Thứ Sáu, 28/02/2014 13:41

Doanh nhân bây giờ mệt óc hơn, nhiều trọng trách hơn

Cân bằng lợi ích và nền tảng nhân văn là những vấn đề đau đầu với ông Huỳnh Văn Thòn khi chuyển sang sản xuất lúa gạo với quy mô lớn.

Những năm gần đây Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) nổi lên như một doanh nghiệp tiên phong thực hiện mô hình liên kết “Cánh đồng mẫu lớn” và áp dụng nhiều phương thức kinh doanh, kỹ thuật mới cho nông dân và doanh nghiệp.

Người đề xuất, thay đổi ở doanh nghiệp này chính là ông Huỳnh Văn Thòn Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS). Dù ở vị trí lãnh đạo, nhưng ông Thòn vẫn gắn bó với nông dân. Người ta thường thấy ông lặn lội khắp các vùng quê, thậm chí sang cả Campuchia để triển khai những dự án mới.

Dũng cảm, tiên phong, liều… là những từ được nhiều người nói về ông Huỳnh Văn Thòn. Song, hơn tất cả những điều này, những người đón đầu cái mới như ông Thòn luôn ấp ủ những mong muốn lớn hơn cho nông dân và nhân viên của mình.

Ông và AGPPS vẫn tiếp tục suy nghĩ, đầu tư, vận hành mô hình này theo hướng nông dân – doanh nghiệp đồng sở hữu mô hình mới: công – nông – thương. Liệu điều đó sẽ thành hiện thực?

* Thưa ông, cho tới khi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Chính phủ họp tại Cần Thơ, lắng nghe ý kiến về mô hình liên kết mới trong nông nghiệp, vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào “Cánh đồng mẫu lớn”. Theo ông, liệu mô hình này có thể mở rộng hơn nữa?

- Tôi nghĩ mọi người sẽ đồng ý với nhau là phải mở rộng mô hình liên kết. Những đơn vị tới giờ không tham gia mô hình này họ cũng có lý do. Vì xây dựng mô hình này cũng cực lắm: phải tổ chức sản xuất, khép kín theo chuỗi giá trị, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, quản trị thích ứng điều kiện mới về quy mô, tính liên hoàn và sự minh bạch trước yêu cầu kiểm soát, truy xuất nguồn gốc…

Nhưng cũng chính vì cực quá, khó làm thì càng phải liên kết ngang nông dân – nông dân, công ty với công ty; liên kết dọc công ty với các với các ngành, công ty với nông dân… Nhiều khi cái khó là mô hình phải làm rõ giá trị mới của sản phẩm về mặt chất lượng, chủng loại, mẫu mã, sản xuất theo yêu cầu bảo vệ môi trường… Khó quá nên ít ai làm.

* Dư luận cho rằng, cái khó dễ thấy nhất khi xây dựng mô hình này là chưa được quyền xuất khẩu gạo trực tiếp?

- Đúng là có khó, nhưng tôi nghĩ đầu ra sẽ ổn bằng cách làm theo đơn đặt hàng và tạo khác biệt.

* Ý ông muốn nói, từ “Cánh đồng mẫu lớn” tới sản phẩm công nghệ cao như gạo mầm Vibigaba sẽ giúp cho sản phẩm của AGPPS ra thị trường tốt hơn?

- Tôi nghĩ gạo mầm Vibigaba đáp ứng được xu hướng tiêu dùng, có thương hiệu, giá tốt hơn. Về lâu dài, không chỉ tạo sản phẩm có giá trị khác biệt, AGPPS sẽ tập trung chế biến sâu sau gạo, tận dụng trấu, rơm rạ, cám…

Bức tranh tương lai là chuỗi giá trị lúa gạo, cà phê, bắp, phát triển chế biến sâu sau gạo sẽ tạo giá trị gia tăng theo mô hình tổ hợp công – nông – thương. Đó mới là mô hình mới của AGPPS.

* Vậy AGPPS sẽ phải bỏ thêm vốn vào cụm chế biến?

- Chúng tôi cần vốn đầu tư mới. Sẽ làm dự án kêu gọi đầu tư, huy động hoặc vay vốn để đầu tư.

* Quy mô “Cánh đồng mẫu lớn” đang lớn lên sẽ kéo theo những thay đổi trong cách quản trị so với trước, ông có lường trước những điều này?

- Mọi thứ đang mở rộng hơn, quy mô lớn hơn nên phải vừa nhân trị, tình trị, vừa kỹ trị. Đối với nông dân vẫn phải kêu gọi tình người, nhân trị là chính. FF (còn gọi là bạn nhà nông) ở với nông dân, có nhiều thứ phải lo, thành công và rủi ro đều ở đó nếu không có cách quản trị tốt. Cái may là khi “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” thì nông dân mới cùng với công ty xúm nhau quản lý FF.

