Thứ Năm, 09/01/2014 09:47

Vốn điều lệ: Tăng dễ, khó giảm

Thiếu quy định cụ thể về giảm vốn điều lệ đối với công ty cổ phần (CTCP) khiến nhiều doanh nghiệp (DN) mất đi cơ hội tái cấu trúc, nhằm cải thiện hoạt động kinh doanh…

Nhu cầu giảm vốn điều lệ đối với các CTCP khi công ty giảm nhu cầu về vốn do thay đổi ngành nghề kinh doanh, tổ chức lại với quy mô nhỏ hơn trước, bị buộc phải huỷ bỏ cổ phiếu quỹ, kinh doanh thua lỗ và có nhu cầu phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá (song không đủ nguồn thặng dư vốn để bù đắp) ngày càng tăng.

Tuy nhiên, cả Luật Doanh nghiệp và Nghị định 102/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp đều không có quy định cụ thể về giảm vốn điều lệ đối với CTCP. Việc không thể giảm vốn điều lệ đối với CTCP đã gây ra không ít khó khăn cho hoạt động của các công ty trong một số trường hợp đặc thù.

Trường hợp thứ nhất, CTCP đã niêm yết trên TTCK, trong quá trình hoạt động phát sinh nhu cầu phát hành tăng vốn điều lệ.

Do giá cổ phiếu trong thời điểm đó thấp hơn mệnh giá, nên DN phải tính đến chuyện phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá nhằm đảm bảo đợt phát hành thành công.

Nghiệp vụ này sẽ làm phát sinh khoản chênh lệch âm giữa phần vốn tăng thêm và thực thu sau đợt phát hành, tức là thặng dư vốn âm. Do đó, chỉ có các DN còn thặng dư vốn từ các đợt phát hành trước đó mới được cơ quan quản lý xem xét cho phép phát hành dưới mệnh giá.

Khi đó, khoản thiếu hụt sẽ được cấn trừ vào thặng dư vốn và như vậy, đảm bảo DN vẫn có đủ số vốn điều lệ đúng với giá trị phát hành.

Ngược lại, các DN không còn đủ nguồn thặng dư vốn cần thiết từ các đợt phát hành trước đó, thì không thể phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá, do không có quy định về việc ghi giảm vốn điều lệ cho CTCP.

Trường hợp thứ hai, các CTCP có lỗ lũy kế, song hiện tại đã kinh doanh hiệu quả trở lại, muốn niêm yết trên TTCK để tăng cơ hội tiếp cận các nguồn vốn kinh doanh và tăng thanh khoản cho cổ phiếu. Vậy nhưng, các công ty này không thể niêm yết trên TTCK do vướng quy định về việc không được có lỗ lũy kế.

Nếu có quy định về việc cho phép giảm vốn điều lệ để xử lý lỗ lũy kế thì vấn đề này của DN sẽ được giải quyết rất đơn giản bằng một bút toán trên sổ sách (các cổ đông chấp nhận giảm số lượng cổ phiếu đang nắm giữ). Hiện tại, điều này chưa được phép, gây khó khăn cho nhiều DN.

Trường hợp thứ ba, DN tiến hành thành lập và huy động vốn với số vốn điều lệ xác định, nhưng sau một thời gian hoạt động, các cổ đông không đóng góp đủ số vốn cần thiết để lượng vốn thực góp bằng lượng vốn điều lệ đã đăng ký.

Về vấn đề này, Nghị định 102/2010/NĐ-CP quy định: sau 3 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN lần đầu, nếu số cổ phần được quyền phát hành quy định tại khoản 4, Điều 84, Luật Doanh nghiệp không được bán hết, công ty phải đăng ký điều chỉnh giảm số vốn được quyền phát hành ngang bằng với số cổ phần đã phát hành.

Như vậy, Nghị định 102/2010/NĐ-CP một mặt quy định, vốn điều lệ của CTCP là tổng giá trị số cổ phần đã phát hành và được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty, mặt khác cho phép công ty giảm vốn điều lệ khi số cổ phần được quyền chào bán trong 3 năm mà không bán hết. Tuy nhiên, quy định cụ thể việc giảm vốn điều lệ của CTCP như thế nào cũng không được đặt ra.

Ba bất cập kể trên chỉ là ba trường hợp điển hình của những khúc mắc phát sinh trong quá trình hoạt động của DN, do không có quy định cụ thể của việc giảm vốn điều lệ đối với CTCP.

Những bất cập này đang ngăn trở đáng kể nỗ lực tái cấu trúc của nhiều DN, gây phức tạp không cần thiết cho các DN trong việc phát triển hoạt động kinh doanh.

Hy vọng, quy định về giảm vốn điều lệ đối với CTCP sẽ được xem xét đưa vào Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 8 năm 2014 và có hiệu lực từ 1/1/2015.

Hoàng Công Tuấn

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   SHN: 15/01 GDKHQ lấy ý kiến phát hành cp tăng vốn thêm 200 tỷ đồng (08/01/2014)

>   ELC: Phát hành 600,000 cp cho người lao động (08/01/2014)

>   DNY: Báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu (08/01/2014)

>   RDP: Đường link bản cáo bạch chào bán cổ phiếu ra công chúng (07/01/2014)

>   Ngân hàng Xây dựng chào bán 450 triệu cổ phiếu (06/01/2014)

>   SHN sẽ phát hành 20 triệu cp để cơ cấu nợ (06/01/2014)

>   RDP sẽ chào bán gần 2.9 triệu cổ phiếu (06/01/2014)

>   ITA phát hành 100 triệu cp để cấn trừ công nợ (02/01/2014)

>   NSC: Mua lại 2,400 cp ESOP làm cổ phiếu quỹ (02/01/2014)

>   NLG: Điều chỉnh thời hạnphát hành cổ phiếu riêng lẻ (02/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật