Xem lại việc cấp vốn cho bình ổn giá
Đó là đề nghị của đại biểu Nguyễn Xuân Diên, phó chánh văn phòng HĐND TP Hà Nội, trong phần thảo luận về dự toán và phân bổ dự toán thu chi ngân sách năm 2014 tại phiên họp ngày 3-12.
Trong phần thảo luận này, các đại biểu HĐND TP Hà Nội cũng tập trung có ý kiến về việc phát hành trái phiếu để xây dựng công trình.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Sương, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội, đề nghị việc phát hành trái phiếu cần tập trung cho 1-2 công trình trọng điểm
|
Vốn dùng cho bình ổn giá không hiệu quả
Đề cập việc tiếp tục cấp gần 320 tỉ đồng từ ngân sách ứng cho các doanh nghiệp bình ổn giá trong năm 2014, đại biểu Nguyễn Xuân Diên - phó chánh văn phòng HĐND TP - đề nghị cần phải xem lại việc cấp vốn này vì kém hiệu quả, không công bằng đối với các các doanh nghiệp và hình thành cơ chế “xin - cho”.
Giải trình về nội dung này, ông Nguyễn Văn Sửu - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho rằng việc hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp bình ổn giá đã có 13 tỉnh, thành phố cùng thực hiện. “Thủ tướng khen Hà Nội và TP.HCM làm tốt. Nếu năm 2014 chúng ta không bố trí 318 tỉ đồng đưa vào bình ổn giá nữa thì mai kia chúng ta không thể kiểm soát được giá cả trên thị trường, nay sốt gạo mai sốt đủ thứ. Tôi mong chúng ta nên làm, vấn đề là cần quản lý tốt hơn” - ông Sửu nói.
Phát biểu sau đó, ông Nguyễn Tuấn Thịnh - phó trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Hà Nội - cho biết trong nhiều năm qua TP đã ứng từ quỹ dự trữ tài chính cho các doanh nghiệp vay vốn thực hiện bình ổn giá không lãi suất. Theo ông Thịnh, việc ứng vốn chỉ có một số doanh nghiệp được hưởng và cử tri cũng có ý kiến cho rằng người dân ở những vùng xa, vùng nông thôn không được hưởng nhiều từ hiệu quả chương trình bình ổn giá. “Tại TP.HCM, từ năm 2013 đã không dùng tiền từ ngân sách để thực hiện bình ổn giá, mà huy động tiền từ ngân hàng thương mại nên Hà Nội cần quan tâm thêm cách làm của các địa phương khác” - ông Thịnh nói.
Cuối cùng, về vốn ứng cho doanh nghiệp bình ổn giá, ông Lê Văn Hoạt - phó chủ tịch HĐND TP Hà Nội - đề nghị HĐND TP ủy quyền cho thường trực HĐND TP nghiên cứu, làm việc với các ban trước khi thống nhất quyết định.
Cấp 5.000 tỉ đồng cho ba năm, “tiêu” hết trong một năm
“Ban kinh tế - ngân sách thống nhất và đề nghị HĐND TP thông qua chủ trương huy động bổ sung 5.000 tỉ đồng trái phiếu thủ đô trong giai đoạn 2014-2015 nhằm thực hiện một số công trình trọng điểm đảm bảo tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác sử dụng sớm” - ông Nguyễn Văn Nam, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP, cho biết.
Phát biểu sau đó, đại biểu Nguyễn Thị Mai Sương - giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội - nói bà ủng hộ chủ trương phát hành bổ sung 5.000 tỉ đồng trái phiếu trong năm 2014-2015, tuy nhiên việc phát hành trái phiếu chỉ nên tập trung cho 1-2 công trình trọng điểm để HĐND TP có thể giám sát hiệu quả sử dụng vốn. “Trước đây HĐND TP đã thông qua phát hành trái phiếu thủ đô cho cả giai đoạn 2013-2015 là 5.000 tỉ đồng, tuy nhiên do tình hình ngân sách thiếu, UBND TP đã đề xuất thực hiện hết 5.000 tỉ trái phiếu thủ đô ngay trong năm 2013”.
Đề cập việc phát hành bổ sung 5.000 tỉ đồng trái phiếu thủ đô năm 2014-2015, bà Sương nhấn mạnh trái phiếu thủ đô là vốn vay từ nhân dân, từ doanh nghiệp, do vậy TP cần phải cân đối lãi suất ra sao cho hợp lý, cần tính toán thời điểm phát hành. “Đặc biệt cần giám sát hoạt động phát hành trái phiếu, không dàn trải, không hòa vào tổng vốn đầu tư chung của TP vì như vậy không thể giám sát được” - bà Sương nói.
Đồng tình với việc chỉ nên phát hành trái phiếu công trình, đại biểu Nguyễn Đình Dương, viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, khẳng định nếu phát hành trái phiếu dùng chung sẽ không thể giám sát nổi hiệu quả sử dụng vốn.
Ngân sách sẽ cấp vốn nâng cấp công trình đón Asiad
Sau khi đọc tờ trình về quy hoạch phát triển thể dục thể thao TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ông Tô Văn Động - giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội - nói với Tuổi Trẻ: “Trong quy hoạch này, cần tập trung ưu tiên vốn cho các công trình cấp bách phục vụ Asiad năm 2019”. Theo ông Động, toàn bộ nguồn vốn 1.084 tỉ đồng phục vụ việc cải tạo, nâng cấp các công trình phục vụ tổ chức Asiad sẽ do ngân sách cấp. “Những công trình nào cần xây mới, nguồn vốn bao nhiêu cần phải đợi đến khi Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể tổ chức Asiad mới biết rõ. Khi đó mới biết những công trình nào do Hà Nội làm, những công trình nào do trung ương làm” - ông Động nói.
HĐND TP cũng đã thông qua bảy nghị quyết. Trong đó có nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 với mức tăng trưởng kinh tế 8,5-9%; nghị quyết về quy hoạch phát triển thể dục thể thao TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với tổng nguồn vốn 18.200-19.500 tỉ đồng; nghị quyết về chương trình giám sát HĐND TP năm 2014, trong đó có giám sát về việc xã hội hóa trong xây dựng bệnh viện công.
|
Xuân Long
tuổi trẻ
|