Thứ Năm, 23/01/2014 22:03

Thế kẹt

Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2014 này chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật và pháp lý để huy động vàng trong dân, ước tính lên đến nhiều trăm tấn, nhằm phục vụ phát triển kinh tế.

Về phương pháp huy động, NHNN đã khẳng định không huy động bằng hình thức truyền thống là thu hút dân gửi vàng lấy lãi tại các ngân hàng, vì nó sẽ làm trầm trọng thêm nạn vàng hóa; vì người dân sẽ có xu hướng chuyển sang đầu tư vào vàng rồi gửi vào hệ thống ngân hàng, vừa có lãi lại vừa bảo toàn được giá trị tài sản của mình trước biến động của lạm phát. Thay vào đó, NHNN chủ trương sẽ mua vàng trong dân.

Dù tỏ ra là một chủ trương đúng đắn và hợp lý, nhưng việc mua vàng trong dân của NHNN đang và sẽ nằm ở thế kẹt. Một mặt, NHNN cho biết là họ vẫn chủ trương trong năm 2014 “tiếp tục bình ổn thị trường vàng bằng cách tiếp tục bán vàng qua đấu thầu”. Nếu “bình ổn” bằng cách bán vàng, tức là tăng cung, thì về nguyên tắc, giá vàng (trong nước) sẽ chịu xu hướng đi xuống hoặc không tăng (mạnh). Vì sao như vậy? Vì NHNN đã từng nhiều lần phủ định mục tiêu của bán vàng qua đấu thầu là để “bình ổn giá vàng”, hoặc để giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước với giá vàng thế giới. Phối hợp hai chuyện này, có thể thấy mục tiêu của sự “bình ổn thị trường vàng” của NHNN chính là giữ cho giá vàng trong nước đi xuống hoặc không tăng (mạnh).

Mặt khác, nếu NHNN mua vàng trong dân (giả sử sẽ bắt đầu trong năm nay), thì hành động này lại đi ngược với mục tiêu bình ổn thị trường vàng của chính NHNN như nói ở trên. Vì việc mua vàng của NHNN (với quy mô đáng kể) sẽ làm tăng cầu về vàng trong nước, và sẽ đẩy giá vàng lên theo. Như thế, tác động của việc bán vàng qua đấu thầu của NHNN để “bình ổn thị trường vàng”, nếu có, sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn hoặc một phần bởi việc mua vàng trong dân của NHNN.

Tùy theo quy mô mua vàng so với quy mô bán vàng qua đấu thầu, cung cầu vàng, và giá vàng, có thể trồi sụt bất thường nhiều hay ít. Nếu quy mô mua vàng từ dân không nhiều thì sự thiếu cung (tương đối so với cầu về vàng đã tăng lên) sẽ không trầm trọng, và giá vàng trong nước sẽ chịu ít áp lực tăng hơn. Nhưng như thế, NHNN lại không hoàn thành tốt nhiệm vụ huy động vàng trong dân do Chính phủ giao, vì lượng vàng mua được là không đáng kể so với quy mô có thể huy động.

Ngược lại, nếu quy mô mua vàng của NHNN ở mức đáng kể, ví dụ vài chục hoặc hàng trăm tấn, thì chắc chắn sẽ châm ngòi cho một đợt tăng giá phi mã của giá vàng trong nước, đẩy thị trường vàng trong nước vào tình trạng hỗn loạn, đầu cơ tái phát v.v... là những điều “kỵ” trong chính sách quản lý vàng hiện nay của NHNN, khi nhấn mạnh đến hai chữ “bình ổn”.

Không chỉ kẹt về mục đích, NHNN còn đang ở thế kẹt về giá mua và bán vàng. Theo đại diện NHNN được báo chí trích dẫn, hiện giờ với mức giá chênh lệch vàng trong nước và thế giới vẫn ở mức tương đối cao, trên dưới 3 triệu đồng/lượng, khả năng NHNN mua vàng vào là khó khả thi. Vì vậy, NHNN sẽ tiếp tục bán vàng ra qua kênh đấu thầu để bình ổn thị trường vàng.

Qua thông điệp trên, có thể hiểu NHNN muốn bình ổn thị trường vàng ở cái nghĩa là thu hẹp chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước để tạo điều kiện cho NHNN mua vàng từ dân chúng. Nếu đúng vậy thì có thể thấy sự lúng túng, mâu thuẫn về mục tiêu bán vàng đấu thầu của NHNN, lúc thì phủ nhận bán vàng để bình ổn giá, thu hẹp chênh lệch giá trong và ngoài nước, lúc thì (gián tiếp) thừa nhận là để thu hẹp chênh lệch giá trong và ngoài nước.

Ngoài ra, giả sử việc tiếp tục bán vàng ra qua đấu thầu của NHNN đúng là sẽ thu hẹp được chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước như ý đồ của NHNN, thì lúc đó, việc NHNN mua lại vàng từ dân chúng là chuyện hoàn toàn khác. Bởi vì, việc mua vàng chỉ có ý nghĩa khi giá mua thấp hơn giá bán qua đấu thầu (để NHNN không bị lỗ).

Còn đối với dân chúng, họ sẽ lấy giá vàng trúng thầu để làm giá tham khảo, và thường sẽ không muốn bán thấp hơn mức giá này, đặc biệt là với những người đã mua vàng qua đấu thầu (thông qua các tổ chức tài chính tham gia đấu thầu vàng). Như vậy, mức giá mà NHNN muốn và sẵn lòng mua sẽ không phải là giá mà người dân có vàng muốn bán cho NHNN (tất nhiên là cũng thông qua các tổ chức tài chính). Do đó, việc mua lại vàng từ dân chúng của NHNN chắc chắn sẽ rất khó khăn.

Tóm lại, có thể thấy trước được tình trạng bất khả thi khi phải đáp ứng và giải quyết được những mục tiêu và vấn đề mâu thuẫn trong cơ chế quản lý (và huy động) vàng như hiện tại của NHNN. Giải pháp duy nhất là phải bỏ đi một (hoặc một số) mục tiêu hoặc gác lại một (số) vấn đề nào đó khi muốn thực hiện và giải quyết (các) mục tiêu và vấn đề khác.

Phan Minh Ngọc

tbktsg

Các tin tức khác

>   Miễn thuế xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu của NHNN (23/01/2014)

>   Vàng SJC giảm ba phiên liên tiếp, tuột xa ngưỡng 35 triệu (23/01/2014)

>   Vàng giảm phiên thứ 2 sau hàng loạt dự báo bi quan của các ngân hàng đầu tư (23/01/2014)

>   Huy động vàng để giảm vàng hóa? (22/01/2014)

>   Giá vàng SJC trong nước rời xa ngưỡng 35 triệu đồng (22/01/2014)

>   USD tăng cao, vàng rút khỏi đỉnh 5 tuần (22/01/2014)

>   Nhà nước tiếp tục bán vàng qua đấu thầu (22/01/2014)

>   Năm 2014, “sốt” vàng ở Trung Quốc sẽ giảm? (21/01/2014)

>   PTKT giá vàng Tháng 02/2014: Hồi phục ngắn hạn, giảm giá dài hạn (10/02/2014)

>   Đi buôn lậu hàng trăm ký vàng vì... 'hoàn cảnh nghèo' (21/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật