Thời của y tế di động
Khi Kenneth Treleani được báo là ông bị huyết áp cao, bác sĩ đã kê toa kèm theo một khuyến nghị. Đó là yêu cầu Treleani sắm một thiết bị đeo tay không dây để đo huyết áp tại nhiều thời điểm khác nhau trong ngày và gửi dữ liệu qua điện thoại thông minh. Dữ liệu này sẽ được chuyển đến bác sĩ của ông. Ông Treleani cho biết, nhờ thiết bị theo dõi huyết áp này, do Công ty iHealth sản xuất, mà ông không phải thường xuyên đi đến phòng khám.
Các ứng dụng và thiết bị y tế di động mới đang giúp giảm tải cho bệnh viện
|
Các thiết bị đo huyết áp có thể mang trên người đã xuất hiện khá lâu rồi. Nhưng ý tưởng gắn một thiết bị nhỏ xíu vào điện thoại thông minh và một ứng dụng phần mềm để theo dõi sức khỏe bệnh nhân thì chỉ gần đây mới có. Và đây là một bằng chứng cho thấy các doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm đến việc phát triển các công nghệ không dây nhằm tạo ra các dịch vụ có ích cho con người, nhất là trong lĩnh vực y tế. Thiết bị do iHealth sản xuất nói trên là một ví dụ. Bằng cách cho phép các bác sĩ theo dõi bệnh nhân từ xa, giúp cho việc thu thập lượng dữ liệu khổng lồ được dễ dàng hơn và nâng cao hiệu quả điều trị bệnh, ngành chăm sóc y tế di động đã giúp giảm mạnh chi phí trong khi lại cải thiện được chất lượng khám chữa bệnh.
Nhiều cuộc thử nghiệm đã và đang được tiến hành tại các thị trường mới nổi, nơi các ứng dụng và thiết bị y tế di động mới đang hỗ trợ cho các bệnh viện, phòng khám còn nghèo nàn về cơ sở vật chất được giảm tải. Nhưng nước hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng y tế di động lại là Mỹ. Quốc gia này đã phải rót 2.800 tỉ USD mỗi năm vào một hệ thống chăm sóc y tế đang còn tồn tại nhiều điểm bất hợp lý. Do đó, một cuộc cách mạng về cách khám chữa bệnh sẽ giúp Mỹ giảm mạnh chi phí y tế. Đó là lý do các doanh nghiệp đang ngày càng nhắm đến thị trường này nhiều hơn.
Theo hãng tư vấn Mercom Capital Group, trong số 2,2 tỉ USD vốn đầu tư mạo hiểm được rót vào các công ty mới thành lập hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe vào năm ngoái, chủ yếu tại Mỹ, thì có 564 triệu USD là rót vào lĩnh vực y tế di động.
Thị trường y tế di động có thể được chia làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là các ứng dụng và thiết bị được sử dụng để theo dõi tình trạng sức khỏe của người mang thiết bị đó. Các công ty như Nike, Fitbit và Jawbone đã sản xuất ra các vòng đeo tay và các thiết bị mang trên người khác có chứa các bộ cảm biến giúp người đeo có thể theo dõi tình trạng sức khỏe hay ghi lại mức độ đốt cháy calorie khi đang tập thể dục chẳng hạn.
Nhóm thứ hai là các thiết bị và ứng dụng khác kết nối người bệnh với hệ thống chăm sóc y tế. Gần đây, Google cho biết đang phát triển một loại kính áp tròng có chứa một con chip không dây nhỏ xíu và các cảm biến nhằm đo lượng glu-cô trong nước mắt của bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. Hay Apple hồi tháng 12.2013 đã được cấp bằng sáng chế Mỹ về tích hợp cảm biến nhịp tim vào các thiết bị của mình.
Các ứng dụng y tế di động có thể giúp con người duy trì chế độ rèn luyện và giúp họ trở nên khỏe hơn. Nhưng trong ngắn hạn, chúng có thể sẽ không có tác động đáng kể lên hệ thống chăm sóc y tế và cũng không giúp cho nhiều nhà đầu tư rót vốn vào lĩnh vực này giàu lên ngay tức khắc. Hãng nghiên cứu IMS Health cho biết, trong số hơn 33.000 ứng dụng về y tế trong kho ứng dụng của Google Play, chỉ có 5 là ứng dụng y tế di động (trong đó có 2 ứng dụng đo mức độ calorie) nhưng lại chiếm tới 15% trong tổng số lần tải xuống.
