Tách MobiFone “lợi cả đôi đường”
Mặc dù việc tách MobiFone ra khỏi VNPT được cho là giải pháp hoàn hảo nhất nhưng cũng tạo nên nhiều tranh luận trong giới chuyên gia kinh tế.
Theo đề án tái cơ cấu thị trường viễn thông đã được Bộ TT&TT trình Chính phủ, MobiFone sẽ tách ra khỏi Tập đoàn VNPT và thành lập Tổng Công ty Thông tin di động. Tổng công ty này cung cấp đa dịch vụ, trong đó có dịch vụ thông tin di động và MobiFone là một thành viên. Đây cũng chính là chủ đề được bàn thảo chủ yếu tại buổi tọa đàm “Tái cơ cấu thị trường viễn thông Việt Nam” diễn ra chiều 14-2, tại Hà Nội. Sự kiện do Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin tổ chức.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đặt ra nhiều câu hỏi, tuy nhiên tập trung ở hai ý chính. Thứ nhất, tại sao VNPT lại lựa chọn tách mạng di động MobiFone mà không phải là VinaPhone? Thứ hai, lộ trình thực hiện đề án và cơ chế để MobiFone hoạt động ra sao?...
Khách hàng đang giao dịch tại một đại lý của Mobifone. Ảnh: HTD
|
Giải đáp thắc mắc này, ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), cho biết theo nhìn nhận chung, phương án tách MobiFone ra khỏi VNPT trong nội dung đề án tái cơ cấu của Tập đoàn VNPT. Hiện MobiFone đang có một thương hiệu khá mạnh, hoạt động độc lập hơn so với VinaPhone trong Tập đoàn VNPT, khi tách ra sẽ giúp chủ trương cổ phần hóa của Chính phủ nhanh chóng hơn.
Tiếp đó, phương án tách MobiFone và một số giải pháp Tập đoàn VNPT kiến nghị vẫn đảm bảo tài chính cho tập đoàn, riêng MobiFone vẫn có nhiều điều kiện phát triển, hình thành một doanh nghiệp năng động hơn.
Làm rõ thêm về vấn đề này, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc VNPT, lý giải VNPT đã nghiên cứu rất nhiều phương án, cân nhắc tách VinaPhone hay MobiFone, phân tích các ưu điểm và nhược điểm cả về vấn đề tài chính, kinh tế do đây là quyết định gây ảnh hưởng tới hàng triệu khách hàng của hai nhà mạng. “Sau một thời gian cân nhắc, tập đoàn đã thảo luận với Bộ TT&TT và cuối cùng đi đến thống nhất tách MobiFone, nhằm đảm bảo tập đoàn có bức tranh tài chính lành mạnh, vừa đảm bảo MobiFone tiếp tục phát triển trong thời gian tới” - ông Hùng nói.
Theo ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Việt Nam, tách MobiFone là để cổ phần hóa chứ không phải là để cạnh tranh với nhau. Cổ phần hóa, thay đổi chủ sở hữu, rồi mới tính đến việc cạnh tranh. Việc tách MobiFone sẽ tạo động lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp còn lại trong ngành, thị trường viễn thông Việt Nam nhờ vậy sẽ sôi động và vận hành hiệu quả hơn.
Đồng tình với ý kiến trên, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (Ciem), cho rằng: “Việc tách MobiFone chắc chắn là để cổ phần hóa. Nhưng việc tìm kiếm đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài để cổ phần hóa MobiFone không dễ, nhất là phải làm sao hài hòa giữa các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội”. Ý kiến này của TS Võ Trí Thành cũng được một đại biểu khi đặt câu hỏi, nếu MobiFone được cổ phần hóa thì doanh nghiệp nước ngoài có thể chiếm bao nhiêu phần trăm?
Ông Phạm Hồng Hải cho hay theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thì cổ phần của doanh nghiệp nước ngoài trong các doanh nghiệp hạ tầng có thể chiếm đến 49% cổ phần mà viễn thông cũng là hạ tầng. Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp tới thì chưa rõ chính xác là bao nhiêu phần trăm. Về thời gian thực hiện đề án, ông Hải cho biết chưa biết rõ về thời gian cố định, tuy nhiên chắc chắn đề án sẽ được thực hiện trong khoảng từ nay cho đến năm 2015.
Ngành viễn thông vẫn chưa hoàn hảo
Thị trường viễn thông hiện nay chưa đảm bảo cạnh tranh hoàn hảo. Về mặt nguyên tắc, một chủ sở hữu không nên đứng ra tổ chức ra ba cá thể cạnh tranh với nhau. Trên thực tế, thị trường viễn thông Việt Nam chưa thực sự cạnh tranh lành mạnh, vẫn chịu sự quản lý và quyết định hành chính của các cơ quan chức năng.
Ông MAI LIÊM TRỰC, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Việt Nam
|
V.Thịnh
pháp luật TPHCm
|