Thứ Hai, 27/01/2014 11:30

Ngân hàng chủ động xử lý nợ xấu

Có thể nói, thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã tích cực xử lý nợ xấu.

“Đốt đuốc” đi tìm DN tốt

Tính đến ngày 31/12/ 2013, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam là 3,79%, giảm gần 1% so với hồi đầu năm 2013. Trong bối cảnh hoạt động của các ngân hàng cũng như DN gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây thì con số 3,79% được coi là “tạm đẹp”.

Tuy nhiên, vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu (XLNX) đã, đang khiến nhiều ngân hàng “đau đầu”. Bên cạnh một số ngân hàng công bố có tỷ lệ nợ xấu thấp dưới 3% như VietinBank, Vietcombank, Kienlongbank... thì không ít ngân hàng lo lắng tỷ lệ này có thể sẽ lên đến 2 con số.

Sự suy giảm của thị trường chính là nguyên nhân làm cho nợ xấu ngân hàng tăng

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, khi kinh tế phát triển tốt thì nợ xấu ít, lúc kinh tế khủng hoảng liên tục như 5 năm nay thì nợ xấu tăng lên. Vì vậy, mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% cần phải có lộ trình từ 3-5 năm chứ không thể xử lý chỉ trong 1-2 năm. Trên thực tế, trong 5 năm trở lại đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn do tác động của suy thoái kinh tế. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng, gia tăng nợ xấu của các TCTD.

Hiện nay, nhiều người coi nợ xấu là vấn đề của ngân hàng. Tuy nhiên, những con số về hàng tồn kho, số DN bị giải thể, nợ đọng XDCB, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu… của các báo cáo tài chính, thống kê đều cho thấy nợ xấu là vấn đề của cả nền kinh tế. Bởi tất cả toàn là nợ lẫn nhau: Chính phủ nợ DN, DN nợ lẫn nhau, DN nợ ngân hàng, ngân hàng có nợ xấu…

Nền kinh tế nào cũng có nợ xấu, nước nào cũng có nợ xấu. Vấn đề là chúng ta XLNX theo phương thức nào. Theo ông Vinh, tiến trình, XLNX phải cải cách từ thể chế, cơ chế của nền kinh tế. “Nó là bài toán của cả nền kinh tế, bài toán của DN. Khi kinh tế khó khăn, sức mua yếu khiến cho DN khó có thể phát triển được. Do đó, vấn đề XLNX phụ thuộc vào chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế với các cơ chế đầu tư, kích cầu…” – ông Vinh nhấn mạnh.

DN làm ăn thua lỗ, phá sản dẫn đến không trả được nợ là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng cao trong thời gian qua.

Bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc Agribank chi nhánh Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh thị trường khó khăn, các DN cũng không có nhiều phương án hay dự án để kinh doanh tốt nên việc ngân hàng tìm được đối tác là DN tốt cũng không nhiều. Có thể nói, trong năm qua các ngân hàng “đốt đuốc” đi tìm DN tốt; trong khi ngày càng có nhiều DN đã phải rời bỏ thị trường, phá sản. Việc này cũng không thể cho rằng đó là do ngân hàng không hỗ trợ. Cần phải phân tích xem DN rời bỏ thị trường là vì nguyên nhân gì và những DN rời bỏ thị trường hoạt động trong lĩnh vực nào.

Theo bà Phạm Thị Hằng, trong bối cảnh khó khăn, nhiều DN đã sử dụng vốn vay không đúng mục đích kinh doanh dễ dẫn đến phá sản, không trả được nợ. Bên cạnh đó, bản thân tài chính của DN cũng yếu, một số DN chưa chắc có đủ vốn như đã đăng ký. Sự yếu kém của DN chính là nguyên nhân làm cho nợ xấu của ngân hàng tăng lên.

Đừng làm khó ngân hàng!

