Kinh tế Ukraine tiến gần bờ vực vỡ nợ vì bất ổn chính trị
Với 45 triệu dân, Ukraine là nước lớn nhất trong số các quốc gia nằm giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU). Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đến nay, quốc gia Đông Âu này thường xuyên bị mắc kẹt trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa Nga và phương Tây.
Người dân tập trung tại Quảng trưởng Độc lập ở Kiev ngày 25/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)
|
Ba tháng qua, nhiều người biểu tình đã tập trung tại quảng trường Maidan ở thủ đô Kiev với mong muốn đưa Ukraine xích lại gần EU. Những cuộc biểu tình nhuốm màu bạo lực đó đang gây ra tình trạng bất ổn chính trị ở Ukraine. Điều này chỉ đẩy nền kinh tế Ukraine ngày càng gần hơn tới bên bờ vực vỡ nợ.
Mắc kẹt trong cuộc chiến Nga-EU
Cho đến trước năm 1991, Ukraine vẫn thuộc Liên Xô cũ. Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine đã trở thành một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, đất nước có diện tích lớn nhất châu Âu này (không tính Nga và Thổ Nhĩ Kỳ) vẫn được coi là “sân sau” của Moskva.
Nguyên nhân không chỉ bởi Ukraine giáp biên giới và có những mối liên hệ chặt chẽ trong lịch sử, mà còn do người Nga mặc dù được coi là dân tộc thiểu số nhưng lại chiếm một tỷ lệ khá đông trong dân số nước này (khoảng 17%). Bên cạnh đó, sự phụ thuộc của Ukraine vào các nguồn khí đốt đến từ Nga cũng phần nào khiến Kiev ngả về Moskva.
Mặc dù vậy, trong hơn hai thập kỷ qua, với sự hậu thuẫn của Mỹ, EU đã nỗ lực thắt chặt quan hệ với nhiều nước thuộc Liên Xô trước đây, trong đó có Ukraine, để làm suy yếu ảnh hưởng của nước Nga trong không gian hậu Xô Viết. EU đã lôi kéo thành công nhiều nước thuộc Liên Xô cũ như Estonia, Latvia và Litva gia nhập khối này, đẩy biên giới của EU ngày càng gần nước Nga hơn. Trong nỗ lực tách Ukraine ra khỏi tầm ảnh hưởng của Nga, ba tháng trước đây, Brussels đã đề nghị Kiev ký một thỏa thuận thương mại và liên kết.
Tất nhiên, Moskva không chịu đầu hàng trước âm mưu đó của phương Tây. Trong những năm qua, Moskva đã thực thi nhiều chiến lược khác nhau. Riêng tại Ukraine, Moskva đã sử dụng các con bài khí đốt và hỗ trợ tài chính để ngăn Kiev không xích lại gần EU. Gần đây nhất, vào tháng 12/2013, Nga đã cam kết cung cấp khí đốt với giá rẻ hơn và một gói cứu trợ có tổng trị giá lên tới 15 tỷ USD sau khi Tổng thống Ukraine từ chối đề xuất trên của EU.
Tuy nhiên, có vẻ như những con bài đó đang dần mất đi tác dụng khi phe nổi dậy ở Kiev đã lật đổ Tổng thống hợp pháp Viktor Yanukovich để thay thế bằng một chính phủ tạm quyền thân phương Tây. Với những gì đang diễn ra ở Ukraine, Moskva lại sắp mất thêm một đồng minh nữa.
Bên bờ vực vỡ nợ
Trong quá khứ, Ukraine đã từng hưởng lợi không ít nhờ cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng về địa chính trị giữa Nga và EU. Tuy nhiên, cuộc chiến đó cũng gây không ít khó khăn cho quốc gia Đông Âu này.
Tại thời điểm hiện nay, với Chính phủ tạm quyền thân phương Tây do phe nổi dậy dựng lên, Ukraine đang đối mặt với nguy cơ mất đi các khoản hỗ trợ tài chính từ Nga.
Bộ trưởng Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev khẳng định khoản hỗ trợ tiếp theo có trị giá 2 tỷ USD trong gói cứu trợ 15 tỷ USD mà Moskva đã cam kết cấp cho Ukraine “đã sẵn sàng để giải ngân.”
Tuy nhiên, ông Ulyukayev nhắc lại quan điểm của Nga rằng trước hết, nước này muốn thấy ai sẽ điều hành Ukraine. Cho đến nay, Nga mới chỉ giải ngân 3 tỷ USD trong gói cứu trợ có tổng trị giá 15 tỷ USD trên.
Mặt khác, Moskva cũng khẳng định việc gia hạn thỏa thuận về việc Nga giảm giá khí đốt cho Ukraine cần phải được thương lượng với các công ty và chính phủ của Ukraine.
Nếu Moskva ngừng hỗ trợ cho Kiev, nền kinh tế Ukraine có thể sẽ lâm nguy bởi vì, theo ước tính của ngân hàng Commerzbank, trong năm 2014, Ukraine cần phải thanh toán 6,5 tỷ USD nợ nước ngoài và cần thêm 6,5 tỷ USD khác để bù đắp thâm hụt tài khoản vãng lai. Bên cạnh đó, Kiev cũng cần 1 tỷ USD để thanh toán số tiền mua khí đốt còn nợ của Nga.
Trong khi đó, vào cuối tháng 1/2014, dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Ukraine là khoảng 17,8 tỷ USD, thấp nhất kể từ năm 2006. Tuy nhiên, theo ước tính của ngân hàng Goldman Sachs, con số này đã giảm còn từ 12 đến 14 tỷ USD. Số tiền này có thể sẽ nhanh chóng hết nếu quốc gia Đông Âu này thanh toán các khoản nợ.
Trong bối cảnh đó, hôm 23/2, ông Oleksander Turchinov, người được phe nổi dậy ở Ukraine bầu làm quyền Tổng thống, đã cảnh báo quốc gia Đông Âu này đang tiến gần tới bờ vực vỡ nợ. Trong bài diễn văn của mình, ông Turchinov nhấn mạnh: “Trong lúc kinh tế thế giới đang phục hồi, nền kinh tế Ukraine lại đang tiến sát vực thẳm và đang trong giai đoạn tiền vỡ nợ”.
Phản ứng trước khả năng Ukraine mất khả năng trả nợ trong ngắn hạn, hôm 25/2, đồng hryvnia của nước này đã mất giá hơn 6% so với đồng bạc xanh của Mỹ, mức mất giá lớn nhất trong một phiên giao dịch đối với đồng hryvnia kể từ tháng 2/2009. Tỷ giá giữa hai đồng tiền này đã tăng lên 9,8 hryvnia/USD, mức cao kỷ lục từ trước tới nay.
Chuyên gia Ishitaa Sharma của tập đoàn Citi Group nhận định việc đồng hryvnia mất giá có thể sẽ làm tăng sự hoảng loạn ở Ukraine bởi vì, nhiều người sẽ không muốn giữ đồng tiền đang bị mất giá này./.
Thanh Tùng
Vietnam+
|