VCSC: Nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường trong năm 2014
Trong báo cáo chiến lược năm 2014, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ nhận được nhiều yếu tố hỗ trợ trong năm nay từ nền kinh tế vĩ mô ổn định, các chính sách của Chính phủ và lợi ích từ Hiệp định TPP.
VCSC cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô nước ta năm 2014 sẽ ổn định dựa trên các yếu tố như cán cân thanh toán dương, đồng nội tệ ít biến động và lạm phát ở mức vừa phải.
Theo đó, VCSC dự báo tăng trưởng GDP đạt 5.7% trong năm 2014, cao hơn so với mức 5.4% ở năm trước. Các yếu tố giúp GDP tăng trưởng gồm chi tiêu của Chính phủ vào cơ sở hạ tầng, xuất khẩu tăng, FDI dồi dào, tiêu dùng tăng, sản xuất cải thiện mạnh và nền kinh tế thế giới phục hồi.
Cụ thể, về tăng trưởng xuất khẩu, VCSC dự báo sẽ đạt gần 20% trong năm nay (năm trước đạt 15.4%). Phần lớn tăng trưởng thuộc về các doanh nghiệp có vốn FDI (chiếm 66%), đặc biệt trong lĩnh vực điện tử. Tiếp theo, nguồn vốn FDI dồi dào bắt nguồn từ chiến lược Trung Quốc +1, đặc biệt là từ Nhật Bản. Bên cạnh đó, chỉ số PMI do HSBC đưa ra tăng mạnh lên 51.8 điểm trong tháng 12 cho thấy toàn bộ số vốn FDI đổ vào sản xuất đang mang lại kết quả.
Ngoài nhân tố trên, thị trường chứng khoán còn được hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ, đây có thể là tác nhân kích thích nền kinh tế và thị trường.
Thứ nhất, tăng room tối đa cho khối ngoại sẽ thúc đẩy hoạt động M&A tăng mạnh, đặc biệt với các mã có giá trị vốn hóa vừa và nhỏ.
Thứ hai, các tuyên bố gần đây cho thấy Chính phủ đã đẩy mạnh kế hoạch cải tổ doanh nghiệp nhà nước, vốn được xem là nhân tố hạn chế tiềm năng tăng trưởng GDP.
Thứ ba, Hiệp định Hợp tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, đặc biệt là dệt may.
Thứ tư, gói hỗ trợ bất động sản và hoạt động của công ty quản lý nợ của các tổ chức tín dụng. Theo đó, lãi suất cho vay của gói hỗ trợ bất động sản vừa được cắt giảm từ 6% xuống 5% và VAMC cho ngân hàng khấu hao lỗ từ việc tăng dự phòng năm 2014 nếu Thông tư 02 được thông qua.
Cuối cùng là quỹ mở và ETF của Việt Nam. VCSC cho rằng dù quy định cho phép các sản phẩm này vẫn trong giai đoạn dự thảo nhưng năm 2014 sẽ có một số sản phẩm được đưa ra. Mà trong dài hạn dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân sẽ chảy vào cổ phiếu hay trái phiếu thay vì vàng, USD và bất động sản.
Tuy nhiên, nền kinh tế nước ta vẫn chịu rủi ro từ các nhân tố như lạm phát bên ngoài, cắt giảm QE của FED hay việc NHNN đang xem xét sửa đổi Thông tư 02 về việc buộc các ngân hàng ghi nhận nợ xấu theo chuẩn quốc tế.
Chính từ những yếu tố trên, VCSC cho rằng phần bù rủi ro sẽ thấp hơn so với thông thường. Thực tế, VCSC đã hạ phần bù rủi ro từ 8% xuống 7% trong mô hình định giá theo phương pháp chiết khấu dòng tiền, tăng mức định giá 10%, nâng PE 12 tháng qua của VN-Index từ 12.6 lần lên 13.9 lần.
Hơn nữa, các công ty Việt Nam thường trả cổ tức cao hơn các công ty cùng ngành trong khu vực cho nên nếu tính cả cổ tức, tỷ lệ hoàn vốn đạt 17%. Khoảng 1/3 trong số hơn 700 mã niêm yết có PE nằm giữa 6 lần và 7 lần, giao dịch thấp hơn so với giá trị sổ sách và nhiều mã có lợi suất cổ tức đạt trên 9%. Một số mã thậm chí còn có tổng lượng tiền mặt ròng gần bằng giá trị vốn hóa. Đây chính là điểm hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
VCSC khuyến nghị nên mua các mã dầu khí, cơ sở hạ tầng, dịch vụ cảng, tiện ích, vật liệu cơ bản, bất động sản và một số mã công nghiệp. Các mã ngân hàng có thể diễn biến tích cực hơn nếu Thông tư 02 được điều chỉnh.
Mỹ Hà ghi
công lý
|