Cơn sốt công nghệ sinh học sẽ kéo dài?
Các nhà đầu tư và nhà điều hành doanh nghiệp ngồi chen chúc nhau tại một khán phòng lớn ở New York để tham dự hội nghị do Tổ chức Công nghiệp Công nghệ Sinh học (BIO) tổ chức vào giữa tháng 2.2014. Không khí khán phòng vừa náo nức vừa bồn chồn. Bởi lẽ, tuần trước đó, đã có 8 doanh nghiệp công nghệ sinh học phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ, huy động được hơn 500 triệu USD, cho thấy một cơn sốt mới trong ngành công nghệ sinh học.
Các công ty công nghệ sinh học đua nhau lên sàn chứng khoán Mỹ trong năm 2013
|
Trong buổi thảo luận về việc liệu cơn sốt này có kéo dài, Oleg Nodelman, nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành EcoR1 Capital, quỹ đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe có trụ sở tại Mỹ, nói đùa rằng ông vẫn còn nhiều va-li tiền mặt cho bất cứ doanh nghiệp nào muốn có.
Công nghệ sinh học là ngành tạo ra dược phẩm và các sản phẩm có ích khác bằng cách tận dụng “công cụ của thiên nhiên”, tức là bằng cách thích ứng hoặc khai thác các quy trình của sinh vật sống. Chẳng hạn, Argos Therapeutics đang nghiên cứu phương cách kích hoạt hệ miễn dịch vốn có của người bệnh nhằm giúp họ chống chọi với ung thư thận hoặc HIV.
Ngành công nghệ sinh học đã trải qua các chu kỳ lên cơn sốt rồi xì hơi kể từ khi ra mắt vào thập niên 1970. Sau thời gian dài lắng dịu, năm ngoái, đã có nhiều doanh nghiệp công nghệ sinh học lên sàn chứng khoán Mỹ và huy động được lượng vốn lớn. Trong 12 tháng qua, khi chỉ số chứng khoán S&P 500 tăng 20% thì giá cổ phiếu của các công ty công nghệ sinh học lại tăng gần gấp 3 lần. Điều này cho thấy cơn sốt của ngành công nghệ sinh học đã quay trở lại và đang nóng hơn bao giờ hết.
Một trong những lý do chính là các nhà đầu tư, giờ rủng rỉnh tiền mặt nhờ thành công sau những thương vụ đầu tư vào các công ty internet, đã trở nên hào hứng với Dự án Bản đồ Gen Người. Họ hy vọng dự án tầm cỡ quốc tế này sẽ giúp con người phát triển được những phương thuốc, phương pháp điều trị mới mang lại lợi nhuận cao.
Để cho ngành công nghệ sinh học nở hoa, phải mất nhiều thời gian vì đó là một lĩnh vực cực kỳ phức tạp. Thực vậy, tạo ra các loại thuốc mới bằng con đường công nghệ sinh học là chuyện không dễ dàng, yêu cầu đầu tiên là sự kiên nhẫn phi thường và nguồn vốn rót vào gần như vô hạn. Đó là chưa nói đến những thách thức khác.
Theo hãng tư vấn Boston Consulting Group, 90% số tiền được rót vốn vào việc nghiên cứu các phương thuốc điều trị mới cuối cùng đã thất bại. Nhưng cho dù có thể tạo ra được một loại thuốc có thể sử dụng được, vẫn chưa thể thở phào nhẹ nhõm. Bởi lẽ, dược phẩm đó còn phải chờ sự phê chuẩn của các cơ quan kiểm duyệt khắc khe nhất thế giới như Cơ quan Thực dược phẩm Mỹ (FDA) và phải thuyết phục được các chính phủ, công ty bảo hiểm và bệnh nhân rằng loại thuốc đó đáng để họ bỏ tiền ra mua.