Có thể nói, thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã tích cực XLNX. Theo bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội, tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn đang có chiều hướng giảm dần. Trong thời gian qua, NHNN chi nhánh Hà Nội đã tập trung chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt các giải pháp XLNX, kiềm chế nợ xấu gia tăng, nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Các TCTD đã gia tăng trích lập dự phòng rủi ro để tạo nguồn XLNX và đã chủ động xử lý một khối lượng lớn nợ xấu bằng nguồn dự phòng.

Hàng tồn kho là nguyên nhân của các khoản nợ xấu

Đến 30/11/2013, theo số liệu trên cân đối của các TCTD trên địa bàn Hà Nội, tổng số vốn dự phòng rủi ro của các TCTD tăng 21% so với cuối năm 2012. Trong đó, trích dự phòng cụ thể tăng 22,76%, dự phòng chung tăng 5,5%. Bên cạnh đó, tiết giảm chi phí, hạn chế tăng lương, thưởng, thù lao, chia cổ tức và phân phối lợi nhuận cho các cổ đông để tập trung trích lập dự phòng rủi ro để dành nguồn lực cho XLNX, bán nợ xấu cho VAMC. Đến nay, nợ xấu của các TCTD đã được kiềm chế và có xu hướng giảm. Tỷ lệ nợ xấu của các TCTD trên địa bàn Hà Nội tính đến cuối tháng 11/2013 chiếm 6,25% so với tổng dư nợ.

Dù đã và đang nỗ lực nhưng thực tế mà nói XLNX vẫn là vấn đề nan giải của các ngân hàng. Ông Nguyễn Đức Vinh cho rằng, trong XLNX, nhiều trường hợp, chính ngân hàng lại là người bị hại. Hiện nay VPBank có những tài sản thế chấp được định giá cả trăm tỷ đồng nhưng hơn một năm nay chưa xử lý được, vì khi khách hàng không trả nợ, phải đưa ra Tòa án. Sau một hồi “tranh cãi” thì Tòa tuyên bố vô hiệu hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo cho vay. Bởi vậy, ngân hàng rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành như Tư pháp, Tòa án, Công an…

Tháng 6/2014 - khi Thông tư 02 chính thức có hiệu lực, các TCTD lo tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng mạnh chứ không chỉ là ở con số được coi là "tạm đẹp" như chúng ta đang nhìn thấy. Do đó, các ngân hàng cần chủ động tháo gỡ khó khăn trong XLNX.

Mới đây, tại Chỉ thị số 01/2014 về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả, Thống đốc yêu cầu các TCTD tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp tự XLNX như đánh giá lại chất lượng và khả năng thu hồi các khoản nợ để có biện pháp xử lý, thu nợ; bán nợ xấu cho công ty quản lý tài sản, mua bán nợ; kiểm soát chặt chẽ và tiết giảm chi phí hoạt động để tích cực trích lập, sử dụng dự phòng rủi ro để XLNX; triển khai các giải pháp hạn chế nợ xấu phát sinh trong tương lai...

Nguyễn Minh

thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Giật nợ tín dụng đen lãi suất 300% lo Tết (27/01/2014)

>   Sắp công bố rộng rãi kết luận thanh tra Agribank (27/01/2014)

>   “Kẻ vạch” cho tín dụng 2014 (27/01/2014)

>   2014: Thời thế tạo anh hùng (26/01/2014)

>   Sẽ có bàn đổi tiền ở những cây ATM bị nghẽn (26/01/2014)

>   Gần tết, lãi suất lại tăng nóng (24/01/2014)

>   Vụ thế chấp vàng giả rút “triệu đô” của Agribank: Tạm đình chỉ một thủ quỹ (24/01/2014)

>   Fitch nâng triển vọng tín nhiệm Agribank và Vietinbank lên “tích cực” (24/01/2014)

>   Kiều hối tăng mạnh, chuyển dòng (24/01/2014)

>   TPHCM: sau khi giảm mạnh, tín dụng ngoại tệ tăng trở lại (24/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật