Bao lâu nữa Việt Nam giải quyết được “cục máu đông”?
Tính đến ngày 31.12.2013, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua nợ xấu của 35 tổ chức tín dụng (TCTD) trên tổng số 36 TCTD gửi hồ sơ đề nghị bán nợ xấu cho VAMC, hoàn thành mục tiêu đặt ra trong năm 2013 là mua khoảng 30.000 - 35.000 tỉ đồng. Năm 2014, VAMC tiếp tục xúc tiến đánh giá, phân loại các khoản nợ xấu, xây dựng kế hoạch mua nợ từ 70 - 100 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư nước ngoài, vấn đề họ quan tâm là tính minh bạch của các khoản nợ xấu này và thực sự Việt Nam muốn giải quyết vấn đề nợ xấu nhanh hay chậm.
Không chấp nhận giá ảo
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó chủ tịch Hội đồng thành viên VAMC - tỏ ra không lo ngại trước kế hoạch phải thực hiện mua nợ xấu năm 2014 của VAMC. "Cho tới thời điểm hiện tại, các TCTD đã quán triệt tinh thần Thông tư 19, Nghị định 53 và có trách nhiệm với việc tái cơ cấu lại các TCTD, nên họ sẽ đẩy mạnh việc bán nợ cho VAMC. Thông tư 02 sẽ chính thức có hiệu lực từ 1.6.2014. Vì vậy, kế hoạch mua nợ từ 70 – 100 nghìn tỉ năm 2014 là có thể hoàn thành. VAMC đang nỗ lực để các khoản nợ dù lớn hay nhỏ đều có khả năng tái cấu trúc và xử lý hiệu quả nhất”, ông Hùng khẳng định.
Theo ông Hùng, điều mà các nhà đầu tư nước ngoài (NĐT NN) quan tâm hàng đầu hiện nay khi làm việc với VAMC là tính minh bạch của các khoản nợ, đặc biệt là các khoản nợ lớn. Ông Nguyễn Quốc Hùng cho biết: “Khi NĐT NN vào VN, họ cần xác định đúng giá trị thật của khoản nợ. Không thể nói ngày xưa cho vay cao thì bây giờ bắt nhà đầu tư mua lại giá cao. Không thể nói vống lên, giá trị đáng chỉ 10 đồng nhưng hét giá 200 đồng. Minh bạch tức là giá mua phản ánh đúng giá thị trường, không có giá ảo. VAMC cần thực hiện tốt vai trò của mình”.
Bên cạnh đó, cũng theo ông Hùng, còn nhiều yếu tố khiến các NĐT NN quan tâm là tính pháp lý và quyền sở hữu tài sản. Ví dụ, NĐT NN mua lại dự án của DN nhưng khi kiểm tra thì thấy giấy phép hết hạn, một dự án đang được hoàn thiện nhưng ngừng thi công tiếp, chưa có sổ đỏ... việc chuyển nhượng đất đai sở hữu như thế nào. Ông Hùng cũng bày tỏ mong muốn các NH trong nước cũng xem xét đây là một cơ hội, nếu thấy dự án có hiệu quả thì cũng nên cùng ngồi lại và tập trung đầu tư để phát triển, không phải cứ nghe nợ xấu là ngại, là sợ.
Nếu Việt Nam tự giải quyết nợ xấu thì phải từ 5 - 6 năm
“Theo tôi, điều quan trọng nhất trong xử lý nợ xấu với Việt Nam hiện nay là Việt Nam muốn giải quyết vấn đề này nhanh hay chậm?”, ông Sanjay Kalra - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam (IMF) thẳng thắn nêu ý kiến. Theo ông, nếu VN tự tin có thể một mình giải quyết nợ xấu mà không cần yếu tố nước ngoài thì có thể phải mất từ 5 – 6 năm. Nhưng với thời gian dài đó, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại. Dù nguồn tiền đến từ trong hay ngoài nước thì đều phải kèm theo tái cơ cấu NH. Ông Sanjay Kalra cho biết: “Rất khó đưa ra câu trả lời vì tôi không biết thực chất vấn đề nợ xấu nằm ở đâu. NHNN nói nợ xấu 8%, các NHTM nói 4%. Nếu chúng ta không nắm được thực chất vấn đề thì khó giải quyết. Trước đó, chúng ta cần phải trả lời con số nợ xấu thực chất là bao nhiêu?”.
Còn theo ông Tareq Muhmood – Tổng giám đốc NH ANZ Việt Nam cho rằng, VAMC không nên vội vàng bán tháo ngay lúc này. VAMC mất 5 - 10 năm để phân loại khoản nợ và đảm bảo số tài khoản đó bán với giá tốt nhất.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) khẳng định: “Xử lý nợ xấu càng sớm bao nhiêu thì NH càng nhẹ bấy nhiêu. Dù đã bán nợ xấu cho VAMC nhưng SHB vẫn đang phải xử lý, không thể để nguyên nợ xấu trong 5 năm rồi trích lập dự phòng rủi ro 20 %/năm để sau 5 năm là hết. Chúng tôi đang nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu như tái cấu trúc, chuyển thành vốn góp, bán tài sản để xử lý. Chúng tôi mong muốn tự xử lý được nợ xấu. Nếu có tổ chức nước ngoài quan tâm mua đứt mà phù hợp, giảm thiểu thiệt hại cho NH thì chúng tôi cũng sẵn sàng”.
Theo ông Sanjay Kalra, trong quá khứ, từng có thời kỳ tốc độ tăng trưởng tín dụng quá cao, tại sao các NH vẫn say sưa cho vay như vậy? Một phần là do các NH cho vay thiếu trách nhiệm, không biết được sau này DN đó có khả năng trả nợ hay không. Nhiều NHTM cho vay chỉ nhìn vào tài sản đảm bảo, bất động sản thế chấp mà không quan tâm tới dòng tiền, không nhìn vào phương án kinh doanh, trả nợ. Thêm vào đó, các cơ quan quản lý nhà nước cho phép tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng. Việt Nam cần giám sát tốt hơn, bài học về quản lý nợ xấu của ngày hôm nay cần được thấm thía để sau này không rơi vào tình trạng tương tự.
Lan Hương
lao động
|