Vốn ngoại vẫn âm thầm vào bất động sản
Trong khi nhiều công ty đầu tư bất động sản nước ngoài vẫn đứng ngoài chờ đợi và quan sát do quan ngại về tình trạng ốm yếu của thị trường bất động sản thì một số khác vẫn âm thầm tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án bất động sản mới tại Việt Nam.
Hồi cuối tháng 10.2013, Keppel Land (Singapore), đã nhận được giấy phép đầu tư vào dự án Khu Đô thị Hà Nội Westgate. Về thực chất, đây là một thương vụ mua bán và sáp nhập của Keppel Land trong lĩnh vực bất động sản, khi công ty này liên doanh với Công ty Cổ phần Tài chính và Phát triển Doanh nghiệp (FBS).
Dự án Hà Nội Westgate được cấp phép cho FBS từ năm 2008 trên diện tích 52,52 ha tại huyện Quốc Oai nằm dọc đại lộ Thăng Long, trước thời điểm tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội. Theo quy hoạch chung đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt, huyện Quốc Oai sẽ hình thành một khu đô thị sinh thái rộng 900 ha. Vì thế, Keppel land và FBS sẽ xây dựng dự án Hà Nội Westgate theo hướng khu đô thị sinh thái.
Vẫn còn phải chờ một thời gian nữa Keppel Land và FBS mới có thể tiến hành xây dựng dự án, nhưng việc tham gia đầu tư vào dự án Hà Nội Westgate cho thấy Keppel Land vẫn đánh giá cao thị trường Việt Nam bất chấp tình trạng ảm đạm của thị trường trong 2-3 năm trở lại đây. Đặc biệt hơn, đây là dự án đặt dấu mốc cho sự mở rộng của tập đoàn này tại khu vực phía Bắc trong phân khúc nhà ở, sau khi đã gặt hái được một số thành công với các dự án ở TP.HCM.
Keppel Land không phải là công ty nước ngoài duy nhất đang âm thầm mở rộng danh mục đầu tư tại thị trường bất động sản Việt Nam. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2013, tổng vốn đăng ký mới và đầu tư mở rộng trong lĩnh vực bất động sản của các nhà đầu tư nước ngoài là 951 triệu USD, chiếm 4,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, có 20 dự án mới và 5 dự án tăng vốn.
Dự án có số vốn lớn nhất là VSIP Sembcorp Gateway tại Bình Dương với vốn đăng ký gần 200 triệu USD, do liên doanh VSIP và Sembcorp Development của Singapore đầu tư. Tiếp đó là dự án Hà Nội Westgate với tổng vốn đăng ký 140 triệu USD. Indochina Land cũng liên doanh với Công ty Nam Long để phát triển dự án EHome Tây Sài Gòn với vốn đầu tư gần 70 triệu USD.
Nếu so với số vốn đăng ký cả năm 2012 lên tới 1,97 tỉ USD, có vẻ như sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với bất động sản Việt Nam đã giảm xuống. Tuy nhiên, điều đó là chưa hẳn, bởi chỉ tính riêng dự án liên doanh giữa tập đoàn Tokyu của Nhật với Becamex (cấp phép tháng 1.2012) cũng đã có tổng vốn đăng ký 1,2 tỉ USD.
Thực ra, năm 2013 lại thu hút nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư bất động sản nước ngoài hơn so với năm trước nếu nhìn vào số dự án. Theo Cục Đầu tư Nước ngoài, tổng số dự án đầu tư nước ngoài tăng vốn và đầu tư mới trong năm 2013 là 20 dự án mới và 5 dự án tăng vốn, trong khi các con số này năm 2012 lần lượt chỉ là 13 và 8.
Vậy sự quan tâm này là do đâu? Một số thay đổi tích cực diễn ra trong năm 2013 đã góp phần giúp cải thiện niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Đó là Luật Đất đai sửa đổi, gói hỗ trợ 30.000 tỉ đồng cho các dự án nhà ở thuộc phân khúc cấp thấp và sự ra đời của công ty mua bán nợ xấu VAMC nhằm tháo gỡ nút thắt nợ xấu cho thị trường.
“Trong bối cảnh thị trường bất động sản còn nhiều thách thức như hiện nay, những thay đổi này là điều đáng mừng,” ông Leong Swee Chow, Tổng Giám đốc SetiaBecamex, nhà đầu tư dự án EcoLakes tại Bình Dương, nhận xét.
“Việc VAMC mua lại các khoản nợ xấu trong quý cuối cùng của năm vừa qua là rất đáng khích lệ. Bởi lẽ, điều kiện để thị trường bất động sản phát triển chính là sự tăng trưởng lành mạnh của hệ thống ngân hàng,” ông nói thêm. Ông Leong dự báo năm 2014 thị trường sẽ phục hồi tốt hơn và lượng giao dịch trên thị trường bất động sản sẽ tăng cao hơn.
Niềm tin này là lý do một số doanh nghiệp nước ngoài cho biết vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Trong lần trả lời báo chí hồi tháng 8.2013, ông Linson Lim, Chủ tịch Keppel Land Việt Nam, cho biết Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng nhờ có dân số trẻ và tốc độ đô thị hóa cao. Đó là lý do Keppel Land tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tại đây. Keppel Land hiện có 19 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 2 tỉ USD như các dự án Villa Riviera, Riviera Cove và The Estella giai đoạn 1 tại TP.HCM.
SP Setia (Malaysia), công ty nắm cổ phần chi phối tại SetiaBecamex, cũng cho biết vẫn đang tìm kiếm các khu vực có giá hợp lý để phát triển dự án mới. Ngoài dự án EcoLakes, SP Setia còn có dự án EcoXuan tại Bình Dương. Theo ông Alex Loh, Trưởng đại diện SP Setia tại Việt Nam, tình hình bán hàng tại cả hai dự án trong năm 2013 đều tốt hơn nhiều so với năm 2012.
Việc khối ngoại vẫn quan tâm đến thị trường Việt Nam là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh thị trường chưa có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, đó là đối với các công ty đã hiện diện lâu dài và có uy tín, kinh nghiệm tại Việt Nam. Còn đối với những công ty chưa hiện diện, ông Leong, SetiaBecamex, cho rằng họ vẫn đang rất thận trọng trong việc quyết định đổ vốn vào thị trường Việt Nam.
“Việc thu hồi vốn vẫn là một thách thức. Ngoài ra, còn có những lo ngại về các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh. Trừ phi có những thay đổi lớn, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nghiêng về hướng thận trọng hơn,” ông cho biết.
Thùy Trang
ncđt
|