2014-2015 là giai đoạn thử thách sức bền của các công ty quản lý quỹ
Theo các công ty quản lý quỹ (QLQ), 2014-2015 có thể là giai đoạn thử thách sức bền và sẽ có các “acid test”, thử thách khắc nghiệt nhất, đối với các quỹ đang và sắp có trên thị trường. Do đó, Câu lạc bộ các Công ty Quản lý Quỹ và công ty VFM đã kiến nghị các tới Ủy ban nhằm tháo gỡ khó khăn cho các công ty QLQ.
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2014 của UBCKNN ngày 21/02, Câu lạc bộ các Công ty Quản lý Quỹ chia sẻ về một năm nhìn lại, nhiều khó khăn đối với các công ty bao gồm áp lực rút vốn và giải thể đổi với quỹ đóng công chúng, suy giảm tài sản ủy thác của khách hàng sử dụng dịch vụ quản lý danh mục đầu tư. Bên cạnh đó là quá trình thanh lọc đối với các công ty QLQ bắt đầu diễn ra và khó khăn khi triển khai sản phẩm mới đã diễn ra trên thực tế.
Cụ thể, trong năm đã có 14 quỹ đóng giải thể hoặc chuyển đổi với số vốn huy động lần đầu là 8,827 tỷ, chiếm 55% tổng số vốn huy động lần đầu của các quỹ được thành lập trong giai đoạn từ năm 2003 tới năm 2012. Phần lớn các quỹ có quy mô lớn đều đã tiến hành giải thể hoặc chuyển đổi. Các quỹ mở mới hình thành (không bao gồm các quỹ chuyển đổi) có quy mô rất nhỏ, chỉ đáp ứng được yêu cầu tối thiểu về vốn huy động khi lập quỹ, tổng số vốn huy động lần đầu vào các quỹ này đạt 268 tỷ đồng. Sau khi thành lập, quy mô của các quỹ chưa thấy có sự tăng trưởng và đã thấy có sự suy giảm. Bên cạnh đó, tổng tài sản của các công ty QLQ vào thời điểm cuối năm 2013 thấp hơn so với cùng thời điểm các năm 2011 và 2012.
Theo đánh giá của các công ty QLQ, năm 2014 sẽ là năm khó khăn nhất đối với các công ty QLQ kể từ khi thành lập ngành (năm 2003) đến nay. Đây cũng sẽ là năm đặc biệt khó khăn về doanh thu đối với đại đa số các công ty trong ngành khi chu kỳ hoạt động của quỹ đóng đã kết thúc và các quỹ hoạt động theo mô hình quỹ mở chưa có sự tăng trưởng cần thiết để có được doanh thu bù đắp đủ chi phí quản lý cùng với tình hình chung của thị trường không cho thấy có khả năng thay đổi đáng kể đối với nguồn tài sản ủy thác đầu tư. Bên cạnh đó, việc thực hiện thường xuyên các hoạt động huy động vốn cho quỹ mở sẽ làm gia tăng chi phí của công ty quản lý quỹ so với thời gian trước đây.
Như vậy, các năm 2014, 2015 có thể là giai đoạn thử thách sức bền của các công ty QLQ đồng thời cũng là năm sẽ có các “acid test”, thử thách khắc nghiệt nhất, đối với các quỹ đang và sắp có trên thị trường. Ngoài một nhóm thiểu số các công ty QLQ có nguồn tiền ủy thác từ tập đoàn mẹ, đa số các công ty trong ngành sẽ phải đối mặt với giai đoạn thử thách này.
Do đó, các công ty đã kiến nghị tới UBCKNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho các công ty QLQ. Cụ thể, UBCKNN cần tổ chức các chương trình đào tạo và lãnh đạo sự phối hợp với các công ty quản lý quỹ để tiến hành đào tạo cho người đầu tư về các mô hình quỹ mở và quỹ hưu trí.
UBCKNN cũng cần ban hành các quy định cần thiết để triển khai hoạt động của quỹ hưu trí bổ sung vì đây sẽ là động lực rất lớn để các quỹ đầu tư dạng mở có thể phát triển trong dài hạn. Đây còn là cơ hội lớn đối với ngành quản lý quỹ và cũng là cơ hội để hình thành các phương tiện đầu tư dài hạn vào thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, UBCKNN cần có các định hướng cần thiết cho các công ty QLQ và các tổ chức cung cấp dịch vụ tham gia vào việc xây dựng các sản phẩm đầu tư phục vụ hưu trí, tiếp tục có các chính sách tạo tiền đề thu hút vốn đầu tư vào quỹ thông qua chính sách thuế và quản lý đầu tư.
Theo các công ty QLQ, trong giai đoạn 2014-2015 và sau đó, sự phát triển của ngành quản lý quỹ sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc triển khai thành công các sản phẩm trên nền quỹ mở và các quỹ hưu trí.
Minh Hằng lược ghi
công lý
|