Từ 2014, xuất khẩu nữ trang vàng không phải chịu thuế
Thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ và các sản phẩm bằng vàng sẽ giảm về 0% từ 1-1-2014. Trong khi đó, vàng nguyên liệu xuất khẩu không phân biệt hàm lượng sẽ chịu thuế 2%.
Tuy nhiên, việc áp thuế đối với vàng nguyên liệu, theo bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính, sẽ chỉ áp dụng khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các công ty được xuất, nhập vàng nguyên liệu (hiện tại chưa doanh nghiệp nào được phép), còn khi Ngân hàng Nhà nước nhập vàng sẽ không chịu thuế.
Trong khi đó, hiện nay, đối với vàng nguyên liệu hàm lượng dưới 99,99% sẽ chịu thuế suất xuất khẩu là 10%, còn với nữ trang vàng có hàm lượng trên 80% cũng chịu thuế 10%. Mức thuế này được quy định từ năm 2011, sau khi nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vàng dưới dạng nữ trang thô.
Quy định áp các mức thuế mới cho vàng nằm trong Thông tư 164/2013/TT-BTC có hiệu lực ngày 1-1-2014 về quy định biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế.
Trước đó, trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, bà Hằng cũng cho rằng việc điều chỉnh thuế sẽ được tính toán nhằm khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu nữ trang, theo kiến nghị của các doanh nghiệp kinh doanh vàng nữ trang. Đồng thời, do giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới, nên hiện tượng xuất khẩu nữ trang thô hiện không còn xuất hiện, vì vậy biểu thuế cũ không còn phù hợp.
Theo các doanh nghiệp, kinh tế khó khăn, nhu cầu tiêu thụ vàng trang sức trong nước ở mức rất thấp. Ngoài ra, các quốc gia khác trong khu vực đã giảm thuế suất xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ xuống mức 0%, nên ngành vàng trang sức của họ luôn đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu cao như ở Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức đạt bình quân khoảng 3 tỉ đô la Mỹ mỗi năm.
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng, các sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ của Việt Nam có hàm lượng 20k (83,33%), 22k (91,66%), hay 24k… rất được ưa chuộng tại các thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Dubai, Trung Quốc, vì vậy Bộ Tài chính nên giảm thuế để khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu.
Đến hiện tại Việt Nam mới chỉ có 2 doanh nghiệp đang xuất khẩu nữ trang, là Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC).
SJC chỉ mới khởi động việc xuất khẩu nữ trang trở lại cách đây vài tháng, và đã xuất khẩu được 4 đợt cho một đối tác nước ngoài. Ông Đỗ Công Chính, Tổng giám đốc SJC cho biết sẽ tiếp tục đàm phán với các đối tác khác để thúc đẩy việc này, nhằm mang lại lợi nhuận, bù đắp vào sự sụt giảm của hoạt động kinh doanh vàng miếng.
Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc PNJ, doanh thu xuất khẩu nữ trang cũng chỉ chiếm khoảng 6% tổng doanh thu của công ty, còn lợi nhuận cũng không nhiều. Bà Cúc cho biết từ khi bị áp thuế suất 10% đối với nữ trang hàm lượng vàng từ 80% đến dưới 99,99%, các sản phẩm nữ trang có giá trị cao đã không còn xuất được.
Kim ngạch xuất khẩu mỗi năm của PNJ khoảng 12,5-13 triệu đô la Mỹ, trong khi nếu nhìn lại năm 2010, thời kỳ các doanh nghiệp xuất khẩu mạnh nữ trang do giá trong nước thấp hơn thế giới, thì trong 5 tháng đầu năm 2010 PNJ đã có kim ngạch xuất khẩu lên 29 triệu đô la Mỹ.
Thanh Thương
tbktsg
|