Khối ngoại có nghỉ Tết như lo ngại?
Nhiều người lo ngại dòng tiền khối ngoại sẽ không giao dịch mạnh vì tạm nghỉ Tết khi thanh khoản thị trường liên tục sụt giảm.
Gần đây, TTCK Việt Nam giao dịch khá trầm lắng khi giới đầu tư trong nước đã bắt đầu thận trọng trở lại và thanh khoản sụt giảm. Áp lực bán ra cũng diễn ra khá mạnh khiến cho các chỉ số thị trường rung lắc.
Điểm sáng duy nhất của thị trường là lực mua ròng mạnh từ khối ngoại. Trên sàn HOSE, tính từ ngày 23/12/2013 đến ngày 02/01/2014 khối ngoại đã mua ròng 8 phiên liên tiếp với tổng giá trị mua ròng đạt 567 tỷ đồng.
Việc mua ròng của khối ngoại ở những thời điểm cuối năm không những liên quan đến tình hình khả quan của nền kinh tế, mà nhiều khả năng còn liên quan đến yếu tố vụ mùa. Chúng ta có thể thấy rõ điều này thông qua việc phân tích hoạt động giao dịch của khối ngoại trên HOSE.
Giai đoạn tháng 12/2010 - tháng 01/2011: Mua ròng 4,458 tỷ đồng
Trong giai đoạn từ ngày 01/12/2010 đến 31/01/2011 khối ngoại đã mua ròng khá mạnh trên HOSE với giá trị gần 4,458 tỷ đồng. Lực mua ròng chủ yếu như thường lệ tập trung ở các mã cổ phiếu bluechip như VIC với 1,343.7 tỷ đồng, PVD (344.4 tỷ), HAG (344.1 tỷ), DPM (335.8 tỷ).
Việc khối ngoại mua ròng mạnh trong thời gian này đã giúp cho chỉ số VN-Index tăng điểm khá tốt. Cụ thể, VN-Index tăng mạnh từ 449.93 điểm lên đến 510.6 điểm, tương ứng với mức tăng 13.5%.
Biểu đồ 1: Giao dịch của khối ngoại và VN-Index cuối năm 2010, đầu năm 2011 (Nguồn: VietstockUpdater)
Giai đoạn tháng 12/2011 - tháng 01/2012: Mua ròng 380 tỷ đồng sau khi đã loại trừ giao dịch đột biến
Trong giai đoạn này, khối ngoại mua ròng mạnh trở lại sau khi đẩy mạnh bán ròng trong khoảng thời gian trước đó. Cụ thể, họ đã mua ròng tổng cộng gần 380 tỷ đồng, sau khi đã loại những phiên giao dịch đột biến của STB và VIC trong thời gian này. Hoạt động mua ròng tập trung mạnh nhất ở các mã cổ phiếu như FPT với 306.5 tỷ đồng, VCB (82.8 tỷ), MBB (58.1 tỷ) và REE (54.8 tỷ).
Tuy nhiên, lực mua vào của khối ngoại trong thời gian này là không quá mạnh và do đó chỉ giúp cho chỉ số VN-Index tăng nhẹ từ 380.1 điểm (01/12) lên đến 387.97 điểm (31/01), tương ứng với mức tăng 2.1%.
Biểu đồ 2: Giao dịch của khối ngoại và VN-Index cuối năm 2011, đầu năm 2012 (Nguồn: VietstockUpdater)
Giai đoạn tháng 12/2012 - tháng 01/2013: Mua ròng mạnh 3,932 tỷ đồng
Cũng giống như thường lệ, trong giai đoạn cuối năm 2012 – đầu năm 2013, dòng tiền khối ngoại đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam khá mạnh. Họ mua ròng trên sàn HOSE với giá trị đạt 3,932.4 tỷ đồng, tập trung mạnh nhất ở MSN với 1,161.8 tỷ đồng, DPM (368.7 tỷ), VCB (271.4 tỷ), HAG (237.5 tỷ), STB (224.6 tỷ).
Chỉ số VN-Index cũng tăng mạnh trong thời gian này với mức tăng gần 21%, từ 379.27 điểm lên 479.79 điểm.
Biểu đồ 3: Giao dịch của khối ngoại và VN-Index cuối năm 2012, đầu năm 2013 (Nguồn: VietstockUpdater)
Thống kê số liệu ở trên cho thấy trong khoảng thời gian cuối và đầu năm, dòng tiền khối ngoại thường chảy mạnh vào thị trường chứng khoán Việt Nam và giúp cho chỉ số tăng khá mạnh.
Gần đây, khối ngoại cũng đang mua ròng liên tiếp và phần nào giúp thị trường chống đỡ trước áp lực chốt lời. Không loại trừ khả năng tính chu kỳ của giao dịch khối ngoại sẽ lặp lại và giúp cho chỉ số thị trường khởi sắc trong thời gian tới.
Hữu Trọng
công lý
|