Thứ Hai, 20/01/2014 06:42

Kỳ vọng… dè dặt

Kết quả kinh doanh năm 2013 đã dần được công bố, cho thấy có sự cải thiện về doanh thu, lợi nhuận, nhất là trong khối các doanh nghiệp niêm yết. Chi phí lãi vay giảm mạnh được ghi nhận đã đóng góp tích cực cho kết quả này. Tuy nhiên, sự kỳ vọng trong năm tới thì rất dè dặt.

Tăng tốc vào cuối năm

Kết quả kinh doanh quý 4/2013 của công ty cổ phần cơ khí – điện Lữ Gia (LGC) vừa được công bố, cho thấy những tín hiệu tích cực so với quý trước và cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4 năm nay đạt hơn 85,5 tỉ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm trước (hơn 35 tỉ đồng). Luỹ kế từ đầu năm tới cuối quý này, doanh thu của LGC đạt hơn 214 tỉ đồng, trong khi năm trước chỉ gần 146 tỉ đồng. Lợi nhuận gộp quý 4 đạt hơn 17,4 tỉ đồng, luỹ kế cả năm hơn 41 tỉ đồng (trong khi cùng kỳ lần lượt là hơn 5,4 tỉ đồng và hơn 26,7 tỉ đồng), lợi nhuận trước quý 4 đạt hơn 10,7 tỉ đồng (trong khi cùng kỳ lỗ hơn 4,2 tỉ đồng), nhờ vậy giúp doanh nghiệp thoát lỗ ngoạn mục, lợi nhuận trước thuế cả năm đạt hơn 8 tỉ đồng, gấp gần bốn lần năm ngoái.

Đóng góp đáng kể vào lợi nhuận cho quý này là chi phí lãi vay của doanh nghiệp giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái, từ hơn 8,5 tỉ đồng xuống còn hơn 4,1 tỉ đồng. So với mức lãi vay phải trả hồi đầu năm là hơn 18 tỉ đồng, áp lực nợ nần của LGC cũng giảm đáng kể khi chỉ còn hơn 11 tỉ đồng và cuối kỳ. LGC là một trong số những doanh nghiệp tăng trưởng dương, nhờ vào sự bứt phá của kết quả kinh doanh trong quý cuối cùng.

Hoạt động kinh doanh trong quý 4 của công ty cổ phần Cát Lợi (CLC) cũng ghi nhận tăng tốc khi doanh thu thuần đạt hơn 454,7 tỉ đồng, tăng 21,35% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, chi phí doanh nghiệp tăng do đầu tư thay đổi mẫu mã sản phẩm nên lãi gộp giảm 12% so với quý 4/2012, đạt 35 tỉ đồng, lãi ròng 15,5 tỉ đồng, giảm hơn 28%. Tính chung cả năm, CLC thu về 71,2 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng hơn 46% so với năm trước và vượt 56% kế hoạch…

Mặc dù chưa được cập nhật đầy đủ, song kết quả kinh doanh năm 2013 của các doanh nghiệp niêm yết bước đầu công bố, cho thấy tín hiệu lạc quan hơn so với các kỳ trước đó cũng như so với cùng kỳ năm ngoái. Một số doanh nghiệp có kết quả doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, như công ty cao su Tây Ninh (TRC), tổng doanh thu năm 2013 ước đạt 790 tỉ đồng, vượt gần 3%; lợi nhuận trước thuế 255 tỉ đồng, vượt 29% kế hoạch năm; công ty cổ phần Sách giáo dục tại TP.HCM (SGD) thông qua kết quả kinh doanh năm với tổng doanh thu hơn 102 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 5,87 tỉ đồng, tăng xấp xỉ 15% so với kế hoạch đặt ra; công ty cổ phần vật liệu điện và viễn thông Sam Cường (SMT) ước đạt doanh thu 148,7 tỉ đồng, vượt 62% kế hoạch, tăng 87,5% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng đạt 7,5 tỉ đồng, tăng 15%...

Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Vinashin mới đây cũng công bố khoản lãi 7.900 tỉ đồng trong năm 2013, song không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà là nhờ lãi vay!

Chủ tịch uỷ ban Chứng khoán Vũ Bằng, trong buổi toạ đàm với câu lạc bộ Nhà báo chứng khoán, mới đây cũng nhận xét, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết đã dần cải thiện khi doanh thu, lợi nhuận tốt hơn năm 2012, tồn kho được cải thiện. Mặc dù thị trường còn nhiều khó khăn, nhưng huy động vốn năm qua vẫn đạt 230.000 tỉ đồng, bằng 22% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Kỳ vọng… dè dặt

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh còn bộn bề khó khăn, kết quả bước đầu của một số doanh nghiệp niêm yết đáng được ghi nhận. Trong số các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tích cực, hầu hết đều ghi nhận mức giảm chi phí lãi vay. Thống kê của sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), cho biết, tính đến quý 2/2013, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn này giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo lãnh đạo HNX, chi phí lãi vay vẫn là một trong những khoản chi phí lớn của doanh nghiệp.

