Vụ hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương kiện UBND TP.HCM:
Tranh luận căng thẳng quanh quyết định "truất phế" hiệu trưởng
Chiều 20-1, phiên tòa sơ thẩm của TAND TP.HCM xét xử vụ ông Lê Văn Lý (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương) kiện UBND TP.HCM tiếp tục với phần hỏi đáp và tranh luận căng thẳng giữa hai bên.
* Đề nghị Chính phủ hủy con dấu Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM
* Nguyên hiệu trưởng ĐH Hùng Vương kiện UBND TP.HCM ra Tòa
* Công nhân viên ĐH Hùng Vương đóng cổng trường "cố thủ"
Luật sư phía nguyên đơn (ông Lê Văn Lý) trình bày, viện dẫn nhiều quy định cho rằng quyết định của UBND TP.HCM không công nhận hiệu trưởng đối với ông Lý là sai trình tự thủ tục và vượt thẩm quyền, nội dung quyết định không khách quan.
Bên cạnh đó, luật sư còn cho rằng việc ra nghị quyết của HĐQT Trường ĐH Hùng Vương có nhiều sai sót, dẫn đến việc các nghị quyết mà HĐQT đưa là không có giá trị. Luật sư đề nghị tòa tuyên hủy quyết định 3163 của UBND TP.HCM.
Ngược lại, đại diện UBND TP.HCM tham gia tố tụng tại tòa khẳng định rằng các điều khoản viện dẫn trong quyết định 3163 là đúng quy định của pháp luật và vẫn còn giá trị. Việc UBND TP không công nhận hiệu trưởng là đúng thẩm quyền theo sự phân cấp của nghị định 115 của Chính phủ. Đại diện UBND TP đề nghị tòa bác yêu cầu khởi kiện của ông Lý.
Tham gia kiểm sát vụ án này, tại phiên tòa đại diện VKSND TP.HCM cũng phát biểu ý kiến xung quanh các căn cứ ban hành quyết định 3163 của UBND TP.HCM. Theo VKS, hiện vẫn tồn tại song song hai quyết định có hiệu lực: quyết định công nhận ông Lê Văn Lý là hiệu trưởng của Bộ GD-ĐT và quyết định không công nhận hiệu trưởng đối với ông Lý của UBND TP.HCM.
VKS có quan điểm rằng việc miễn nhiệm hiệu trưởng được thực hiện theo quy chế 61, quy chế 63 (sửa đổi quy chế 61) - quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục được ban hành theo nghị quyết của Thủ tướng Chính phủ, do đó việc ban hành quyết định miễn nhiệm hiệu trưởng là trách nhiệm của bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Đã có ai ban hành quyết định hủy quyết định công nhận hay chưa?
Đại diện VKS cũng cho rằng ông Nguyễn Quốc Sĩ không đủ tư cách thành viên HĐQT do chưa được đại hội đồng cổ đông thông qua. Do đó các nghị quyết của HĐQT do các thành viên biểu quyết chưa đủ quá bán theo quy định.
Ông Trần Văn Bảy - phó giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, đại diện UBND TP.HCM tham gia tố tụng tại tòa - cho rằng theo nếu theo các quy định trước đó thì Bộ GD-ĐT có quyền hủy quyết định công nhận hiệu trưởng nhưng sau này theo nghị định 115/2010 của Chính phủ đã có sự phân cấp về quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục thì UBND TP.HCM có thẩm quyền công nhận hay không công nhận hiệu trưởng. Vì vậy theo ông Bảy, không thể nói hiện tồn tại song song hai quyết định cùng có hiệu lực như quan điểm của VKS.
Dự kiến chiều 21-1 tòa sẽ tuyên án.
Minh Giảng
tuổi trẻ
|