Càng chần chừ thoái vốn, càng nguy hiểm
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), văn bản quy phạm pháp luật tương đối đầy đủ,thị trường đang ấm dần, quyết tâm của Chính phủ rất cao, vì thế, không có lý do chần chừ cổ phần hóa doanh nghiệp.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp
|
Ông bình luận thế nào về việc trong số 8 tổng công ty vừa quyết định cổ phần hóa thì có tới 7 đơn vị thuộc ngành giao thông - vận tải (GTVT)?
Lãnh đạo Bộ GTVT, đặc biệt là cá nhân Bộ trưởng Đinh La Thăng rất quyết tâm trong việc thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần thiết phải giữ cổ phần chi phối hoặc không giữ cổ phần. Để làm được việc này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã quán triệt tinh thần thoái vốn từ trên xuống dưới, đặc biệt là trong đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp.
Làm việc với lãnh đạo các tổng công ty trong ngành GTVT, ai cũng nói, tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn không thể lần lữa được. Là đại diện chủ sở hữu các doanh nghiệp trong ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã quyết tâm thoái vốn và sẵn sàng chịu trách nhiệm hoàn toàn về quyết định của mình, thì lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty trong ngành (nếu không muốn bị điều chuyển công việc) buộc phải chấp hành, chứ không còn cách nào khác.
Có nghĩa là, tiến trình thoái vốn phụ thuộc rất nhiều vào lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương?
Đúng vậy! Nghị định 99/2012/NĐ-CP đã quy định cụ thể về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp.
Theo đó, chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (bộ, ngành, UBND cấp tỉnh) phải chịu trách nhiệm tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản doanh nghiệp; điều chỉnh, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ… Chính phủ đã giao trọng trách thoái vốn cho lãnh đạo các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh. Như vậy, nếu lãnh đạo bộ, ngành, UBND cấp tỉnh xác định thoái vốn là nhiệm vụ trọng tâm, thì họ sẽ tập trung thực hiện, tìm giải pháp thực hiện. Ngược lại, nếu vị lãnh đạo nào đó chưa thực sự quyết tâm thì tiến trình thoái vốn ở bộ, ngành, địa phương đó chắc sẽ bị chùng xuống.
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị tổng kết năm 2013 của Bộ GTVT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu rằng, lãnh đạo doanh nghiệp nào không hoàn thành lộ trình cổ phần hóa thì sẽ bị thay thế. Với quyết tâm này, ông có hy vọng tiến trình thoái vốn năm 2014 sẽ có chuyển biến đáng kể?
Trước đây, người ta thường lấy lý do thoái vốn chậm là do các văn bản quy phạm pháp luật về thoái vốn còn thiếu hoặc không phù hợp, thị trường chứng khoán èo uột… Còn bây giờ, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến thoái vốn; diễn biến của thị trường chứng khoán cũng đang ủng hộ việc thoái vốn, cộng với quyết tâm của Chính phủ, thì không có lý do gì khiến tiến trình thoái vốn năm nay không khởi sắc.
Song, nếu lãnh đạo doanh nghiệp vẫn bám vào lý do “bảo toàn vốn nhà nước” thì sao, thưa ông?
Không còn lý do để bám vào nguyên tắc bảo toàn vốn để trì hoãn cổ phần hóa, bởi Quyết định 929/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 đã phân loại doanh nghiệp thành 3 nhóm. Trong đó, doanh nghiệp nhóm 3: thua lỗ kéo dài, không có khả năng khắc phục sẽ thực hiện bán, chuyển nhượng; tái cơ cấu nợ để chuyển thành công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn nhiều thành viên; giải thể, phá sản.
Không chỉ đối với doanh nghiệp nhóm 3, mà ngay cả vốn nhà nước đã đầu tư vào lĩnh vực không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan với lĩnh vực kinh doanh chính; vốn nhà nước ở công ty cổ phần mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối, thì cũng thực hiện theo nguyên tắc thị trường. Tức là, việc thoái vốn phải minh bạch, công khai và nhà đầu tư mới là người quyết định xem trị giá doanh nghiệp là bao nhiêu, chứ không phải giá do ý muốn chủ quan của lãnh đạo doanh nghiệp hay cơ quan chủ quản.
Như vậy, việc thoái vốn sẽ trở thành sức ép đối với không ít bộ, ngành, địa phương và lãnh đạo doanh nghiệp. Ông có nghĩ như vậy không?
Nếu coi là sức ép, thì đây là sức ép lành mạnh, sức ép để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Tôi muốn nói thêm rằng, thời gian để phân loại doanh nghiệp đã đủ dài (Quyết định 929/QĐ-TTg được ban hành ngày 17/7/2012), văn bản quy phạm pháp luật đã đồng bộ, thị trường đang ủng hộ, quyết tâm của Chính phủ rất cao, thì chẳng có lý do gì để chần chừ việc thoái vốn. Đặc biệt, doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, càng chần chừ thoái vốn, càng nguy hiểm vì khả năng mất vốn nhà nước rất cao. Vấn đề là phải thoái vốn theo đúng quy trình, công khai, minh bạch.
Mạnh Bôn
đầu tư
|