Chia sẻ định hướng chính sách tiền tệ năm 2014 tại buổi làm việc với một ngân hàng lớn, tại Hà Nội, thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất thấp như hiện nay, nếu có điều kiện có thể giảm thêm 1 – 2% trong năm tới. Nếu mục tiêu này thực hiện được sẽ là một thông tin tích cực cho các doanh nghiệp niêm yết cũng như cộng đồng kinh doanh, góp phần cải thiện hơn nữa kết quả kinh doanh trong năm 2014…

Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh năm 2014 cũng được hỗ trợ bởi một số thông tin vĩ mô tích cực khác, như lạm phát có khả năng được kiểm soát ở mức thấp; cán cân thanh toán tiếp tục cân bằng, thậm chí thặng dư; tỷ giá ổn định trong biên độ 1 – 2%; nợ xấu từng bước được cơ cấu; hệ thống ngân hàng nỗ lực bơm vốn ra thị trường… Kỳ vọng này cũng phần nào được thể hiện trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2014 của nhiều doanh nghiệp.

Như tại đại hội cổ đông của tập đoàn Tôn Hoa Sen (THS) vừa thông qua kế hoạch năm 2014 với tổng sản lượng tiêu thụ, doanh thu và lợi nhuận tăng lần lượt 16%; 19% và 3% so với cùng kỳ năm trước; công ty cổ phần xuất nhập khẩu thuỷ sản An Giang (AGF) vừa thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2014 với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 120 tỉ đồng, một mục tiêu được xem là thách thức nếu so với kết quả hoạt động năm 2013 (chín tháng đầu năm 2013 AGF mới đạt 46,5 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng 40% kế hoạch năm)…

Bên cạnh những đốm sáng, kết quả tích cực của nhiều doanh nghiệp vẫn còn những yếu tố thiếu bền vững hoặc rủi ro. Như công ty chế biến thuỷ sản xuất khẩu Ngô Quyền (NGC), lãi ròng cả năm tăng mạnh 43% lên 2,8 tỉ đồng, song là nhờ khoản lợi nhuận khác tới 3,2 tỉ đồng, trong khi doanh thu thuần, lãi ròng quý 4 cũng như cả năm đều giảm so với cùng kỳ năm trước. Tổng công ty công nghiệp tàu thuỷ Vinashin mới đây cũng công bố khoản lãi 7.900 tỉ đồng trong năm 2013, song không phải từ hoạt động sản xuất kinh doanh mà là nhờ lãi vay!

Công ty cổ phần kinh doanh và phát triển Bình Dương (TDC), ước tính doanh thu cả năm đạt 1.988 tỉ đồng, lợi nhuận ròng 154 tỉ đồng, vượt 2% so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, kế hoạch tham vọng của TDC khiến nhà đầu tư không khỏi băn khoăn, bởi trong chín tháng đầu năm, doanh nghiệp mới đạt doanh thu 929 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa đầy 2 tỉ đồng, trong khi giá trị hàng bán trả lại lên tới 199 tỉ đồng, tăng gấp hai lần so với chín tháng năm 2012, tồn kho tăng 39% so với hồi đầu năm. Mặc dù được nhận định, doanh thu và lợi nhuận đột biến của TDC có thể đến từ chuyển nhượng dự án cuối năm, song nhà đầu tư không thể không nghi ngại, tình trạng hàng bán bị trả lại có thể lặp lại và sẽ “ăn” vào lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm tới.

Thảo Nguyên

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   SEC: Quý 4 bất ngờ thua lỗ (19/01/2014)

>   PDR: Tồn kho 5,155 tỷ, lãi 2013 vượt... kế hoạch nhờ phạt hợp đồng (18/01/2014)

>   PDN: Lãi ròng 2013 gần 45 tỷ đồng (19/01/2014)

>   PRC: 22/01 GDKHQ dự ĐHĐCĐ thường niên 2014 và nhận cổ tức 7% (17/01/2014)

>   KLS: Quý 4 lãi ròng gần 41 tỷ đồng, giảm 35.5% so cùng kỳ (17/01/2014)

>   GER: Ngày đăng ký cuối cùng Tổ chức họp đại hội cổ đông bất thường (17/01/2014)

>   HQC: Lãi ròng 2013 hơn 30 tỷ đồng, tăng 50% so cùng kỳ (17/01/2014)

>   CPC: Báo cáo tài chính quý 4/2013 (17/01/2014)

>   SDN: Báo cáo tài chính quý 4/2013 (17/01/2014)

>   PPE: Năm 2013 lãi hơn 100 triệu đồng (19/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật