Thứ Sáu, 14/02/2014 10:29

Cơ hội và thách thức cho ngân hàng tăng vốn

Bước sang năm 2014, một số ngân hàng (NH) đã “đánh tiếng” kế hoạch tiếp tục tăng vốn điều lệ (VĐL) trước áp lực tái cơ cấu đảm bảo tăng trưởng bền vững. Nhưng liệu kế hoạch tăng vốn của các NH có đạt được như kế hoạch đề ra hay không.

Cơ hội và thách thức nào các NH sẽ đối mặt khi thực hiện tăng VĐL? Phóng viên Thời báo Ngân hàng xin trích dẫn một số ý kiến của ngân hàng, chuyên gia xoay quanh vấn đề này.

TS. Võ Trí Thành – Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Thách thức nhiều hơn cơ hội

So với các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản… thì kênh gửi tiết kiệm vẫn được đánh giá là an toàn nhưng lợi nhuận lại tương đối thấp, cao nhất là 9%/năm đối với kỳ hạn dài. Trong khi thị trường chứng khoán có tốc độ tăng trưởng khá lớn, như trong năm 2013 trên 20% và từ đầu năm 2014 đến nay cũng tăng trên 10%, thanh khoản trên thị trường cũng có cải thiện rõ.

Như vậy, so với các kênh đầu tư trên thì chứng khoán đang khá hấp dẫn. Sự hấp dẫn ở kênh này chắc chắn sẽ hỗ trợ cho việc tăng VĐL của các NH. Bởi một trong những kênh quan trọng giúp tăng VĐL đó là phát hành cổ phiếu (CP).

Vậy cơ hội cho CP ngành NH có nhiều hay không theo tôi là có nhưng không nhiều. Thực tế, qua những lần tiếp xúc với các tổ chức tài chính quốc tế họ vẫn bày tỏ sự quan tâm đến các NH Việt Nam. Nhưng không phải là tất cả mà chỉ một số NH hoạt động tốt, có tiềm năng. Tôi lưu ý, không chỉ có những NH lớn mới nhận được sự quan tâm của NĐT ngoại mà những NH trong diện tái cơ cấu cũng thu hút được sự quan tâm của họ. Nếu NH sau tái cơ cấu hoạt động tốt thì vẫn hấp dẫn đối với khối ngoại vì họ đều là NĐT lớn nên ý đồ đầu tư lâu dài, mang tầm chiến lược. Và nếu nhìn trong dài hạn, ngành NH vẫn có một số điểm đến đủ hấp dẫn.

Tuy nhiên, nhìn tổng thể thì quá trình tái cấu trúc hệ thống NH mới bắt đầu. Đằng sau câu chuyện này còn nhiều điều khiến các NĐT băn khoăn đó là tiến trình tái cấu trúc của hệ thống NH trong đó nổi lên những vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo, NH yếu kém… mà thực hiện quá trình này không đơn giản dễ dàng trong ngày một ngày hai. Và một yếu tố nữa các NĐT quan tâm đằng sau các ngân hàng đấy ai đã và sẽ là ông chủ để họ tính đến bắt tay làm đối tác chiến lược.

Thời gian tới, để tăng tính hấp dẫn đối với CP NH đồng thời tiếp tục là một kênh huy động vốn hiệu quả thì các NH cần chú trọng đến các vấn đề lên sàn chào bán cổ phần ra công chúng, minh bạch sở hữu chéo cũng như hoạt động kinh doanh… Làm tốt điều này vừa hạn chế rủi ro, vừa tăng hấp dẫn đối với NĐT ngoại.

So với các ngành khác, tính minh bạch trong hoạt động ngân hàng đã được cải thiện rõ ràng. Nhưng NH là một ngành đặc thù và rất phức tạp nhất là đối với các vấn đề như sở hữu chéo… do đó, cách làm, xử lý vấn đề đòi hỏi sự khôn khéo, duy trì sự ổn định của cả hệ thống. Minh bạch ở đây cũng phải hiểu ở nhiều nghĩa. Và sự minh bạch ấy đủ để thị trường tin vào cơ quan quản lý là đã nhìn thấy, nhìn thẳng và nhìn ra sự thật. Trước những thông tin bất lợi, cơ quan quản lý, cơ quan giám sát phải có phản ứng nhanh nhạy, kịp thời để dẹp tin đồn.

Từ trái sang: TS. Võ Trí Thành, TS. Cấn Văn Lực, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng

TS. Cấn Văn Lực – Giám đốc Trường đào tạo cán bộ BIDV

Tùy thuộc vào sức khỏe tài chính mỗi NH

Vì sao các NH luôn phải đặt mục tiêu tăng vốn? Vì tổng tài sản tăng liên tục qua các năm nên nếu như VĐL không tăng theo thì NH không đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định là 9%. Như vậy tức là mẫu số tăng thì tử số cũng phải tăng. Do vậy, tăng VĐL là một quá trình liên tục trong sự phát triển của mỗi NH. Theo tôi, NH có nhiều cách tăng VĐL: sử dụng lợi nhuận tích lũy; NHTMCP huy động từ cổ đông hiện hữu, còn các NH có yếu tố Nhà nước có thể kêu gọi, yêu cầu Chính phủ bổ sung thêm vốn. Cách thứ 3 có thể là huy động từ cổ đông mới như cổ đông chiến lược, NĐT nước ngoài…

Rõ ràng năm nay, cùng với đà phục hồi tăng trưởng kinh tế, TTCK có những yếu tố thuận lợi hơn năm 2013. Cũng như các nước trên thế giới, CP ngành NH tại Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng lớn 20 – 30% vốn hóa TTCK. Và năm 2014 hoạt động NH cũng sẽ được cải thiện hơn với sự ấm lên của nền kinh tế. Nhu cầu tín dụng cao hơn, NH đang tích cực tái cơ cấu chuyển hướng tăng chất dịch vụ, tín dụng… là một trong những yếu tố thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của NH.

