Bán tài sản công, kinh tế Italy vẫn trong "vùng nguy hiểm"?
Bộ trưởng Tài chính Italy Fabrizio Saccomanni cho biết nước này sẽ huy động 10 tỷ euros (13,6 tỷ USD) trong hai năm tới thông qua việc bán các tài sản quốc gia. Thông tin này khiến lợi suất trái phiếu giảm.
Bộ trưởng Tài chính Italy Fabrizio Saccomanni. (Nguồn: IMAGOECONOMICA)
|
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích cảnh báo, nền kinh tế Italy vẫn chưa thoát khỏi "vùng nguy hiểm", khi nợ của nước này vẫn ở mức khoảng 133% GDP - mức cao thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU), sau Hy Lạp. Thêm vào đó, kinh tế Italy vẫn phải đối mặt với muôn vàn sức ép: tăng trưởng kinh tế yếu, lòng tin tiêu dùng thấp, và mức xếp hạng tín nhiệm tương đối thấp.
Trong số các tài sản công dự kiến được rao bán có cổ phần tại các doanh nghiệp quốc doanh như "người khổng lồ" năng lượng Eni, nhà kiểm soát không lưu Enav, và đặc biệt đáng chú ý là kế hoạch bán 40% cổ phần tại cơ quan bưu chính quốc gia Poste Italiana. Hồi đầu tháng, Chính phủ Italy thông báo bán 40% cổ phần của Poste Italiane, tương đương 4 tỷ euro; đồng thời bán 49% cổ phần của Enav, công ty có giá trị khoảng 1,8-2 tỷ euro.
Các nhà đầu tư khá "cảm kích" trước những thông tin này, một phần vì động thái đó cho thấy mức độ tin cậy trên thị trường tài chính, một phần vì kế hoạch bán tài sản sẽ giúp gánh nợ của Italy vơi đi. Nợ công thu hẹp lại sẽ làm giảm sức ép đối với chính phủ trong việc phải tăng thuế hay giảm chi tiêu - những yếu tố sẽ khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại.
Đóng cửa phiên 23/1, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy trên thị trường thứ cấp ở mức 3,86%. Như vậy, kể từ phiên 2/1 tới nay, con số này liên tục nằm dưới ngưỡng 4%. Trong khi hồi năm 2012, đã có giai đoạn kéo dài vài tuần lễ, Italy phải trả mức lãi trên 7% - mức được coi là "khó trụ vững" đối với nền kinh tế./.
Hương Giang
Vietnam+
|