Xét xử vụ án đưa Dương Chí Dũng chạy trốn
Biết trước mình bị bắt, Dương Chí Dũng thông báo cho em trai là Dương Tự Trọng tổ chức cho mình bỏ trốn. Hành trình này kéo dài hơn ba tháng rưỡi.
Hành trình chạy trốn bất thành của Dương Chí Dũng
|
Hôm nay 7-1, TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án tổ chức người khác trốn đi nước ngoài với bảy bị cáo, gồm: Dương Tự Trọng (nguyên phó giám đốc Công an Hải Phòng, nguyên cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an), Vũ Tiến Sơn (nguyên phó trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - PC45, Công an Hải Phòng), Hoàng Văn Thắng (nguyên cán bộ phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an Hải Phòng), Nguyễn Trọng Ánh (nguyên cán bộ PC45 Hải Phòng), Đồng Xuân Phong (nguyên cán bộ Hải quan Hải Phòng, đối tượng truy nã của Công an TP.HCM), Trần Văn Dũng (Dũng “Bắc Kạn”), Phạm Minh Tuấn (giám đốc Xí nghiệp Bạch Đằng, Hải Phòng).
Sim rác và bí danh
Dương Chí Dũng làm nhân chứng trước tòa
Thẩm phán Trương Việt Toàn, chủ tọa phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm, cho biết trong phiên tòa hôm nay (7-1), Dương Chí Dũng sẽ có mặt với tư cách là nhân chứng của vụ án. Hội đồng xét xử sẽ xét hỏi Dương Chí Dũng để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo khác trong vụ án.
Dự kiến phiên tòa kéo dài trong hai ngày 7 và 8-1. Có năm luật sư sẽ tham gia bào chữa cho các bị cáo. Những người tham dự tòa đều phải đi qua máy soi chiếu. Các phóng viên muốn dự tòa đưa tin phải đăng ký danh sách từ trước để được cấp thẻ tham dự tòa.
T.Lụa
|
Theo cáo trạng, chiều 17-5-2012 Dương Chí Dũng biết được thông tin sẽ bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam về tội “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” nên đã thông báo cho em trai là Dương Tự Trọng (khi đó là phó giám đốc Công an TP Hải Phòng).
Dương Tự Trọng gọi Vũ Tiến Sơn và Hoàng Văn Thắng đến phòng làm việc, thông báo sự việc và bàn bạc việc tổ chức cho anh trai mình trốn ra nước ngoài. Ngay sau đó, Dương Tự Trọng cùng Vũ Tiến Sơn, Nguyễn Trọng Ánh và Nguyễn Thái Hưng (cán bộ Hải quan Hải Phòng) lên đường đi Hà Nội để lo liệu.
Trọng đã yêu cầu Phạm Minh Tuấn và Hoàng Văn Thắng đón Dương Chí Dũng đưa đến nhà bố đẻ của bạn gái mình ở thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh. Đến nơi vào khoảng 2g sáng 18-5-2012. Vũ Tiến Sơn đã gọi Đồng Xuân Phong và Dũng “Bắc Kạn” để bàn bạc. Việc đưa Dương Chí Dũng vào TP.HCM được giao cho Hoàng Văn Thắng và Nguyễn Trọng Ánh, đi bằng đường bộ. Để liên lạc thuận tiện, tránh bị phát hiện, Sơn đã đưa cho mỗi người một điện thoại di động và một sim rác mới, thống nhất gọi nhau bằng bí danh: Dương Chí Dũng là “Đồng”, Đồng Xuân Phong là “Gió”, Trần Văn Dũng là “Cạn”.
Kế hoạch này được thông báo lại cho Dương Tự Trọng và sáng 20-5-2012, Dương Tự Trọng yêu cầu Thắng cùng Ánh đi Quảng Ninh đón Dương Chí Dũng đưa vào TP.HCM. Những người này đều phải để điện thoại chính ở nhà và sử dụng điện thoại sim rác trong quá trình đón, đưa Dương Chí Dũng đi trốn.
Trốn đi Mỹ không thành
Chiều 20-5-2012, Dương Tự Trọng và Vũ Tiến Sơn lợi dụng việc được cử đi công tác đã bay từ Hải Phòng vào TP.HCM để trực tiếp chỉ đạo việc đưa Dũng trốn đi nước ngoài. Vũ Tiến Sơn giữ nhiệm vụ liên lạc, chắp nối trong cả nhóm.
Sáng 21-5-2012, Trọng cùng Sơn gặp Nguyễn Hồng Vinh (em vợ Dương Tự Trọng), nhờ Vinh đi đổi ôtô mang biển số TP.HCM để tránh bị phát hiện. Khoảng 18g ngày 23-5-2012, Dương Chí Dũng được đón gần chân cầu vượt Củ Chi. Khi xe đến cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Dũng “Bắc Kạn” và Đồng Xuân Phong thuê xe ôm chở Dương Chí Dũng sang Campuchia. Dũng “Bắc Kạn” đã nhờ nhân viên casino mang hộ chiếu Dương Chí Dũng đi đóng dấu nhập cảnh vào Campuchia.