Tuy vậy, nhiều doanh nghiệp cho rằng họ có thể kiếm lợi nhiều từ nhóm thứ hai, tức nhóm các ứng dụng và thiết bị giúp thay đổi, cải thiện cách khám chữa bệnh. Qualcomm, nhà sản xuất chip không dây lớn nhất thế giới, đã thành lập một bộ phận y tế di động gọi là Qualcomm Life và tạo dựng một nền tảng công nghệ giúp các công ty y tế di động dễ dàng kết hợp các dữ liệu như dữ liệu về các loại thuốc đã uống và kết quả các cuộc kiểm tra sức khỏe, sao cho bác sĩ có thể nhận biết một cách tổng quan về tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Và có không ít doanh nghiệp đã bán sản phẩm ra thị trường. AliveCor, chẳng hạn, đã tung ra một thiết bị có giá 199 USD được gắn vào điện thoại thông minh, cho phép bệnh nhân lấy dữ liệu về điện tâm đồ bằng cách đặt 2 ngón tay vào các miếng kim loại trên thiết bị. Một công ty khác là CellScope đã cho ra mắt một loại ống soi tai có thể gắn vào iPhone và một ứng dụng giúp gửi hình ảnh mà nó chụp được đến cho bác sĩ. Một số công ty khai thác dịch vụ di động cũng đã hăm hở tham gia thị trường này. Hồi tháng 10.2013, Verizon (Mỹ) đã tung ra một nền tảng cho phép truyền tải dữ liệu từ các thiết bị y tế như thiết bị đo lượng glu-cô đến các máy chủ của công ty.
Lợi ích của các thiết bị và ứng dụng y tế di động là có thể thấy được. Nhờ lượng dữ liệu thu thập, chúng có thể giúp người sử dụng và bác sĩ theo dõi dễ dàng hơn tình trạng sức khỏe của người bệnh, từ đó có biện pháp can thiệp trước khi tình hình diễn biến xấu đi. Nếu xét chi phí trung bình ở lại một đêm trong bệnh viện tại Mỹ vào khoảng 4.300 USD, rõ ràng các thiết bị và ứng dụng nói trên đã giúp tiết kiệm đáng kể chi phí. Đó là chưa nói đến việc giúp cải thiện chất lượng khám chữa bệnh nhờ can thiệp kịp thời.
Mặc dù có nhiều lợi ích, nhưng để các thiết bị y tế di động và ứng dụng được sử dụng rộng rãi thì sẽ phải mất một khoảng thời gian dài. Để thuyết phục bác sĩ, các nhà lãnh đạo bệnh viện, công ty bảo hiểm y tế ủng hộ thiết bị, ứng dụng y tế di động, các doanh nghiệp cần phải chứng minh rằng thiết bị, ứng dụng của họ hoàn toàn có thể giúp tiết kiệm chi phí và cải thiện kết quả khám chữa bệnh. “Các bằng chứng như vậy hiện vẫn còn rất ít”, Robert Kaplan, một quan chức tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ, nhận xét.
Đối với các nhà sản xuất các thiết bị y tế di động phức tạp hơn, tức các thiết bị nhắm đến bác sĩ, phòng khám và bệnh viện hơn là bệnh nhân, họ sẽ phải xây dựng một đội ngũ bán hàng hùng hậu giống như đội ngũ trình dược viên của các hãng dược để tiếp thị, theo Bob Kocher, nhà điều hành tại công ty đầu tư mạo hiểm Venrock. Điều đó sẽ phải mất nhiều thời gian và tiền bạc.
Mặc cho những rào cản như vậy, Tiến sĩ Peter Tippett, Phó Chủ tịch bộ phận Innovation Incubator của Verizon, vẫn rất lạc quan về triển vọng của thị trường y tế di động. Ông cho rằng ngành chăm sóc y tế đang trải qua một cuộc lột xác về di động giống như ngành ngân hàng và những ngành khác.
Các công ty muốn kiếm bạc chẵn từ ngành y tế di động sẽ phải rất kiên nhẫn. Nhưng họ có thể trông đợi vào lượng người sử dụng khá lớn cũng như các bệnh nhân rất sành sõi công nghệ như ông Treleani. Những người này đang vận động bác sĩ của họ sử dụng các thiết bị và ứng dụng mới trong điều trị bệnh. “Tôi nghi ngờ các phương pháp điều trị bệnh mà không thích ứng với các công nghệ mới này”, Treleani nói.
Khánh Đoan
nhịp cầu đầu tư
|