Tuy nhiên, một khi vượt qua được những chông gai này thì thành quả thu được xứng đáng. Stelios Papadopolous, một nhà đầu tư công nghệ sinh học kỳ cựu, cho rằng việc giá cổ phiếu nhóm công nghệ sinh học tăng mạnh gần đây không phải là ngẫu nhiên mà do ngành công nghệ sinh học đang bắt đầu có những kết quả đầy hứa hẹn. Hồi tháng 12.2013, FDA đã phê chuẩn thuốc Sovaldi dùng để điều trị bệnh viêm gan C. Loại thuốc này giờ có thể mang lại doanh thu lên tới hơn 3 tỉ USD trong năm nay cho nhà sản xuất ra nó – Gilead, một công ty công nghệ sinh học của Mỹ. Biogen Idec, cũng của Mỹ, dự kiến sẽ kiếm được hơn 1 tỉ USD mỗi năm từ Tecfidera, thuốc điều trị bệnh đa xơ cứng đã được FDA phê duyệt vào năm ngoái. Giá cổ phiếu của công ty này đã tăng gần 90% trong năm 2013.
Nhưng một câu hỏi đặt ra là liệu những thành công như vậy chỉ là cá biệt hay báo hiệu những loại thuốc “bom tấn” khác sẽ ra mắt trong thời gian tới. Có nhiều lý do để hy vọng rằng cho dù đợt tăng giá cổ phiếu và cơn sốt IPO thời gian qua có dịu lại, các công ty công nghệ sinh học vẫn sẽ tiếp tục phát triển mạnh.
Lý do thứ nhất, theo Kevin Starr, đồng sáng lập hãng đầu tư mạo hiểm Third Rock, là nhiều công ty nhỏ hơn đã trở thành “phòng nghiên cứu” cho các công ty lớn hơn. Chẳng hạn, Sanofi, một hãng dược lớn của Pháp, hiện giờ đã phụ thuộc vào Regeneron, một công ty công nghệ sinh học Mỹ, để thúc đẩy tăng trưởng. Chỉ riêng trong năm nay, Sanofi sẽ rót khoảng 1 tỉ USD vào chương trình nghiên cứu của Regeneron. Christopher Viehbacher, Tổng Giám đốc Sanofi, cho biết mục đích không phải là “Sanofi hóa” Regeneron hay bất cứ đối tác nào của Tập đoàn mà là để kết hợp năng lực nghiên cứu các phương pháp điều trị mới của Regeneron với kỹ năng của Sanofi trong việc đưa chúng ra thị trường.
Celgene, một công ty công nghệ sinh học lớn của Mỹ, cũng thực hiện mô hình hợp tác nghiên cứu tương tự như Sanofi.
Lý do thứ hai và cũng là lý do rất quan trọng là các công ty cuối cùng đã bắt đầu thu được thành quả từ công cuộc nghiên cứu cấu trúc gen người. Khi các nhà nghiên cứu hiểu được trúc trắc về gen gây nên một căn bệnh nào đó, họ sẽ phát triển phương pháp điều trị mới. Chẳng hạn, Vertex có một loại thuốc điều trị các bệnh nhân bị xơ nang, nhờ hiểu rõ hơn về loại gen lỗi gây ra căn bệnh đó.
Rõ ràng, những tiến bộ trong lĩnh vực nghiên cứu cấu trúc gen đã giúp các cuộc thử nghiệm lâm sàng trở nên rẻ và nhanh hơn. Điều này làm gia tăng niềm tin rằng phương thuốc điều trị các căn bệnh khó chữa, hiếm gặp giờ không còn quá xa vời. FDA giờ đã dành sự cân nhắc đặc biệt cho những loại thuốc điều trị các căn bệnh như vậy; vì thế các công ty có thể kỳ vọng rằng việc phê chuẩn sẽ dễ dàng hơn.
Hiện tại, câu hỏi quan trọng nhất là liệu các cuộc nghiên cứu đã mang lại nhiều kết quả hữu ích hơn so với trước đây hay không. Hơn 80% người được hỏi trong cuộc khảo sát gần đây do Mark Schoenebaum, chuyên gia phân tích tại ISI Group, thực hiện, đã trả lời là “Có”. Tuy nhiên, Schoenebaum lại có phần hoài nghi. Ông cho biết hiện vẫn chưa có số liệu cụ thể để có thể đưa ra kết luận. Dẫu vậy, với những tiến bộ trong nghiên cứu cấu trúc gen và mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các hãng công nghệ sinh học và nhà đầu tư, giờ đã có thể kỳ vọng về một ngành công nghệ sinh học phát triển mạnh trong thời gian tới.
Đàm Hoa
Nhịp cầu đầu tư
|