Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đồ uống: Cần lộ trình thích hợp
Với đề xuất tăng thuế của Bộ Tài chính trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, các doanh nghiệp ngành bia - rượu - nước giải khát đã có nhiều phản ứng vì cho rằng chưa công bằng và cần có lộ trình phù hợp.
Việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống sẽ có tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp
|
“Cơn đau tim” của các doanh nghiệp
Tại cuộc họp góp ý kiến về Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với mặt hàng đồ uống được tổ chức mới đây tại Hà Nội, TS. Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia, Rượu, Nước giải khát Việt Nam - cho rằng, trước tác động của nhiều yếu tố, tốc độ tăng trưởng của ngành bia, rượu đang có xu thế giảm dần. Việc Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng này sẽ có tác động không nhỏ đến các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung của Luật thuế TTĐB, mức thuế áp cho bia tăng từ 50% lên 65%; mặt hàng rượu dưới 20 độ tăng từ 25% lên 35%; rượu trên 20 độ tăng từ 50% lên 65%; dự kiến mặt hàng nước giải khát có ga không cồn áp mức thuế 10%.
Ông Phạm Đình Thi - Vụ phó Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính):
Việc áp dụng và tăng thuế TTĐB không phải là biện pháp hạn chế sản xuất và tiêu dùng mà có những nhóm hàng hóa cần điều tiết cho phù hợp với thực tiễn. Bộ Tài chính đang công khai Dự thảo sửa đổi Luật Thuế TTĐB để lấy ý kiến của các bộ, ngành, hiệp hội ngành hàng, DN và nhân dân.
|
Đại diện Công ty bia Heineken Việt Nam nhấn mạnh, ngành rượu, bia đóng vai trò quan trọng trong việc tăng ngân sách và phát triển kinh tế của quốc gia. Nhà nước cần đối xử công bằng giống như những ngành kinh tế khác. Việc tăng thuế sẽ gây ra nhiều hệ lụy như ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, hạn chế việc nghiên cứu đưa ra sản phẩm mới chất lượng có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
Còn theo tính toán của ông Tayfun Uner- Tổng giám đốc Tập đoàn Carlsberg, việc tăng thuế sẽ làm tăng giá bán lên 12%, điều này không chỉ ảnh hưởng đến người tiêu dùng, đến tỷ lệ lạm phát của Việt Nam mà còn làm suy giảm ngành công nghiệp bia. “Việc tăng thuế TTĐB nếu được áp dụng trong thời gian tới sẽ là cơn đau tim của các DN” – ông Tayfun Uner nhấn mạnh.
Cần lộ trình phù hợp
Nhiều đại diện DN Vang Thăng Long, Heineken, Sapporo... cho rằng, việc đánh thuế đồng nhất với bia rượu, không theo độ cồn là chưa hợp lý. Mặt khác, vai trò quản lý của nhà nước đối với hàng nhập lậu vẫn còn là vấn đề nhức nhối gây khó khăn trong cạnh tranh. Trong khi các DN làm ăn chân chính, tuân thủ luật pháp, tạo việc làm cho xã hội… đáng ra được quan tâm nhiều hơn thì lại phải chịu mức thuế cao. Còn các DN, cơ sở sản xuất bia rượu nhỏ lẻ ở địa phương vừa tránh được sự quản lý, vừa hưởng lợi từ việc trốn thuế. Nếu Việt Nam áp mức thuế TTĐB cao thì hàng lậu sẽ tràn vào gây hỗn loạn thị trường..
Theo ông Nguyễn Hồng Linh - Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu – Nước giải khát Hà Nội - khẳng định, việc tăng thuế có thể mang lại lợi ích trước mắt nhưng về lâu dài lại gây khó cho DN, vì vậy, cần tính toán đến ổn định nguồn thu ngân sách lâu dài, hài hòa lợi ích giữa các bên và có lộ trình phù hợp để DN thích nghi.
Đình Dũng
công thương
|