VIB “phù phép” tiền gửi của khách hàng từ 1,4 tỷ đồng xuống 300 triệu đồng
Theo thông tin riêng của chúng tôi, khách hàng T.T.H (ngụ quận 7) gửi tiết kiệm 1,4 tỷ đồng tại chi nhánh Ngân hàng Quốc tế (VIB) quận 11 từ ngày 14-8-2012, số sổ QT 12478140. Đến ngày 20- 11-2012, khách hàng này đến chi nhánh VIB quận 1 để giao dịch thì phát hiện sổ tiết kiệm chỉ còn 300 triệu đồng. Như vậy, 1,1 tỷ đồng đã “không cánh mà bay”. Trong khi đó, sổ tiết kiệm vẫn còn nguyên 1,4 tỷ đồng và không có giao dịch gì cả.
Đến ngày 5-12-2012, ông Bùi Đức Quốc - Phó giám đốc Ngân hàng bán lẻ VIB quận 11 - xác nhận, có sự sai lệch giữa số tiền trong sổ gửi tiết kiệm của khách hàng với tài khoản trong hệ thống của VIB quận 11. Nội dung văn bản còn cho biết, sau khi kiểm tra, bước đầu cho thấy có một số chứng từ rút tiền tại VIB quận 11 có chữ ký của khách hàng nhưng khách hàng khẳng định tuyệt đối không có bất kì giao dịch nào với nhân viên của VIB quận 11, không rút tiền lần nào, còn các chữ kí là giả. Có một phiếu chi là chữ ký thật nhưng khách hàng bị lừa ký chứ chưa hề đi rút tiền.
VIB quận 11 đã gửi công văn đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Hồ Chí Minh nhờ giúp đỡ. Trong khi chờ kết quả, VIB quận 11 chỉ tạm hoãn một tháng để trả lại tiền cho khách hàng. Nếu cơ quan điều tra không phát hiện gì xoay quanh việc khách hàng đã rút tiền thì VIB quận 11 sẽ trả lại tiền trong sổ tiết kiệm cho khách. Nhưng đến nay, cơ quan cảnh sát điều tra không có thêm chứng cứ gì là khách hàng đã rút tiền mà ngân hàng vẫn cố tình không chịu trả tiền. Tính đến tháng 11-2013, VIB quận 11 đã nợ khách hàng 1,4 tỷ đồng tiền gốc và lãi suốt 16 tháng.
Nguyên nhân chính của vụ việc thuộc về nhân viên VIB quận 11. Họ đã lừa đảo, giả chữ ký khách hàng và còn lừa lấy cả chữ ký vào phiếu chi để rút tiền ở sổ tiết kiệm của người gửi. Dư luận cho rằng, phải chăng tại VIB quận 11, ngoài nhân viên ngân hàng còn cả hệ thống đằng sau nữa để “phù phép” số tiền ở sổ tiết kiệm của khách hàng (?!). Ngân hàng huy động vốn giờ làm mất tiền của người gửi thì phải có trách nhiệm đền bù thỏa đáng chứ không để khách hàng trở thành người bị hại.
Để thông tin hai chiều, tuần trước chúng tôi liên lạc với ông Bùi Đức Quốc thì ông này đùn đẩy sang cho bộ phận truyền thông và marketing ở tận... Hà Nội. Một nhân viên tên Phạm Thị Thu Hà gọi cho người viết, đề nghị gửi câu hỏi trước để trình cán bộ cao hơn. Tuy nhiên, phóng viên đã gửi câu hỏi theo yêu cầu từ ngày 28-11-2013 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm. Được biết, từ ngày 22-6-2013 khách hàng này đã gửi thư cầu cứu cho Tổng giám đốc VIB ở Hà Nội nhưng vẫn không nhận được trả lời. Đối với cơ quan truyền thông, VIB còn xem thường thì với khách hàng, “ông” ngân hàng này xem ra gì (?!). Khi rủi ro xảy ra, các ông lãnh đạo VIB cứ bỏ mặc (?!). Một ngân hàng mang tên hoành tráng là quốc tế nhưng giao dịch và ứng xử với khách hàng như ở... ao làng?
Thiết nghĩ, việc xử lý nhân viên sai phạm là chuyện nội bộ của VIB. Nếu khách hàng bị thiệt hại thì phía đơn vị giao dịch là VIB quận 11 phải trả đủ tiền gốc, lãi và khắc phục sự cố nhanh chóng chứ không thể “vịn” vào kết quả của cơ quan điều tra để kéo dài thời gian, đẩy rủi ro cho người gửi tiền. Như vậy thì ai dám gửi tiền nữa!
An Hòa
Công an TPHCM
|