Huy động vàng trong dân - chậm nhưng không thể vội vàng
Đó là vấn đề đang được “làm nóng” khi Chính phủ yêu cầu NHNN sớm có các biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội... dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia kinh tế, đây là bước đi cần phải được tính kỹ.
Vàng đã mất ngôi vương?
Năm 2013 đã khép lại với việc thị trường vàng không còn sôi động, ồn ào như cả chục năm qua cùng ở thời điểm này. Thói quen tích cóp, găm giữ vàng vừa trải qua một năm “đại bại” của vàng, cùng triển vọng không mấy sáng sủa của vàng với sự giảm điểm mạnh nhất của vàng, cùng việc năm 2013 được đánh dấu chấm dứt chuỗi 12 năm liên tiếp tăng giá của vàng.
“Chính sách của Nhà nước kiểm soát vàng theo đánh giá của cá nhân tôi chỉ thành công một phần và sự thành công này thật ra cũng nhờ sự hỗ trợ phần nhiều, bởi giá thế giới giảm gây thua lỗ cho nhiều người, khiến sự mặn mà với vàng theo đó cũng giảm xuống. Minh chứng rõ nhất khi từ năm 2009, Nhà nước đã bắt đầu quyết liệt kiểm soát vàng bằng bước đi đầu tiên là đóng cửa hàng loạt sàn vàng, nhưng đến năm 2013 mới tạm gọi có những bước thành công” - ông Phan Dũng Khánh - chuyên gia về thị trường vàng của Maybank-KimEng - nhận định.
Theo nhận định của chuyên gia này, năm 2013 cũng là năm thất bại của các NĐT vàng khi càng mua càng lỗ và kênh đầu tư vốn được người dân xem là an toàn nhất lại là kênh đầu tư gây thua lỗ nhiều nhất năm qua. Chủ một DN tại Quảng Ninh kể với chúng tôi: "Càng kinh doanh càng lỗ, tôi rút vốn ra mua hơn 1.000 lượng vàng để bảo toàn vốn. Cuối năm vàng giảm còn hơn 35 triệu đồng/lượng, lỗ mỗi lượng vàng gần 13 triệu đồng. Tích trữ vàng cũng không còn an toàn nữa rồi".
Huy động vàng - bài toán không đơn giản
Có những thống kê ước lượng vàng trong dân có khoảng 300 - 500 tấn. Đó mới chỉ là con số tính trên số lượng vàng đã xuất - nhập của mấy năm qua, không bao gồm lượng vàng trong dân đã tích luỹ từ trước, nếu tính gộp có thể lên tới cả ngàn tấn. Nguồn lực rõ ràng rất lớn. Chính vì vậy, trong năm 2014, cùng với yêu cầu quản lý hiệu quả thị trường ngoại hối, thị trường vàng, tiếp tục củng cố kết quả chống vàng hóa, đẩy nhanh chống đôla hóa...
Chính phủ yêu cầu NHNN có các biện pháp huy động nguồn lực từ vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tuy nhiên, “huy động” ở đây có thể hiểu là khác với nghiệp vụ huy động và cho vay thông thường như với các nguồn vốn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng thương mại, mà làm sao có các giải pháp kích thích nguồn vốn “chôn” ở vàng chuyển đổi để đi vào sản xuất kinh doanh.
Để huy động được lượng lớn vàng này, thời gian trước đây nhiều chuyên gia đã đề xuất việc phát hành chứng chỉ gửi vàng. Theo phân tích của một số chuyên gia, người gửi không được phép rút vàng trước hạn là ưu điểm lớn nhất của phương thức phát hành chứng chỉ tiền gửi vàng so với hình thức gửi tiết kiệm trước đây. Do đó, số vàng huy động sẽ được sử dụng làm tài sản thế chấp cho các ngân hàng hay tổ chức tài chính nước ngoài để vay ngoại tệ với lãi suất thấp.
Từ đó, đưa vốn vào đầu tư, phục vụ cho các dự án sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Đồng thời, phương thức huy động vàng, thông qua phát hành chứng chỉ còn được xem là một trong những biện pháp ổn định thị trường vàng, bởi sẽ hạn chế tình trạng mua bán ngầm vàng miếng đang diễn ra tràn lan, khó quản lý như hiện nay.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng đề nghị nên để NHNN là đơn vị đầu mối và các NHTM là đại lý phát hành chứng chỉ huy động vàng. Ngoài ra, chứng chỉ vàng cần phải được bảo đảm tính thanh khoản khi phát hành. Quy trình, thủ tục hợp lý, chặt chẽ nhưng phải đơn giản và thuận tiện, đồng thời, cho phép giao dịch cầm cố, thế chấp, cho vay, chuyển nhượng chứng chỉ vàng trên thị trường mở và thị trường thứ cấp. Và để được như vậy, thì song song với việc phát hành chứng chỉ vàng hoặc trái phiếu vàng, các chuyên gia cũng cho rằng cũng cần phải nhanh chóng thành lập sàn giao dịch vàng.
TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia - cho rằng, chúng ta phải đánh giá khách quan toàn diện với thị trường vàng. Mặc dù có ý kiến cho rằng, giá vàng trong nước thời gian qua giảm là do đồng thời điểm với giá vàng thế giới giảm.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông cần phải có cái nhìn đầy đủ về mọi khía cạnh, mà trong đó không thể phủ nhận vai trò quan trọng trong việc điều hành theo hướng “độc quyền”, siết kỷ cương của NHNN và đến hôm nay có thể nói là thị trường vàng đã bắt đầu ổn định. Về câu chuyện huy động vàng thì khi thị trường đã ổn định, Chính phủ mới quan tâm huy động vàng trong dân để đưa vào phục vụ nguồn lực kinh tế.
Hiện nay, đâu là giải pháp tối ưu thì các chuyên gia vẫn còn nghiên cứu. Và thật sự mà nói, đây vẫn là bài toán khó, do đó chúng ta không vì vậy mà vội vàng - ông Ngoạn nhận định.
Gia Miêu - C.Thắng
lao động
|