Thứ Năm, 26/12/2013 09:42

Nợ đang bủa vây

Do bối cảnh kinh tế khó khăn, việc các doanh nghiệp vay mượn vốn lẫn nhau diễn ra khá thường xuyên. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, có nhiều tranh chấp mà một bên lợi dụng tiền vốn của bên kia để kinh doanh. Do thời gian giải quyết tranh chấp kéo dài, nên một khi vướng vào tranh chấp, bên bị chiếm dụng vốn rất khó để nhanh chóng lấy lại tài sản. Ở các doanh nghiệp niêm yết, tình trạng vay nợ lẫn nhau tuy chưa dẫn đến những hệ lụy pháp lý nhưng cũng đáng chú ý, đặc biệt là ở những công ty đang ở trong tình trạng thua lỗ.

Lĩnh vực bất động sản: nợ lớn nhất

Nói tới chiếm dụng vốn người ta nghĩ ngay tới trường hợp điển hình là việc các công ty xây dựng, bất động sản huy động vốn của nhà đầu tư hoặc tiền trả trước của người mua nhà cho các công trình. Đối với lĩnh vực nhà đất, đây là một kênh huy động vốn phổ biến giúp chủ dự án sớm có tiền giải ngân cho các công trình. Tuy nhiên, khi sức khỏe của thị trường bất động sản không tốt thì tiến độ các dự án bị chậm hoặc thậm chí bị đình chỉ vô thời hạn. Trong trường hợp này, người bị thiệt thòi luôn là nhà đầu tư khi tiền đầu tư của mình không được hiện thực hóa hoặc bị đầu tư sai mục đích.

Tính đến hết quí 3-2013, nợ người mua trả tiền trước chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng nợ của một số công ty trong lĩnh vực bất động sản như Công ty cổ phần (CTCP) Phát triển Đô thị Từ Liêm (HOSE: NTL), CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị dầu khí Cửu Long (HOSE: CCL). Nợ người mua trả tiền trước của NTL là gần 320 tỉ đồng, chiếm gần 50% tổng nợ phải trả của doanh nghiệp. Bất động sản Nam Long (HOSE: NLG), Địa ốc Sài Gòn - Thương Tín (HNX: SCR), Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) cũng đều có tỷ trọng nợ do người mua trả tiền trước chiếm tới một phần tư tổng nợ phải trả. Điều này cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đang dựa quá sâu vào nguồn tạm ứng của người mua nhà. Theo thực tế dư thừa nguồn cung bất động sản hiện nay, cùng với việc người mua nhà ngày càng thận trọng hơn trong các giao dịch bất động sản, kênh vốn này đang ngày càng trở nên không an toàn với các doanh nghiệp bất động sản.

Ngoài khoản nợ người mua đã trả tiền trước, tại nhóm ngành bất động sản, khoản mục nợ nhà cung cấp cũng chiếm một tỷ trọng không nhỏ ở nhiều doanh nghiệp. Tồn kho bất động sản cao, hoạt động thu hồi nợ của khách hàng gặp nhiều khó khăn nên các doanh nghiệp lúng túng trong khả năng trang trải nợ nần với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Tại Công ty Bất động sản Hoàng Huy (HOSE: HHS), khoản nợ nhà cung cấp tăng 65% từ đầu năm 2013. Hết quí 3, công ty đang nợ nhà cung cấp 128 tỉ đồng, tương đương 50% tổng nợ phải trả của công ty. Ở các công ty xây dựng như CTCP Xây dựng và Giao thông Bình Dương (HOSE: BCE), CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm Fecon (HOSE: FCN), CTCP Hồng Hà dầu khí (HNX: PHH), CTCP Xây dựng Cotec (HSX: CTD), tỷ trọng nợ nhà cung cấp chiếm từ 40-45% tổng nợ phải trả của các công ty này.

Tại các công ty xây dựng, ngoài vấn đề vay nợ, khả năng thu hồi nợ cũng rất đáng bàn. Tổng công ty Vinaconex (HNX: VCG) có tới gần 5.000 tỉ đồng phải thu khách hàng tính đến hết quí 3. CTCP Xây dựng Cotec cũng còn gần 2.000 tỉ đồng chưa thu hồi được từ phía khách hàng. Điều này tạo ra một cái vòng luẩn quẩn giữa doanh nghiệp với nhà cung cấp và khách hàng của mình.

Các lĩnh vực khác cũng đau đầu vì nợ

Ngoài nhóm ngành bất động sản và xây dựng, tình trạng nợ nần lẫn nhau cũng diễn ra tại cả các ngành công nghiệp như khoáng sản, than đá. Từ đầu năm đến nay, khoản nợ nhà cung cấp của các công ty khoáng sản, than đá tăng từ 10% tới 25%. Một số trường hợp cá biệt như Than Vàng Danh (HNX: TVD) khoản nợ nhà cung cấp tăng 150% lên đến gần 160 tỉ đồng; Than Cao Sơn (HNX:TCS) nợ nhà cung cấp trên 510 tỉ đồng, tăng 82% so với đầu năm; Khoáng sản Bắc Giang (HOSE: BGM) nợ nhà cung cấp gần 8 tỉ đồng chiếm trên 50% tổng nợ phải trả, tăng hơn 70% so với đầu năm.

