Dòng FDI 'made in Việt Nam' ở Campuchia
Nhiều kiến nghị được nêu tại hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Campuchia lần thứ 4 diễn ra sáng nay 13/1 tại Phnom Penh, Campuchia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen đã lắng nghe 450 doanh nghiệp Việt Nam và Campuchia đề cập những vấn đề trong triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh.
Hứa đi đôi với làm
Bỏ vốn hơn 80 triệu USD để xây dựng một nhà máy sản xuất phân bón tại tỉnh Kanda của Campuchia từ cuối 2009 và chính thức đưa vào hoạt động sản xuất sau 4 năm, ông Trần Văn Mười tự tin về "kết quả ban đầu". Đó là phân bón hiệu 5 sao Campuchia của công ty ông phân phối rộng khắp 24 tỉnh thành nước này với hệ thống gần 1000 đại lý. Trong 1 năm đầu sản xuất đạt gần 200 ngàn tấn các loại, phân bón do công ty ông sản xuất thu về khoảng 90 triệu USD. Nói nôm là "có lãi". 500 lao động địa phương đã có thu nhập ổn định.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hun Sen
|
Không chỉ dừng ở sản xuất, công ty này sử dụng một đội ngũ các nhà khoa học, kỹ sư nông nghiệp Việt Nam và Campuchia thực hiện chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến đến bà con nông dân trên toàn Campuchia. Nhờ những hoạt động tập huấn kỹ thuật, người nông dân Campuchia tiếp cận được khoa học kỹ thuật canh tác tiên tiến, tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất cây trồng.
Một dự án mới toanh của doanh nghiệp Việt Nam khác nhưng có tiếng ngay khi xuất hiện ở thị trường đầu tư Campuchia đó là nhà máy sản xuất phức hợp mía, đường, cồn và điện (Kamadhenu Ventures) tại tỉnh Kratie với tổng mức đầu tư 90,7 triệu đô la Mỹ. Trong năm đầu tiên sản xuất, nhà máy này có 18 nghìn tấn đường thô sản xuất và xuất khẩu 100% sang thị trường Châu Âu. Hơn 3000 lao động Campuchia đang làm việc trực tiếp và gián tiếp cho nhà máy này.
Không chỉ sản xuất, doanh nghiệp sản xuất mía đường phức hợp trên còn được chính quyền địa phương nể phục khi làm 50 km đường cho người dân tỉnh Kratie, xây dựng trung tâm y tế khám bệnh cho người dân, tài trợ xây 50 giếng khoan nước, xây trường học, quyên tiền từ thiện cho nhà chùa trong địa bàn tỉnh Kratie...
Đó chỉ là 2 trong số 127 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào thị trường Campuchia mà như Chủ tịch Phòng thương mại Campuchia Neak Ohnha Kith Meng nói "đã quá rõ Việt Nam là người đóng vai trò to lớn nhất trong nền kinh tế Campuchia, liên quan đến thu nhập, tạo công ăn việc làm và góp phần nâng cao đời sống của công dân chúng tôi".
Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia, phương châm đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam đó là "lời hứa đi đôi với việc làm". Từ 127 dự án với tổng vốn đầu tư trên 3 tỷ USD (hiện đứng thứ 5 trong số các nhà đầu tư so với TQ đứng đầu với 15,6 tỷ USD), Hiệp hội này đang phấn đấu vận động doanh nghiệp đầu tư, đưa FDI của Việt Nam tại Campuchia đạt từ 4 đến 4,2 tỷ USD, đầu tư trong lĩnh vực chủ chốt, tiềm năng thế mạnh của nước này như nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy hải sản, khai khoáng...Một "đặc thù" của đầu tư FDI Việt Nam ở thị trường này đó là gắn với an sinh xã hội với tổng mức hỗ trợ đăng ký đến nay trên 35 triệu USD.
Chờ các hiệp định mở rộng đường
Nhiều thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn. Dù phân bón 5 sao của ông Mười đã có mặt ở khắp tỉnh thành với hàng nghìn đại lý nhưng vẫn phải đối mặt với nạn phân bón giả, kém chất lượng, không có nguồn gốc rõ ràng. Tổng cục hải quan, cơ quan Camcontrol thuộc Bộ Thương Mại Campuchia đã cam kết hành động để ngăn chặn phân bón giả. Số dự án cam kết vốn đầu tư nhưng chưa triển khai chính thức do những khó khăn, vướng mắc vẫn còn.
Một vấn đề hạ tầng được Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam nêu đó là giá điện ở Campuchia còn tương đối cao. Ông đề xuất đàm phán giá điện thông qua một dự án liên nước giữa Lào, Việt Nam và Campuchia để có giá thành điện tương đối đảm bảo phục vụ sản xuất, kinh doanh. Ông Trần Bắc Hà cũng thúc giục các cơ quan quản lý sớm ký kết Hiệp định tránh thuế hai lần trong năm 2014, sớm hướng dẫn triển khai thực thi Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư đã được hai nước ký từ 2012. Các quy định mở đường như ông nói để hai bên "cùng thắng" (win-win) cũng góp phần mở rộng những hoạt động đầu tư rộng rãi hơn của các doanh nghiệp Việt Nam ở thị trường này.
Để cập tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp từ góc độ chính sách vĩ mô, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Việt Nam Nguyễn Thế Phương, ngoài hạn định triển khai Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Campuchia, hai bên xem xét thúc đẩy đàm phán và ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần và Hiệp định hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghiệp, mỏ và năng lượng.
Việt Nam cũng mong muốn sớm đàm phán và ký kết Hiệp định hợp tác đầu tư trong lĩnh trồng cây cao su cấp Chính phủ theo hướng mở rộng quy mô diện tích đất trồng cây cao su để các doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các doanh nghiệp Campuchia đầu tư các dự án trồng cây cao su tại Campuchia thay thế Biên bản ghi nhớ về Hợp tác đầu tư trồng cây cao su ký kết hồi 2009.
Hai bên cũng xác định nâng cấp và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông, bến cảng, điện, nước, hệ thống thủy nông, thủy lợi cần được Chính phủ ưu tiên đầu tư và có chính sách đặc biệt ưu đãi đầu tư để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào các lĩnh vực này, sớm cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp...
Linh Thư
vietnamnet
|