IMF: NHTW các nước phát triển không nên cắt giảm kích thích quá nhanh
Các nền kinh tế phát triển, trong đó có Mỹ, phải tránh thu hồi kích thích quá nhanh do đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu vẫn còn yếu và những biến động gần đây đã nêu bật được các rủi ro chính tại một số thị trường mới nổi.
* Sự giảm giá đồng tiền tại thị trường mới nổi sẽ đánh dấu kết thúc của chương trình Taper
* Fed tiếp tục cắt QE3 bớt 10 tỷ USD khi nhiệm kỳ Chủ tịch Bernanke kết thúc
* Fed tuyên bố cắt giảm QE3 bớt 10 tỷ USD/tháng
Đó là nhận định mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra hôm thứ Tư trong báo cáo chuẩn bị cho Hội nghị G20 dự kiến diễn ra vào ngày 22-23/02 tại Sydney.
Tổ chức này cho rằng các ngân hàng trung ương có thể phối hợp khi đưa ra kế hoạch thu hồi kích thích. Đây cũng là điều mà các nhà làm chính sách thị trường mới nổi mong muốn khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu rút lại các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất thế giới.
IMF cho biết triển vọng tăng trưởng toàn cầu vẫn chưa có gì thay đổi so với lần đánh giá gần đây nhất là vào tháng 1/2014 với dự báo tăng trưởng sẽ ở vào khoảng 3.75% trong năm nay và 4% trong năm 2015.
Tuy nhiên, đã xuất hiện một số rủi ro mới từ tỷ lệ lạm phát quá thấp tại Eurozone và các thị trường mới nổi cần có các chính sách thích hợp cũng như tỷ giá linh hoạt để đẩy lùi tình trạng lộn xộn trong thời gian qua.
Tổ chức này cho biết: “Sự tháo chạy của dòng vốn đầu tư, lãi suất tăng cao và tình trạng rớt giá mạnh của các đồng tiền thị trường mới nổi là điều rất đáng lo ngại và các điều kiện tài chính thắt chặt có thể cắt giảm đầu tư cũng như đà tăng trưởng tại một số quốc gia do các doanh nghiệp bị tác động mạnh”.
Một số nhà làm chính sách thị trường mới nổi đã đổ thừa rằng Fed là nguyên nhân khiến các thị trường thất vọng trong tháng 1/2013 và cuối năm ngoái, khi ngân hàng trung ương bắt đầu cắt giảm quy mô gói kích thích. Hiện chương trình mua tài sản của Fed có giá trị 65 tỷ USD sau hai lần cắt giảm vào tháng 12/2013 và tháng 1/2014.
IMF hối thúc Fed nên cẩn thận với việc thu hồi các biện pháp hỗ trợ quá nhanh. Tổ chức này cũng cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nên nới lỏng chính sách hơn nữa.
Phước Phạm (Theo CNBC)
Công Lý
|