Một số công ty trong số này còn vướng thêm cả khó khăn trong thu hồi nợ như Than Hà Lầm (HNX: HLC) với khoản phải thu khách hàng tăng từ 15 tỉ đồng đầu năm 2013 lên tới trên 100 tỉ đồng sau chín tháng đầu năm (tăng gần 600%). Khoản phải thu khách hàng của Than Mông Dương (HNX: MDC) cũng tăng 220% lên tới gần 160 tỉ đồng. Điều này có thể được lý giải phần nào qua bối cảnh khó khăn các công ty than, khoáng sản đang phải đối mặt trong năm nay. Lượng than tiêu thụ không được như kỳ vọng, công tác thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng thanh toán nợ với nhà cung cấp.

Nhiều doanh nghiệp ngành y, dược cũng có tỷ trọng nợ nhà cung cấp tương đối cao, lên tới 75% tổng nợ phải trả. Đáng chú có CTCP Y Dược phẩm Vimedimex (HOSE: VMD) với khoản nợ nhà cung cấp lên tới trên 3.600 tỉ đồng, chiếm 75% tổng nợ phải trả của công ty. Khoản nợ nhà cung cấp của Dược Hậu Giang (HOSE: DHG) tăng đột biến 250% từ đầu năm lên mức 258 tỉ đồng, chiếm 28% tổng nợ phải trả. Khoản phải trả người bán cũng chiếm trên 75% tổng nợ phải trả của Dược Lâm Đồng (HNX: LDP). Tỷ lệ này ở Dược Bến Tre (HNX: DBT) và Traphaco (HOSE: TRA) lần lượt là trên 30%.

Trong số các nhóm ngành được nghiên cứu, tỷ trọng nợ nhà cung cấp trên tổng nợ phải trả tại những công ty niêm yết ngành vận tải chiếm 10-30%. Nhóm có tỷ trọng nợ nhà cung cấp thấp nhất là các công ty cao su, chiếm chưa tới 10%.

Trong quan hệ làm ăn giữa các đối tác kinh doanh, việc tạm ứng trước, chậm thanh toán là lẽ thường tình giúp việc lưu chuyển hàng hóa và dòng tiền của các doanh nghiệp thuận tiện, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, khả năng thanh toán tức thời của doanh nghiệp bị hạn chế, quan hệ nợ nần phức tạp sẽ tạo ra một hiệu ứng đô mi nô tiêu cực mà không biết đâu là điểm bắt đầu, đâu là điểm kết thúc.

Ở thời điểm này, doanh nghiệp cần kịp thời nhận biết được tình hình để từ đó có chiến lược cơ cấu các khoản nợ một cách hợp lý. Hơn nữa, mối quan hệ tín dụng là mối quan hệ dựa trên yếu tố cơ bản là niềm tin. Việc doanh nghiệp chủ động thương lượng với nhà cung cấp hoặc chủ nợ để cơ cấu các khoản nợ ngắn hạn sang dài hạn sẽ giữ được niềm tin nơi nhà đầu tư hoặc nhà cung cấp về khả năng thanh toán của mình, giúp tránh được nguy cơ mất thanh khoản hoặc tệ hơn là những rủi ro pháp lý không đáng có.

Nguyễn Huy Hải

tbktsg

Các tin tức khác

>   Đến năm 2015 vốn điều lệ của TKV là 35 nghìn tỷ đồng (25/12/2013)

>   HCM: Điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động do tăng vốn điều lệ (25/12/2013)

>   PGD: CBTT về việc tổ chức Đại hội Đồng cổ đông bất thường 2013 (25/12/2013)

>   D2D: Đặt kế hoạch lãi 55 tỷ đồng năm 2014 (25/12/2013)

>   TMC: 27/12 GDKHQ nhận cổ tức đợt 2/2013 tỷ lệ 4% và dự ĐHĐCĐ 2014 (25/12/2013)

>   Chỉ 47% cp An Phú được cổ đông HAG mua, SSI vào cuộc chơi (25/12/2013)

>   SSI: Thay đổi người đứng đầu chi nhánh Hà Nội và chi nhánh Mỹ Đình (25/12/2013)

>   Phân bón Bình Điền chậm đăng ký công ty đại chúng (25/12/2013)

>   NBS: Báo cáo tình hình sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán cổ phiếu ra công chúng (25/12/2013)

>   SEC: Điều lệ công ty (25/12/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật