Ẩn số giá xăng dầu 2014
Những tháng cuối năm 2013 đã diễn ra một sự kiện chính trị quan trọng: các nước phương Tây và Iran đã xích lại gần nhau. Cùng với mối quan hệ thân thiện hơn này, phương Tây cũng cân nhắc giảm bớt các biện pháp cấm vận đối với Iran, một trong những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới. Sự kiện này đã mang lại cảm giác nhẹ nhõm cho nhiều quốc gia phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu, trong đó có Việt Nam.
Trong năm 2013, dù Việt Nam đã nỗ lực giảm bớt tác động từ giá dầu thế giới, nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn tăng khá mạnh. Cuối năm 2013, sau nhiều lần tăng giảm giá liên tục, giá xăng A92 vẫn tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước, lên 24.214 đồng/lít.
Bước sang năm 2014, dù đã xuất hiện một số tín hiệu lạc quan hơn như sự kiện Iran, nhưng những rủi ro tác động khó lường đến giá dầu vẫn còn đó.
Tháng 9.2013, hãng tư vấn McKinsey (Mỹ) đã công bố một báo cáo đáng chú ý về diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu, trong đó chỉ ra rằng giá cả các nguồn tài nguyên trên thế giới tiếp tục đứng ở mức cao và còn nhiều biến động. Một thời đại với giá cao, tăng nhanh và biến động với tên gọi “siêu chu kỳ” vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, khi cho đến nay, dù đã có những đợt điều chỉnh giảm, nhưng giá các loại hàng hóa vẫn gần ở mức đỉnh đạt được vào năm 2008 - thời điểm trước khi diễn ra khủng khoảng tài chính. Đặc điểm này là rất đáng chú ý vì nền kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi hoàn toàn sau cơn bạo bệnh.
Trong khi đó, theo McKinsey, nguồn cung lại được điều chỉnh khá chậm, chưa theo kịp những thay đổi về sức cầu, do việc tiếp cận các nguồn tài nguyên mới đang trở nên thách thức hơn và tốn kém hơn.
Các mỏ dầu ở ngoài khơi, chẳng hạn, đang đòi hỏi những kỹ thuật khai khác phức tạp hơn, trong khi các nguồn tài nguyên khoáng sản với nhu cầu đang tăng lên lại nằm ở những khu vực có rủi ro chính trị cao. Khi cung không theo kịp cầu thì một sự thay đổi nhỏ về cầu cũng có thể tạo ra sự thay đổi lớn về giá.
Theo McKinsey, ngoại trừ trường hợp khí đá phiến, chi phí sản xuất vẫn tiếp tục tăng lên. Việc chi phí biên trong sản xuất gia tăng dường như ngày càng hiện rõ, khiến giá cả nhiều loại hàng hóa sẽ khó giảm.
Tuy vậy, việc giá tiếp tục ở mức cao lại có điểm tích cực: khuyến khích các công ty đẩy mạnh phát minh công nghệ, góp phần cải thiện khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên và nâng cao năng suất. Theo McKinsey, các công nghệ quan trọng như 3D và 4D có thể sẽ giúp cải thiện đáng kể việc khai thác năng lượng, trong khi các kỹ thuật về hóa hữu cơ và di truyền có thể thúc đẩy một cuộc cách mạng mới về công nghệ xanh.
Đồng quan điểm, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho rằng giá dầu mỏ có thể vẫn đứng ở mức cao do những rủi ro liên quan đến nguồn cung, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong năm 2014 sẽ lớn hơn năm trước khoảng 110.000 thùng/ngày.
Tiêu thụ tăng là do nhu cầu của thị trường Mỹ đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần một thập kỷ qua. Điều này góp phần đưa sức tiêu thụ dầu mỏ tại các quốc gia phát triển quay trở lại thời kỳ tăng trưởng sau hơn 2 năm sụt giảm. Nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh hơn, trong khi sản xuất chưa có nhiều chuyển biến sẽ khiến cho giá dầu khó mà giảm được nhiều.
Cũng theo IEA, mối quan hệ có phần êm dịu hơn giữa phương Tây và Iran khó giúp cho sản lượng tăng ngay lập tức, vì Mỹ và châu Âu vẫn tiếp tục hạn chế lượng xuất khẩu dầu mỏ của Iran. “Washington đã tỏ rõ quan điểm về việc thực hiện các biện pháp cấm vận dầu mỏ mạnh mẽ giống như trước”, IEA cho biết.
Hãy quay trở lại với thị trường xăng dầu trong nước. Dù đã có nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhưng do công suất của nhà máy chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu, Việt Nam vẫn dễ nhạy cảm trước những biến động về giá dầu thế giới. Áp lực này có thể sẽ còn lớn hơn khi nguồn cung từ Dung Quất bị gián đoạn trong tháng 5 và tháng 6 tới, do nhà máy đóng cửa để bảo trì.
Một thách thức khác đối với doanh nghiệp trong năm 2014 là nhiều khả năng Chính phủ sẽ rút dần các khoản trợ giá năng lượng do thâm hụt ngân sách. Tuy vậy, theo hãng tư vấn Business Monitor International, chính sách này có thể giúp kìm hãm tốc độ tăng tiêu thụ dầu mỏ của Việt Nam. Theo đó, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của Việt Nam sẽ tăng chậm hơn so với dự kiến từ mức 387.300 thùng/ngày trong năm 2013 lên 442.300 thùng/ngày vào năm 2017, tương ứng với tốc độ tăng 3,55%/năm.
Sơn Nguyễn
ncđt
|