Việc nới room cho NĐT ngoại cũng là một điểm tích cực thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của NĐT ngoại. Theo đó, tạo cơ hội thuận lợi cho các NH tìm kiếm được đối tác chiến lược là NĐT ngoại để tăng VĐL. Tuy nhiên, việc có tăng vốn thành công qua kênh chứng khoán, thu hút được NĐT ngoại hay không còn phụ thuộc sức khỏe mỗi NH. Vì trong bối cảnh kinh tế chung tốt nhưng VĐL của các NH khác nhau, có NH tăng trưởng lợi nhuận tốt, nhưng có NH nợ xấu nhiều, quản trị điều hành còn vấn đề…

Có ý kiến cho rằng, cần phải xử lý triệt để nợ xấu, sở hữu chéo thì mới tăng hấp dẫn được NĐT đối với lĩnh vực NH. Tôi đồng tình với quan điểm trên, nhưng riêng vấn đề nợ rõ ràng không phải bây giờ mới phát hiện, nó vẫn luôn tồn tại và để xử lý được phải là một quá trình. Và nói xử lý nợ xấu thì điều mà NH mong muốn là giảm bớt đi chứ không thể triệt tiêu được. Vì hoạt động NH lợi nhuận bình quân có thể cao hơn những ngành khác nhưng đi kèm theo đó là rủi ro cũng lớn hơn và rủi ro đó là nợ xấu.

Tất nhiên, điều này đòi hòi sự nỗ lực rất lớn từ các NH tích cực xử lý nợ xấu, phân loại nợ theo chuẩn, quy định của NHNN tại Thông tư 02 để khi Thông tư này có hiệu lực 1/6/2014 sẽ không tạo ra cú sốc cho thị trường.

Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB

Ngân hàng không dễ tăng được vốn

Trong năm 2014, OCB sẽ tăng VĐL lên khoảng 4.000 tỷ đồng từ cổ tức để lại từ năm 2012. Tôi nghĩ rằng, việc tăng VĐL là cần thiết để củng cố hoạt động, nhất là trước yêu cầu cao hơn về quản trị rủi ro thì đây là đương nhiên. Nhưng việc tăng VĐL trong năm 2014 vẫn không dễ dàng đối với các NH Việt Nam. Có thể, TTCK trong năm 2014 ổn định hơn, các NĐT có xu hướng đa dạng hóa danh mục đầu tư trong đó CP NH là một lựa chọn phù hợp để đưa vào rổ chứng khoán. Nhưng tôi cho rằng các NĐT thận trọng trong đầu tư chứ không tạo làn sóng mạnh mẽ như trước đây.

Có hai xu hướng đầu tư chứng khoán, một là lướt sóng, hai là theo giá trị. Nếu NĐT đầu tư theo giá trị thì CP NH sẽ là một lựa chọn không tồi vì có nhiều NH trong giai đoạn khó khăn vừa qua vẫn đứng vững, hoạt động tốt. Mặt khác, giá CP NH đang ở mức thấp so với tiềm năng phát triển của nó. Tóm lại khi đầu tư CP NH, NĐT cần xác định mục tiêu là tìm kiếm lợi nhuận trong dài hạn.

Nhìn trên tổng thể tôi thấy rằng, việc tăng VĐL trong năm 2014 vẫn gặp khó nên tùy vào chiến lược phát triển, sức khỏe tài chính của mình mà đưa ra lộ trình tăng vốn. Nếu giai đoạn này NH đơn thuần chỉ tăng VĐL để có thặng dư vốn… thì đây không phải là thời điểm thích hợp. Vì giá CP NH không thể tăng đột biến trong năm nay dù độ hấp dẫn cao hơn.

Ví dụ như, OCB đang triển khai chiến lược cũng như cấu trúc kinh doanh mới cần có những nguồn lực khác nhau, trong đó nguồn lực tài chính có vai trò quan trọng. Quan điểm của OCB là không tăng VĐL đột biến mà có lộ trình phù hợp với tiến trình phát triển NH và tăng vốn từ lợi nhuận tích lũy.

Dù có nhiều giải pháp tăng vốn khác nhau, nhưng tôi cho rằng, giải pháp tăng VĐL trong năm 2014 như từ lợi nhuận tích lũy, kêu gọi góp vốn cổ đông chiến lược, cổ đông mới “nội” cũng như “ngoại” sẽ phù hợp hơn là phát hành thêm CP ra công chúng. Vì quan điểm của tôi, TTCK vẫn chưa phải là kênh hấp dẫn và thuận lợi cho NH tăng VĐL trong năm 2014.

Thanh Huyền

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Hoa mắt với phí ngân hàng (14/02/2014)

>   Những sếp nào 'thoát tội' trong vụ bầu Kiên? (14/02/2014)

>   Vietinbank cho vay tái cấp vốn Viglacera (13/02/2014)

>   Vì sao cựu phó chủ tịch ACB bị liên đới vụ bầu Kiên (13/02/2014)

>   Tăng trưởng tín dụng năm 2014: Có quá lạc quan? (13/02/2014)

>   “Khoảng mờ” ở Agribank (13/02/2014)

>   Đằng sau chuyện vượt rào sở hữu cổ phần ngân hàng (13/02/2014)

>   Lãi suất VNĐ liên ngân hàng tăng ở hầu hết các kỳ hạn (12/02/2014)

>   Gói 30.000 tỷ: Còn cách nào ngoài “leo cột mỡ”? (12/02/2014)

>   Điều kiện tiếp cận gói 30.000 tỷ đang dần “lý tưởng” (12/02/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật