Kinh tế thế giới sẽ có thêm 1,000 tỷ USD
160 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã đạt được thỏa thuận về hiệp định thương mại toàn cầu đầu tiên trong gần 20 năm vào ngày thứ Bảy (07/12) với ước tính có thể gia tăng quy mô của nền kinh tế thế giới thêm tới 1,000 tỷ USD.
* WTO nới lỏng về thương mại cho nước đang phát triển
Giám đốc WTO Roberto Azevedo và Bộ trưởng Thương mại Indonesia Gita Wirjawan bắt tay sau khi kết thúc hiệp định thương mại toàn cầu tại Bali – Nguồn: CNN Money
|
Cụ thể, hội nghị bộ trưởng lần thứ 9 của WTO tại Bali đã kết thúc với thỏa thuận đơn giản hóa các thủ tục hải quan nhằm cắt giảm chi phí thương mại khoảng 10%-15%, qua đó có thể đem lại cho nền kinh tế toàn cầu thêm từ 400 – 1,000 tỷ USD. Đây là hiệp định thương mại đa phương quan trọng nhất kể từ khi WTO được thành lập vào năm 1995.
Theo đó, các quốc gia đang phát triển có thể tiết kiệm tới 445 tỷ USD/năm và qua thời gian thỏa thuận này có thể đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu bằng cách gia tăng lưu lượng hàng hóa, doanh thu và thúc đẩy đầu tư. Hiệp định Bali cũng cho phép các quốc gia đang phát triển tiếp tục dự trữ thực phẩm để bán cho người nghèo với giá thấp.
Hiệp định này đã thổi luồng sinh khí mới cho WTO, tổ chức từng khiến báo giới tốn nhiều giấy mực về sự thất bại trong việc kết thúc hiệp định thương mại toàn cầu toàn diện hơn được biết đến với tên gọi “Vòng đàm phán Doha” bắt đầu năm 2001 và hầu như không đạt được tiến triến nào so với thời điểm năm 2008.
Thứ Tư tuần trước, một quan chức thương mại hàng đầu của châu Âu là Karel de Gucht cảnh báo sự thất bại tại Bali có thể giáng một đòn chí tử vào hệ thống quy định thương mại toàn cầu.
Nhiều quan chức tham dự hội nghị thượng đỉnh Bali đã bay thẳng tới Singapore trong ngày thứ Bảy để tham dự các cuộc đàm phán về việc thông qua Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Được biết, 12 quốc gia tham gia vào các cuộc đàm phán TPP chiếm 40% quy mô kinh tế toàn cầu, bao gồm các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Trong bối cảnh nợ công leo thang và tăng trưởng yếu ớt, các Chính phủ đã xem việc tự do hóa thương mại như một biện pháp tiết giảm chi phí nhằm thúc đẩy kinh tế.
Tuy nhiên, các nhà vận động cho rằng Hiệp định Bali và TPP sẽ có lợi cho các công ty lớn và hạn chế hơn nữa khả năng của Chính phủ trong việc bảo vệ người nghèo.
Phước Phạm (Theo MarketWatch, CNN Money)
Công Lý
|