Có người hỏi tôi, một doanh nghiệp muốn có kết quả như AGPPS phải làm gì? Mình làm theo chuỗi, thấy thiếu gì thì làm nấy, trước nhất là giống, thuốc đúng kỹ thuật, đội ngũ chuyên gia ở đồng ruộng và dám đầu tư hệ thống sấy…

Sấy, nghe thì đơn giản mà khó vì phải chọn lựa công nghệ. Công ty sấy miễn phí cho nông dân, nếu chọn công nghệ không phù hợp khiến chi phí sấy lên cả ngàn đồng/kg rồi tính toán với nông dân thì đâu còn ý nghĩa gì nữa.

Tóm lại, chìa khóa là công nghệ: FF chuyển giao công nghệ, máy sấy cũng phải lựa công nghệ, thiết bị phù hợp. Tương lai, công ty có tập trung chế biến sâu sản phẩm sau gạo cũng phải chọn công nghệ phù hợp…

* Doanh nhân bây giờ tính toán giỏi, nhưng theo ông có điều gì chông chênh trong bài toán lợi ích?

- Doanh nhân bây giờ mệt óc hơn, nhiều trọng trách hơn.

Ở AGPPS, cổ tức của nhà nước chia thấp nhất 30%/ năm, vốn điều lệ từ 150 lên 662 tỷ đồng, vốn sở hữu thực có của nhà nước từ 150 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng rồi. AGPPS vừa phải bảo vệ quyền lợi nhà nước, vừa phải bảo vệ lợi ích của cổ đông.

Tháng 10/2013, AGPPS phát hành 5% cổ phiếu cho nông dân và tới năm 2014 sẽ phát hành thêm 5% cổ phiếu nữa. AGPPS phải chọn nhà máy để cổ phần hóa với điều kiện: quy trình sản xuất khép kín, hoàn thiện, có lãi, có thương hiệu và biết chắc sẽ có nhà đầu tư muốn bỏ vốn vào đó.

Lúc đầu, giá cổ phiếu AGPPS sẽ bị ảnh hưởng vì bị pha loãng, nhưng sẽ ổn khi cả hệ thống áp dụng công nghệ thích ứng và quản trị mới… để giai đoạn 2 nâng cao khả năng chế biến sâu sau gạo, giải quyết phụ phẩm để giảm chi phí, nâng giá trị tới mức cao nhất… Lúc đó mới có thể nâng thu nhập của nông dân lên.

* Có khi nào ý tưởng nhân văn và áp lực lời – lỗ khiến ông bị “bầm dập”?

- Do nhận thức, đôi khi mình đi hơi sớm nên phải trả giá. Mình không có logic giống mọi người nên không phải ai cũng hiểu. Nếu mình tìm ra cái logic bình thường thì khi nói về mô hình liên kết mới, thay vì kể khó mình sẽ suy nghĩ cách giải thích khác.

Ngành lúa gạo phải được hoàn thiện để có gạo đúng chuẩn vào Hồng Kông, Đài Loan và Singapore. Gạo hạt tròn đi Nhật: họ đưa giống sang, AGPPS có trung tâm giống bảo đảm sản xuất đúng chuẩn, FF tổ chức sản xuất, quy trình minh bạch, dễ truy xuất, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng nông dược.

Trong khi Nhật lo tác động của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) tác động tiêu cực tới người nông dân của nước này, AGPPS chuẩn bị ở 3 khâu: thiết bị, thị trường và chế biến sâu sau gạo.

* Để nói về sự phát triển bền vững trong nông nghiệp, ông sẽ nói điều gì?

- Cái mà mình phải tính khi nói đến phát triển bền vững là tính nhân văn. Đó là nền tảng xã hội. Đừng để tính toán lợi ích mà thiếu tính nhân văn, tạo xung đột nội tại! Vì tiền, lợi ích giữa các khâu có vấn đề, lại để kéo dài cách ứng xử phản nhân văn sẽ tiếp tục phá vỡ các mối quan hệ khác.

* Xin cảm ơn ông.

Vân Anh

DOANH NHÂN SÀI GÒN

Các tin tức khác

>   CMT: Đính chính BCTC HN Q4-2013 (28/02/2014)

>   DAG: Nghị quyết HĐQT tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 (28/02/2014)

>   AGF: Đính chính BCTC HN Q4-2013 (28/02/2014)

>   IJC: Nghị quyết HĐQT tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 (28/02/2014)

>   HAP: 12/03 GDKHQ dự ĐHĐCĐ 2014 (28/02/2014)

>   ACL: 12/03 GDKHQ dự ĐHĐCĐ 2014 (28/02/2014)

>   CCL: 13/03 GDKHQ dự ĐHĐCĐ 2014 (28/02/2014)

>   B82: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 (28/02/2014)

>   BVS: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2014 (28/02/2014)

>   "Loại" được SPT, SGT đã có lãi trong năm 2013 (28/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật