Siêu môi giới
Những môi giới giàu kinh nghiệm, nhiều quan hệ có vai trò đặc biệt quan trọng tại các CTCK, đơn giản vì họ là người trực tiếp làm ra tiền cho công ty. Nhưng một số ít môi giới có tầm ảnh hưởng không chỉ giới hạn tại công ty mình mà còn vươn ra thị trường, đó là các siêu môi giới.
Kết nối và hô hào
Kết nối là phẩm chất quan trọng để tạo nên đẳng cấp một siêu môi giới. Một môi giới bình thường cũng có rất nhiều mối quan hệ, nhưng chỉ các siêu môi giới mới có khả năng kết nối các mối quan hệ với nhau để đem lại lợi ích giữa các bên. Thí dụ, 5 NĐT cùng giải ngân 1 CP sẽ không thể “đông vui” bằng 15-20 hay 50 NĐT cùng chơi.
Nhưng đông người dễ xảy ra việc chờ CP tăng từ 50% trở lên mới tính đến chuyện bán ra. Điều này dẫn đến việc từng người, hay từng nhóm NĐT thường dè chừng khi nhận lời đề nghị chơi chung. Siêu môi giới có thể đứng ra kết nối, điều phối và giám sát các nhóm để đề phòng trường hợp “chạy trước”. Đó cũng là lý do năm 2010, giới đầu tư chứng khoán đã đồn đại về một siêu môi giới tại khu vực phía Bắc có thể kết nối cùng lúc 5-10 đội lái để đánh những CP nóng.
Càng có nhiều siêu môi giới, TTCK càng có lợi. Các siêu môi giới với bản lĩnh, uy tín của mình đang đưa nghề môi giới trở về đúng với giá trị thực của nó: một nghề được trọng vọng, không chỉ trong phạm vi ngành chứng khoán.
Một phẩm chất quan trọng khác cũng gây ra nhiều tranh cãi là… hô hào. Việt Hàn (VHG) là một trong những CP tăng giá khủng nhất năm 2013, từ mức giá 3.000 đồng/CP cùng với trạng thái bết bát trong hoạt động, CP này tăng và sau đó ra tin tốt để leo lên đỉnh 15.000 đồng/CP.
Một NĐT kỳ cựu cho biết thời gian VHG tăng giá, một siêu môi giới liên tục hô hào NĐT mua vào VHG. Lúc đó anh không tin vì được biết siêu môi giới này không tham gia trực tiếp đầu tư VHG, chỉ đứng ngoài hô hào. Nhưng khi chứng kiến VHG tăng lên gần 10.000 đồng/CP và thấy mình bị “lỡ tàu” (không mua được CP), anh đã cảm nhận được siêu môi giới này quả có “ma lực” hô hào.
Một nhân viên môi giới có 5 năm làm nghề nhận định, không phải ai muốn cũng có thể hô hào trên TTCK, đặc biệt để tác động được đến những người khác phải có bản lĩnh thực sự. Việc kết nối, hô hào còn xuất hiện trên báo chí có thể giúp siêu môi giới gia tăng tính chất “đại chúng” của mình, dù kèm theo đó là những lời khen chê.
Đã có những câu chuyện về siêu môi giới này xúi NĐT mua CP nọ, để rồi sau đó NĐT bị “xả” với giá cao nhất; hoặc môi giới nọ trở thành đầu mối để các đại gia đưa CP của mình ra thị trường. Chưa cần biết những lời ong tiếng ve có thật hay không, nhưng việc nghe được, chịu được và vẫn tiếp tục theo nghề đòi hỏi siêu môi giới phải có “thần kinh thép”.
Môi giới như… vua
Trái ngược với siêu môi giới đại chúng mang hơi hướng bình dân là những siêu môi giới ẩn mình được xem là “hàng hiệu”. Tại những CTCK có thị phần lớn như SSI, HSC, VN Direct, Maybank Kim Eng… có những môi giới mà một mình họ có thể đem lại doanh số tương đương, thậm chí lớn hơn cả phòng môi giới của CTCK khác.
Thực ra muốn tìm ra những siêu môi giới này không khó lắm, bởi có thể dò hỏi từ CTCK, hoặc tại buổi tổng kết cuối năm các CTCK thường vinh danh những môi giới xuất sắc nhất của mình. Theo tiết lộ từ nhân viên một CTCK lớn, vị trí siêu môi giới của đơn vị thuộc về một phụ nữ và người này có đặc điểm: không tham gia đội lái, không tham gia diễn đàn, mạng xã hội và không hô hào.
Còn một nhóm siêu môi giới mà độ kín tiếng có thể nói ở cấp độ cao nhất: môi giới của khách hàng tổ chức. Giao dịch của nhóm này đòi hỏi phải được bảo mật. Để giao tiếp cũng như chăm sóc nhóm khách hàng tổ chức, đòi hỏi người môi giới có sự chuyên nghiệp từ hình thức đến chuyên môn và trong giao tiếp.
Những môi giới này chăm sóc khách hàng rất ân cần chu đáo, trò chuyện nhã nhặn ngọt ngào nhưng chỉ cần đưa ra một yêu cầu gì đó, chẳng hạn như giải đáp thắc mắc cho khách hàng, lập tức những bộ phận khác của CTCK như tư vấn, phân tích phải thực hiện. Nhiều NĐT đã ví họ giống như… vua.
Do một số nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, đã từng có những cách nhìn, đánh giá thấp về giá trị của môi giới, kiểu môi giới chỉ là “cò”, chỉ giỏi “chém gió” và rất khó tin. Giám đốc đầu tư một quỹ có tiếng kể anh đã được phó tổng giám đốc phụ trách mảng môi giới khách hàng tổ chức của một CTCK lớn mời mở tài khoản giao dịch.
Để tạo ấn tượng với khách hàng, vị này đã “nhá hàng” rằng mình biết giao dịch của quỹ này, quỹ nọ. Chẳng biết độ tin cậy những lời nói này đến đâu, nhưng chừng đó cũng là quá đủ để nói lên uy tín và sự chuyên nghiệp của vị này. Bởi đã từng có những siêu môi giới cũng đã “hô phong hoán vũ”, cũng có địa vị nhưng tất cả đều mất tăm sau những lần “chơi bể” NĐT, chiến hữu của mình.
Chính những nhân vật tưởng chừng như “thuốc” được người khác rồi cũng có lúc thua lỗ nặng nề. Do vậy, ngoài những tố chất cơ bản như nhạy bén, thạo tin, phán đoán tốt, quan hệ rộng, môi giới hiện nay cần phải tận tâm và có uy tín thực sự.
Thái Ca
sài gòn đầu tư tài chính
|