Bằng giả chỉ có thể chui vào bộ máy nhà nước
Ngày 25-2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp của Hội đồng quốc gia về giáo dục và phát triển nhân lực. Tại đây, Thủ tướng yêu cầu việc triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo phải hết sức chú ý đến tính khả thi và thiết thực.
Phiên họp này thảo luận ba nội dung quan trọng bao gồm: dự thảo chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện nghị quyết 29 của trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (nghị quyết 29); dự thảo đề án xây dựng chương trình và sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015; đề án thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo.
Sớm đổi mới tuyển dụng
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng Bộ Nội vụ nên sớm có đề án đổi mới tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức.
“Việc học giả, bằng giả, rồi bằng thật nhưng chất lượng giả chỉ có thể chui vào hệ thống chính trị của chúng ta thôi, không chui được vào doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài đâu. Nếu không làm được vấn đề tuyển dụng thì cái thực học còn khó” - ông Luận nói.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Đúng ra chúng ta phải xác định lại hệ thống giáo dục như thế nào, cơ cấu ra sao, rồi dẫn đến thống nhất chương trình chuẩn, chương trình khung, từ đó mới viết sách giáo khoa. Song song với sách giáo khoa là đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn với đó là đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên, ứng dụng công nghệ rồi đến kiểm tra, thi cử. Nhưng chúng ta không thể làm tuần tự được. Như trong dự thảo đề án đã đặt ra làm sách giáo khoa. Tuy nhiên, dù sao cũng phải khẩn trương xác định hệ thống giáo dục của chúng ta, nếu không xác định hệ thống mà lao ngay vào viết sách, rồi làm chương trình thì sẽ có những trục trặc”.
Không để lãng phí nguồn lực
Ông Phan Thanh Bình, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho rằng với chương trình giáo dục phổ thông thì không nên đi sâu đào tạo chuyên gia sớm, trước hết cần chú ý đào tạo người công dân có trách nhiệm với xã hội, xác lập năng lực của một công dân chứ chưa vội nghĩ đó sẽ là bác sĩ hay kỹ sư thì sự đòi hỏi đối với các em học sinh sẽ nhẹ hơn. “Bây giờ lúng túng cái gì về kiến thức thì bấm Google là ra. Bản thân tôi cũng Google, cho nên ở đây không phải kiến thức mà là nhận thức trách nhiệm công dân” - ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, việc soạn sách giáo khoa không nên chỉ có các giáo sư, tiến sĩ trong trường đại học, nên mời thêm các chuyên gia từ các hiệp hội, các thầy giáo đang trực tiếp dạy các em...
Dẫn thông tin trên báo Tuổi Trẻ về hiện tượng hiu hắt trường nghề ở đồng bằng sông Cửu Long, ông Bình đề nghị cần chú trọng đến vấn đề hướng nghiệp thật tốt cho học sinh.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định làm sách giáo khoa mới lần này là với hệ thống 12 năm, nhưng sẽ phải triển khai nghiên cứu hệ thống để hoàn thiện.
Dứt khoát nguyên tắc của lần này là làm chương trình trước rồi mới làm sách, nếu tách bạch được hai lực lượng viết chương trình và viết sách là hay nhất.
Sau khi có chương trình công bố rồi thì huy động lực lượng chuyên gia xã hội tham gia viết không chỉ một bộ sách, mà tương lai có thể là một số bộ sách...
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến của các thành viên trong hội đồng để hoàn thiện các đề án.
Đối với chương trình hành động của Chính phủ triển khai nghị quyết 29 cần ban hành sớm, cố gắng trong tháng 3 tới.
Thủ tướng nêu rõ nội dung của chương trình hành động phải bám sát nghị quyết trung ương, với tinh thần giáo dục - đào tạo thật sự là quốc sách hàng đầu, thật sự đổi mới căn bản và toàn diện. Cụ thể hóa toàn diện, đồng bộ nghị quyết của trung ương, đồng thời phải có trọng tâm, trọng điểm và hết sức lưu ý tính khả thi cao, thiết thực.
“Cụ thể hóa một hồi mà không khả thi thì tốn kém và không đi vào cuộc sống được. Cần xác định đúng từ đầu nhiệm vụ, bởi vì giao nhiệm vụ mà không đúng thì tốn thời gian, lãng phí nguồn lực”- Thủ tướng nói.
Về dự thảo đề án xây dựng, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015, Thủ tướng nói sau khi trình Quốc hội thảo luận, có nghị quyết thì Chính phủ sẽ cụ thể hóa hơn nữa, vào khoảng quý 3-2014 sẽ phê duyệt. “Từ nay đến đó nên lấy thêm ý kiến các chuyên gia”- Thủ tướng yêu cầu.
Về việc thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo, Thủ tướng cho biết dự kiến Chính phủ sẽ ban hành quyết định trong tháng 3-2014.
Phiên họp cũng đã nghe Bộ GD-ĐT trình bày dự thảo quyết định thành lập Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục - đào tạo. Chủ tịch ủy ban là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Các phó chủ tịch ủy ban dự kiến bao gồm trưởng Ban Tuyên giáo trung ương và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Một trong các chức năng và nhiệm vụ của ủy ban là giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, chiến lược, chương trình, đề án quốc gia, dự án quan trọng có tính chất liên ngành, đa lĩnh vực về giáo dục - đào tạo, dạy nghề, phát triển nguồn nhân lực cho đất nước...
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đề nghị có thể giảm thành viên ủy ban là thành viên Chính phủ, nhưng nên bổ sung ba tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam. “Qua nghiên cứu các cuộc cải cách giáo dục trên thế giới và trong nước, một số cuộc thất bại có nhiều lý do, trong đó có lý do quan trọng là truyền thông không tốt”.
|
Võ Văn Thành
tuổi trẻ
|