Thứ Tư, 22/01/2014 11:40

Bất động sản “thà đau một lần còn hơn dai dẳng mãi”

Tính đến 15/12/2013, tổng giá trị tồn kho bất động sản là gần 95.000 tỷ đồng, giảm 26,5% so với quý 1/2013, tập trung chủ yếu ở phân khúc căn hộ vừa và nhỏ. Trong đó Hà Nội tồn 6.580 căn chung cư và thấp tầng, tương đương với 12.900 tỷ đồng. Giá trị tồn kho ở phân khúc chung cư và đất nền tại Tp. HCM lên tới hơn 17.400 tỷ đồng.

Những số liệu này được đại diện Bộ Xây dựng nêu tại buổi toạ đàm về tổng quan thị trường bất động sản do ngân hàng BIDV tổ chức chiều 21/1.

Tại đây, đại diện đến từ Ban Kinh tế Trung ương, bà Hoàng Thị Tư nói: “Thà đau một lần còn hơn dai dẳng mãi, mấu chốt vấn đề là phải đẩy nhanh hàng tồn kho, thậm chí doanh nghiệp phải chấp nhận lỗ”.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh, Phó tổng giám đốc BIDV cho rằng, hiện giao dịch thị trường bất động sản chủ yếu diễn ra tại các căn hộ có giá bình dân khoảng 15 triệu đồng/m2 và dự án đang dần hoàn thiện. Trong khi đó, nhà liền kề, biệt thự vẫn gặp khó khăn.

Tuy nhiên, giá bất động sản vẫn ở mức cao, vượt khả năng thanh toán của nhiều đối tượng do hiện tượng đầu cơ đẩy giá trong thời gian dài. Thị trường bất động sản tồn tại nhiều chi phí ngầm như chi phí “chạy” dự án, phí “bôi trơn” trong cấp phép, thông tin thị trường không minh bạch dẫn đến cầu ảo và phí trung gian cao.

Trong khi đó, theo đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thu nhập của công nhân, cán bộ công nhân viên chức ở mức thấp, trung bình đạt 3,6 - 4,5 triệu đồng/tháng, trong đó tích luỹ nhà ở chỉ chiếm khoảng 11% mức thu nhập. Đáng nói hơn là giá nhà trung bình ở Việt Nam cao hơn 25 lần so với thu nhập của người lao động, trong khi con số này ở châu Âu chỉ khoảng 7 lần, Thái Lan là 6,3 và Singapore chỉ 5,2 lần…

Trong khi đó, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, giá nhà đất ở vùng ven đã giảm sâu, thậm chí có trường hợp dự án phải bán lỗ để phù hợp với nhu cầu của người mua. Thị trường bất động sản đang ấm dần thông qua mức thanh khoản của thị trường tăng lên.

“Chúng ta không mong thị trường bất động sản sốt nóng lên ngay. Nhưng thực tế, thị trường đã lạc quan hơn”, ông Nam nói.

Đặc biệt, Thứ trưởng Nam cho biết, tính đến cuối tháng 10/2013, dư nợ trong lĩnh vực bất động sản đã lên tới 260.000 tỷ, tăng hơn 14% so với năm 2012, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống khoảng 6,48%. Điều đó cho thấy, dòng tiền từ ngân hàng, người dân đã và đang quay trở lại bất động sản.

Cũng theo ông Nam, một loạt các giải pháp mạnh mẽ gỡ khó cho thị trường bất động sản sẽ được thực hiện ngay trong năm nay. Trong đó, đáng chú ý là việc tối giản thủ tục cho người dân mua nhà thu nhập thấp, người làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập không phải chứng minh thu nhập.

Các cấp địa phương sẽ và phải có trách nhiệm rõ ràng trong việc xác nhận việc chưa có nhà cho người có hộ khẩu thường trú tại địa phương. Ngoài ra, sẽ tăng số lượng các ngân hàng thương mại được tham gia giải ngân, cho vay gói 30.000 tỷ đồng.

Song Hà

vneconomy

Các tin tức khác

>   Gỡ rối nhà đất mua bán giấy tay (22/01/2014)

>   Đốt hết chục tỷ, đại gia bám vỉa hè chờ thời (22/01/2014)

>   PVR: Bao giờ hết lỗ? (22/01/2014)

>   Vinaland đã thoái vốn khỏi khách sạn 5 sao, thu về 16.1 triệu USD (22/01/2014)

>   Doanh nghiệp bất động sản bán được hàng vẫn không có tiền (22/01/2014)

>   Thứ trưởng Xây dựng: Bất động sản đang ấm dần (21/01/2014)

>   PVL: Khởi tố bị can và tạm giam đối với Chủ tịch Hoàng Ngọc Sáu (21/01/2014)

>   DXG: Lãi ròng quý 4 Công ty mẹ tăng gấp đôi nhờ hoạt động tài chính (21/01/2014)

>   DLG: Quý 4 công ty mẹ lãi ròng gần 11 tỷ, gấp 17 lần cùng kỳ (21/01/2014)

>   Lợi nhuận 7% từ mua căn hộ cho thuê lại (21/01/2014)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật