Thách thức đối với các thị trường mới nổi
Trong những năm qua, các nền kinh tế thị trường mới nổi (EME) được nhiều chuyên gia kinh tế coi là động lực tích cực cho tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, sự tin tưởng này đang dần tiêu tan trong những tháng gần đây, do thực trạng các EME sụt giảm hoặc chậm tăng trưởng. Thực tế này xuất phát từ những lý do sau:
Thứ nhất, EME không thể tách biệt với nền kinh tế toàn cầu và duy trì tăng trưởng kinh tế của riêng mình. Trong những năm qua, các EME tăng trưởng chủ yếu nhờ các nhân tố bên ngoài, bao gồm bong bóng tài sản và giá cả hàng hóa cao, sự dư dả của thị trường tín dụng toàn cầu. Tín dụng giá rẻ đã dẫn đến đột biến trong dòng vốn vào EME, phóng đại mức tăng trưởng, làm lu mờ tính dễ bị tổn thương trong cơ cấu các nền kinh tế này.
Thứ hai, sự phụ thuộc vào xuất khẩu và dòng vốn đã làm cho EME bất ổn; nhiều EME bị thâm hụt tài khoản vãng lai lớn với nguồn tiền được cung cấp thông qua các khoản nợ rủi ro cao. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tình trạng này khiến các nhà đầu tư thận trọng hơn khi đến với các EME. Hơn nữa, sự phục hồi tăng trưởng của các nền kinh tế tiên tiến, dẫn đầu là Mỹ và Anh, cùng với sự ổn định tương đối trong khu vực châu Âu đang khôi phục lòng tin thị trường, góp phần đảo ngược dòng vốn toàn cầu.
Thứ ba, sự suy giảm và tái cơ cấu nền kinh tế Trung Quốc đang dẫn đến suy giảm xuất khẩu ở nhiều thị trường mới nổi. Trung Quốc đã quyết định cải cách cơ cấu để tự do hóa nền kinh tế, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài, do đó không tránh khỏi suy giảm tăng trưởng.
Thứ tư, bản thân các EME cũng còn yếu kém về mặt cơ cấu (lạm phát cao và thâm hụt ngân sách), hoạch định chính sách không rõ ràng do tình hình chính trị bất ổn. Ấn Độ và Indonesia sẽ bầu cử trong năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang quay cuồng vì bê bối tham nhũng, trong khi những cuộc biểu tình chuyển hướng nguy hiểm ở Ukraine và Thái Lan,...
Tuy vậy, suy giảm trong EME chưa thể gây ra một cuộc khủng hoảng lớn, do các nước này đã tích lũy được một lượng lớn dự trữ ngoại hối và hầu hết đều có cơ chế thả nổi tiền tệ góp phần chống lại nguy cơ đầu cơ đồng nội tệ. Ấn Độ và Indonesia đã nhanh chóng giải quyết vấn đề thâm hụt tài khoản vãng lai và thâm hụt tài chính, gỡ bỏ dần một số rào cản để thúc đẩy đầu tư.
Tóm lại, kỷ nguyên phát triển bùng nổ ở EME đã đến hồi kết khi kinh tế toàn cầu hướng nhiều hơn tới các nền tảng cốt lõi. Mặc dù các EME vẫn phát triển và trưởng thành, song họ không còn chỉ dựa vào tăng trưởng tín dụng, động lực xuất khẩu mà phải nhìn tới những vấn đề sâu xa hơn, bắt đầu cải cách cơ cấu và thay đổi con đường của mình nhằm tạo ra sự thịnh vượng kinh tế.
Trà Mi
Hải Quan
|