Tháng 4/2014, BIDV sẽ lên sàn?
Nếu BIDV bổ sung hồ sơ đầy đủ trong tháng 1 này và được cấp quyết định chính thức, Ngân hàng sẽ phải niêm yết muộn nhất là vào tháng 4/2014.
Ngày 31/12/2013, HOSE thông báo đã thông qua hồ sơ đăng ký niêm yết của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - BID). Tuy nhiên, để được cấp quyết định niêm yết chính thức, Ngân hàng cần phải hoàn chỉnh hồ sơ.
Đại diện BIDV cho biết, Ngân hàng đang hoàn thành hồ sơ theo yêu cầu của Sở. Các chi tiết khác sẽ được công bố chính thức vào thời điểm phù hợp.
Việc chấp thuận này chậm hơn đáng kể so với kỳ vọng của thị trường. Trước đó, khi BIDV nộp hồ sơ niêm yết vào cuối tháng 10/2013, giới quan sát đã kỳ vọng Ngân hàng sẽ được chấp thuận niêm yết ngay trong tháng 11/2013 và sẽ niêm yết trong vòng 90 ngày sau đó.
Theo thủ tục đăng ký niêm yết của HOSE, khi một DN được cấp quyết định niêm yết chính thức, DN sẽ có 90 ngày để thực hiện việc niêm yết.
Như vậy, nếu BIDV bổ sung hồ sơ đầy đủ trong tháng 1 này và được cấp quyết định chính thức, Ngân hàng sẽ phải niêm yết muộn nhất là vào tháng 4/2014.
Tuy nhiên cách đây hơn 1 năm, BIDV cũng đã từng được thông qua hồ sơ đăng ký niêm yết vào cuối tháng 9/2012 - BIDV khi đó cũng phải bổ sung hồ sơ, cụ thể là bổ sung giá cổ phiếu niêm yết lần đầu, để được cấp quyết định niêm yết chính thức. Sau đó đến tháng 1/2013, Ngân hàng đột ngột được chấp thuận hoãn niêm yết, do điều kiện thị trường không thuận lợi.
Sự kiện BIDV niêm yết là một trong những sự kiện được chờ đợi nhất trên TTCK trong một vài năm trở lại đây. Mặc dù lượng nhà đầu tư đại chúng nắm cổ phiếu này không nhiều, nhưng việc đưa ngân hàng có vốn Nhà nước chi phối này lên sàn sẽ làm tăng mạnh quy mô TTCK, đồng thời góp phần tạo thêm động lực thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và niêm yết các DNNN.
Bên cạnh ngày niêm yết, giá chào sàn của BIDV tiếp tục là câu hỏi lớn của nhà đầu tư, khi mà giá cổ phiếu của ngân hàng này trên thị trường tự do có sự sụt giảm mạnh so với giá BIDV đã chào bán lần đầu ra thị trường (IPO) để thực hiện cổ phần hóa. Công ty Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh hồi giữa tháng 11/2013 đã đưa ra báo cáo đánh giá: với mức giá IPO là 18.580 đồng, mã cổ phiếu BID của BIDV “có vẻ khá đắt” nếu so với giá trung bình của các ngân hàng niêm yết.
“Nếu BIDV thực sự muốn niêm yết với mức giá IPO thì ngân hàng này sẽ rất khó có sức hút đối với các nhà đầu tư”, báo cáo viết. HSC đưa ra đánh giá dựa trên kết quả kinh doanh quý III2013 của BIDV, theo đó chỉ số P/B (giá/giá trị sổ sách) năm 2013 của cổ phiếu này là 1,54 và P/B dự phóng cho 2014 là 1,42 - cao hơn nhiều so với P/B trung bình của các ngân hàng niêm yết là 1,2.
Giá cổ phiếu BID được hiển thị ở mức 13.000 - 16.000 đồng/cổ phiếu trên một vài trang web rao bán cổ phiếu tự do. Mức giá này đã tăng lên đáng kể so với khoảng 10.000 - 12.000 đồng/cổ phiếu thời điểm trước khi nộp hồ sơ niêm yết. Giá cổ phiếu của hai ngân hàng có quy mô tương đương gồm Vietcombank chốt ở 27.200 đồng và Vietinbank đóng cửa ở 16.300 đồng vào phiên giao dịch thứ Sáu 3/1/2014.
Hải Linh
đầu tư chứng khoán
|