Bất động sản công nghiệp sẽ “đắt hàng”
Theo bà Dương Thùy Dung, Phó giám đốc CBRE Việt Nam, ngay từ trong năm 2013, bất động sản (BĐS) công nghiệp đã bắt đầu có sự xoay chuyển tình hình. Dự kiến trong năm 2014, nhà xưởng, đất cho thuê trong KCN sẽ “đắt hàng” do nhu cầu xây dựng nhà xưởng có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ sự hồi phục kinh tế và việc quay trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài.
* Về đâu Khu công nghiệp Biên Hòa 1?
* Chặt chẽ với thành lập khu công nghiệp
* Nhiều doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp tăng vốn
* Khu công nghiệp chưa vơi sức hút
* TPHCM: Vốn đầu tư vào khu công nghiệp, khu chế xuất tăng gần 50%
Trong tháng 2/2014 này, Khu kỹ nghệ Việt Nhật sẽ được khởi công xây dựng tại khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, TP. Hồ Chí Minh. Theo chủ đầu tư, dự án có định hướng thu hút các DN ngành công nghiệp hỗ trợ của Nhật Bản đến đầu tư sản xuất với cam kết cung ứng dịch vụ trọn gói từ nhà xưởng đến thủ tục pháp lý...
Trước đó, Ban quản lý Các khu chế xuất (KCX) và công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Hepza) đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án liên doanh giữa một công ty sản xuất trong nước và tập đoàn lớn của nước ngoài tại KCN Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh) và cho biết đây không phải diễn biến đơn lẻ. Theo Hepza, trong năm 2013, rất nhiều nhà đầu tư đến từ một số nước trong khu vực, đặc biệt là nhà đầu tư Hàn Quốc, Nhật Bản… có nhu cầu tìm kiếm địa điểm mở rộng sản xuất, thay đổi và tìm mới vị trí để đầu tư xây dựng văn phòng, nhà xưởng.
Ông Kenya Takekura, nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm cho biết, công ty đang có ý định thuê lại nhà xưởng hoặc đầu tư xây dựng một nhà máy mới trên diện tích khoảng vài ha trong KCN, có vị trí giao thông thuận lợi, gần vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu sản xuất kinh doanh của công ty. Theo nhà đầu tư Nhật Bản này, cùng với xu hướng chuyển dịch đầu tư sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam, sắp tới sẽ còn nhiều công ty, tập đoàn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đổ bộ vào các KCN, KCX có vị trí thuận lợi, cơ sở hạ tầng tốt, còn tỷ lệ đất trống tương đối rộng rãi tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành lân cận.
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh có 18 KCN đang hoạt động với tổng diện tích hơn 3.600 ha, chủ yếu nằm tại những quận, huyện ngoại thành. Bên cạnh phần lớn các KCX, KCN có tỷ lệ lấp đầy trên 90% nhờ qua nhiều năm hình thành và đưa vào khai thác sử dụng, một số KCN do đi vào hoạt động đúng thời điểm kinh tế khó khăn, nhu cầu xây dựng, mở rộng nhà xưởng sản xuất không cao nên tỷ lệ lấp đầy chỉ đạt khoảng 50%. Thậm chí, các KCN Hòa Phú, Hiệp Phước giai đoạn II… mới cho thuê được trên dưới 10%.
Nhưng theo bà Dương Thùy Dung, Phó giám đốc CBRE Việt Nam, ngay từ trong năm 2013, bất động sản (BĐS) công nghiệp đã bắt đầu có sự xoay chuyển tình hình. Dự kiến trong năm 2014, nhà xưởng, đất cho thuê trong KCN sẽ “đắt hàng” do nhu cầu xây dựng nhà xưởng có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ sự hồi phục kinh tế và việc quay trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều KCN mới xây dựng với cơ sở hạ tầng, trang bị tương đối tốt nên đã cơ bản đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng.
Còn báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, năm 2013 chứng kiến sự tăng tốc của nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng hơn 54% so với năm trước. Trong đó, gần 80% được “rót” vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Điều này cho thấy, cùng với việc mở rộng sản xuất sẽ có thêm nhiều diện tích đất trống trong các KCX, KCN được tìm kiếm để xây dựng văn phòng, nhà máy, xí nghiệp…
Bà Dung phân tích thêm, trong một vài năm trở lại đây, BĐS công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh không có nguồn cung mới nào đi vào hoạt động nên tổng nguồn cung không thay đổi nhiều, tạo điều kiện thuận lợi lấp đầy diện tích trống cho KCN hiện hữu.
Bên cạnh đó, các chủ đầu tư có xu hướng chuyển từ cho thuê dài hạn đất công nghiệp sang xây dựng nhà xưởng cho thuê với diện tích khoảng 2.000 - 3.000 m2/khu nhà xưởng, góp phần tạo điều kiện tăng thêm nguồn thu. Đặc biệt, với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ đối với các DN, nhà đầu tư nước ngoài hoạt động trong KCX, KCN như thuế sử dụng đất, thuế thu nhập DN… kỳ vọng sẽ mở ra tương lai cho BĐS công nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng và nhiều tỉnh thành trong cả nước nói chung…
Theo Hepza, từ nay đến năm 2020, tổng nguồn cung BĐS KCN tại TP. Hồ Chí Minh ước tính sẽ tăng thêm khoảng 3.000 ha. Về số lượng, sẽ có khoảng 30 KCN mới lẫn các KCN mở rộng giai đoạn tiếp theo đi vào hoạt động, tăng 12 KCN so với nguồn cung tại thời điểm năm 2013. |
Nhật Minh
Thời báo ngân hàng
|