trước thềm năm mới 2014, chúng ta hãy cùng nhau xem xét 3 định hướng chiến lược mà một chính quyền đô thị cần phải đạt được trong điều kiện thực tế hiện nay. Đó cũng sẽ là tiền đề quan trọng cho những thay đổi chiến lược trong phương pháp quản lý và phát triển đô thị tại Việt Nam.
1.Trong những cuộc bàn thảo, hầu hết các vấn đề đều xoay quanh những chi tiết như tổ chức HĐND, bộ máy quản lý, quy hoạch, thu ngân sách… Song, vấn đề gốc rễ mang tính chất quyết định sự thành công của một chính quyền đô thị chính là việc làm sao nâng cao hiệu quả của một chính quyền do dân và vì dân. Nói cách khác là nâng cao quyền hạn và ảnh hưởng trực tiếp của người dân đối với môi trường sống và phát triển đô thị, thông qua lá phiếu bầu của họ dành cho các nhà lãnh đạo địa phương.
Lãnh đạo các thành phố có trách nhiệm không những trong việc nâng cao chất lượng, điều kiện sống và làm việc của người dân địa phương mà còn phải tạo được dấu ấn trong từng nhiệm kỳ. Để có những nhà lãnh đạo thành phố hiểu rõ các vấn đề của cộng đồng và giải quyết hiệu quả những yêu cầu của cộng đồng, cần tổ chức tranh cử các chức vụ chủ chốt. Trong đó, nhà lãnh đạo tương lai phải đưa ra đề cương hoạt động chủ đạo của mình nếu đắc cử.
Trong điều kiện thực tế và luật pháp hiện hành tại Việt Nam, sau khi người dân bầu HĐND, HĐND có thể tổ chức cho khoảng 3-4 nhóm tranh cử các chức vụ chủ tịch và phó chủ tịch UBND. Mỗi nhóm phải đưa ra đề cương hoạt động về mọi mặt của thành phố trong nhiệm kỳ. Nhóm được phiếu bầu cao nhất sẽ nhận lãnh các chức vụ chủ chốt (chủ tịch, phó chủ tịch) trong UBND, được miễn nhiệm công việc trong HĐND. Nhóm về nhì sẽ nhận lãnh các chức vụ chủ chốt trong HĐND, có chức năng phản biện và giám sát các hoạt động của UBND.
2.Với một cơ chế như trên, chủ tịch UBND và chủ tịch HĐND sẽ mang trách nhiệm cá nhân nhiều hơn. Do vậy, cơ chế quản lý các nhà lãnh đạo này cũng phải thay đổi để bảo đảm quyền hạn và trách nhiệm tương ứng với chức vụ được giao.
Cơ cấu chính quyền địa phương theo cơ chế UBND - HĐND hiện nay vẫn còn mang tính chất trách nhiệm tập thể cao với những ưu, khuyết điểm riêng. Việc thực thi văn hóa từ chức thiếu khả thi khi các nhà lãnh đạo then chốt (chủ tịch, phó chủ tịch UBND; giám đốc, phó giám đốc sở, ngành) không có quyền hạn tương xứng với trách nhiệm, vẫn phải tuân theo cơ cấu trách nhiệm tập thể của UBND.
Ví dụ, nhiều người thường cho rằng chúng ta thiếu nhạc trưởng điều hành sự phối hợp của các sở, ngành liên quan trong việc phát triển đô thị. Thực ra, chúng ta đã có người thực hiện công việc này từ lâu với chức danh phó chủ tịch thường trực UBND, chịu trách nhiệm lãnh đạo một hội đồng về phát triển đô thị và môi trường gồm các sở: xây dựng, quy hoạch kiến trúc, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường… Điều cần làm là trao quyền hạn tương ứng với trách nhiệm cá nhân của chức danh này.
Vai trò nhà soạn nhạc tổng phổ giao hưởng của chủ tịch UBND cũng quan trọng không kém. Đó là người chịu trách nhiệm chính trong việc lãnh đạo và vạch ra chiến lược phát triển về mọi mặt của thành phố trong nhiệm kỳ cũng như trong kế hoạch dài hạn. Chúng ta không nên ngại giao nhiều quyền hạn cho một vài cá nhân lãnh đạo nếu việc đó tương xứng với trách nhiệm, nhất là khi chúng ta xây dựng được cơ chế giám sát và đánh giá hiệu quả công việc của các nhà lãnh đạo then chốt này để tránh tình trạng lạm quyền cá nhân.
Ngoài ra, để tránh những bất cập của tư duy nhiệm kỳ, các chiến lược và chủ trương, chính sách lớn của thành phố nếu đã được HĐND - UBND thông qua thì không thể thay đổi tùy ý mỗi khi thay đổi nhiệm kỳ lãnh đạo. Trừ phi, các nhà lãnh đạo mới chứng minh được với HĐND - UBND về sự cần thiết phải thay đổi.
3. Sau hơn 20 năm đổi mới, chuyển hướng sang cơ chế quản lý kinh tế thị trường định hướng XHCN, một phần không nhỏ cơ cấu quản lý đô thị hiện vẫn còn mang nặng tính chất kinh tế kế hoạch tập trung, gây không ít khó khăn cho việc phát triển kinh tế, phát triển đô thị.
Việc đổi mới cơ cấu và tổ chức chính quyền đô thị như trên đáp ứng nhiều mục tiêu cụ thể, giúp công cuộc phát triển đô thị trong cả nước hiệu quả hơn, phù hợp hơn với tư duy kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong đó, bộ máy hành chính có thể được tinh giản để các nhà lãnh đạo có quyền quyết định nhanh và tức thì nhiều vấn đề quan trọng của đô thị, đồng thời chịu trách nhiệm tương ứng với quyết định này.
Mô hình chính quyền đô thị sẽ tập trung quản lý ở cấp thành phố. Trong đó, nhà nước chỉ làm chức năng quản lý, đề ra chính sách hợp lý, khuyến khích người dân tham gia phát triển thành phố, hạn chế được tình trạng cắt khúc trong hệ thống chính quyền và sự bao cấp của chính quyền trung ương cũng như sự trì trệ của chính quyền cấp cơ sở, giảm bớt họp hành. Các quyết định của UBND thành phố cũng thực hiện nhanh hơn, thủ tục hành chính sẽ giảm bớt nhờ được phân cấp rõ.
Việc trao quyền tự quản cho địa phương là một trong những yếu tố không thể thiếu nếu muốn xây dựng chính quyền đô thị. Tự quản không chỉ về chính sách mà còn phải được quyền tự quyết định ngân sách. Chính quyền trung ương nên buông bớt trách nhiệm, chỉ cần tạo ra những khung luật để chính quyền địa phương tự vận hành. Bởi lẽ, có những vấn đề của địa phương mà chính quyền trung ương không thể nào giải quyết tốt hơn người tại chỗ.
Chính quyền đô thị cần có nhiều trách nhiệm và quyền hạn hơn. Chính quyền trung ương nên chỉ đạo chung và ít can thiệp trực tiếp vào hoạt động của địa phương. Trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân của các nhà lãnh đạo được quy định rõ ràng và người dân có thêm nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để cùng với nhà nước xây dựng, phát triển đô thị.
Ngoài ra, với việc định rõ quyền hạn và trách nhiệm cá nhân của các nhà lãnh đạo then chốt trong chính quyền đô thị, cơ cấu quản lý đô thị có thể được tổ chức lại hiệu quả hơn, theo hướng tư duy chiến lược đa ngành - phối hợp đa ngành, thay cho tư duy quản lý đơn ngành...
Ngô Viết Nam Sơn
Người lao động
|