Đến trưa 24-5-2012, Phong mua vé máy bay cùng Dương Chí Dũng bay từ Campuchia sang Singapore để Dương Chí Dũng làm thủ tục xuất cảnh đi Mỹ. Tuy nhiên, do không được phép nhập cảnh vào Mỹ nên Dương Chí Dũng phải quay về sau đó đến Campuchia ẩn náu vào ngày 27-5-2012. Dương Chí Dũng sau đó được sắp xếp ở nhờ nhà một người bạn của Đồng Xuân Phong tại Campuchia. Bản thân Trần Văn Dũng, Đồng Xuân Phong cũng trực tiếp sang Campuchia theo chỉ đạo của Dương Tự Trọng để bố trí ăn ở cho Dương Chí Dũng nhằm trốn tránh sự truy bắt của cơ quan chức năng Việt Nam. Tuy nhiên ngày 4-9-2012, cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp với Campuchia bắt giữ được Dương Chí Dũng.
Trong vụ án này, Viện KSND tối cao xác định Dương Tự Trọng là người chủ mưu, cầm đầu, Vũ Tiến Sơn tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Trọng với nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng sim rác, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón, cung cấp tiền, giao cho các bị cáo thực hiện từng phần việc khác nhau nhằm che giấu hành vi phạm tội. Hành vi của các bị cáo đã cản trở, gây khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án tham nhũng lớn tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam mà Dương Chí Dũng là bị cáo chính trong vụ án này.
Yêu cầu tiếp tục điều tra
Cáo trạng của Viện KSND tối cao nêu rõ vào chiều 17-5-2012, Dương Chí Dũng biết trước được thông tin sẽ bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam. Do đó, Viện KSND tối cao đã có yêu cầu Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tiếp tục điều tra về việc này.
Quá trình điều tra, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an xác định Dương Tự Trọng còn có hành vi che giấu, không tổ chức truy bắt Đồng Xuân Phong (đối tượng truy nã của Công an TP.HCM), chỉ đạo cấp dưới làm giả hai giấy CMND là phạm vào tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Do đó, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, điều tra trong một vụ án khác.
Minh Quang
Phải công khai người báo tin cho Dương Chí Dũng
Các đại biểu Quốc hội và chuyên gia đều cho rằng hành vi báo tin cho Dương Chí Dũng biết trước chuyện sẽ bị khởi tố và bị bắt tạm giam để Dũng trốn đi nước ngoài gây ra hậu quả nghiêm trọng, nên cần phải đưa người báo tin này vào vòng tố tụng.
* Ông Nguyễn Thái Học (ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội):
Hậu quả nghiêm trọng
Hậu quả của hành vi “báo tin” thế nào thì chúng ta đều đã biết: Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài, gây khó khăn, cản trở cho quá trình điều tra vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại Vinalines trong nhiều tháng. Rõ ràng hành vi này gây hậu quả nghiêm trọng, gây xôn xao dư luận và bất bình trong nhân dân.
Cũng như nhiều người dân, tôi chờ đợi cơ quan điều tra làm rõ chuyện này. Phải công khai danh tính người báo tin cho Dương Chí Dũng bỏ trốn, công khai việc xử lý.
* TS Vũ Đức Khiển (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Phải đưa người báo tin cho Dương Chí Dũng ra tòa
Dương Chí Dũng đã khai trước tòa là có người báo cho mình biết thông tin bị khởi tố, tòa hỏi người đó là ai thì bị cáo Dũng trả lời là đã khai tại cơ quan điều tra rồi. Nếu đúng vậy thì chỉ cần giở hồ sơ ra là biết ai đã báo tin. Vậy tại sao đến nay vẫn chưa có ai bị khởi tố, truy tố về việc báo tin cho Dương Chí Dũng?
Tôi nghĩ việc này rất cần được làm rõ. Được biết khi trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang cũng đã hứa là không để lọt người, lọt tội trong vụ án này. Mới đây, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đại tướng Trần Đại Quang chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phòng chống tội phạm đã một lần nữa nêu rõ quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh này. Vì vậy, với một câu hỏi còn nhức nhối, được đông đảo nhân dân quan tâm như vậy thì những người có trách nhiệm cao nhất nên chỉ đạo cơ quan chức năng xử lý rốt ráo.
* Ông Đỗ Mạnh Hùng (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội):
Nếu không làm rõ, tôi sẽ chất vấn
Như tôi đã từng phát biểu trên báo Tuổi Trẻ, đây là việc rất cần được làm rõ và công khai, nhưng đáng tiếc là đến thời điểm này, khi vụ án Dương Tự Trọng được đưa ra xét xử thì vẫn không có thông tin nào.
Tôi vẫn chờ đợi và tin rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ điều tra làm rõ và công khai vụ việc này. Chúng ta chia sẻ với cơ quan điều tra rằng có thể không phải một người mà có vài người báo tin cho Dương Chí Dũng bằng các con đường khác nhau, vì vậy có thể có khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình xác minh. Và chúng ta hãy chờ, bởi đây là vụ việc không thể bị bỏ qua. Tôi tin là nó sẽ được cơ quan điều tra làm rõ và truy tố, xét xử ở một vụ án khác. Các vụ án lớn như Dương Chí Dũng tham ô, cố ý làm trái ở Vinalines, Dương Tự Trọng tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài đều đã được làm rõ và đưa ra xét xử công khai thì không có lý gì vụ người báo tin cho Dương Chí Dũng lại bị bỏ qua.
Tất nhiên, đến một thời hạn nào đó, cá nhân tôi thấy rằng việc xử lý không đáp ứng được yêu cầu của cử tri và của bản thân tôi thì với tư cách một đại biểu Quốc hội, tôi sẽ có chất vấn.
Lê Kiên ghi
|
tuổi trẻ
|