Kịch bản thị trường 2014 của các CTCK là thế nào?
Các CTCK đang lập kế hoạch kinh doanh 2014 và không lạ khi hầu hết các bản kế hoạch này đều “biến thiên” theo Index… Điểm vui là góc nhìn"sáng" khá nhiều.
Với các CTCK có hoạt động kinh doanh ổn định trong bối cảnh TTCK còn nhiều khó khăn, mỗi đơn vị đều có những định hướng chiến lược, phân khúc khách hàng và thế mạnh nghiệp vụ riêng. Tuy nhiên, tất cả những thế mạnh đó để có thể triển khai hiệu quả đều phụ thuộc rất lớn vào diễn biến thị trường. Tháng cuối năm 2013, các CTCK đang lập kế hoạch kinh doanh 2014 và không lạ khi hầu hết các bản kế hoạch này đều “biến thiên” theo Index…
Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT CTCK MB (MBS) cho biết, kinh doanh chứng khoán là ngành nghề nhạy cảm, có sự phụ thuộc rất lớn vào yếu tố thị trường. Chính vì vậy, khi xây dựng kế hoạch sơ bộ cho năm 2014, Công ty cũng dựa trên hướng tiếp cận theo diễn biến của các chỉ số chứng khoán và sẽ đưa ra một số phương án để “ứng phó”.
Với niềm tin thị trường sẽ diễn biến theo hướng tốt hơn, MBS đặt mục tiêu trong năm 2014 sẽ tăng trưởng hầu hết các chỉ tiêu như doanh thu tăng 30%, thị phần môi giới tăng từ 15 - 20% và đặc biệt, lợi nhuận sẽ tăng trưởng 100% so với năm 2013, dao động từ 40 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng. Cũng theo ông Thái, hiện tại MBS đã cơ bản hoàn tất quá trình tái cấu trúc lại bộ máy nhân sự và trong năm tới tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh ở hai mảng môi giới và IB (ngân hàng đầu tư).
Cũng với kỳ vọng vào diễn biến sáng sủa của nền kinh tế trong năm 2014, qua đó tác động đến TTCK theo hướng tích cực hơn, CTCK Vietcombank (VCBS) đặt kế hoạch lợi nhuận trong năm tới tăng khoảng 25% so với thực hiện của năm 2013, tương đương với mức trên 110 tỷ đồng.
Một số CTCK như VNDirect, FPTS… cũng kỳ vọng TTCK trong năm 2014 sẽ tốt so với 2013, do vậy các đơn vị này đều đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2014 tăng trưởng trung bình khoảng 20% so với năm nay.
Năm 2013 là năm đầu tiên CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) thử nghiệm đặt kế hoạch kinh doanh theo 3 kịch bản theo hướng tích cực, trung bình và thận trọng dựa theo biến động của chỉ số VN-Index và dự kiến trong năm 2014, SSI tiếp tục dựa vào diễn biến của thị trường làm căn cứ để đặt chỉ tiêu kinh doanh.
Ở góc nhìn có phần thận trọng hơn, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP. HCM (HSC) cho biết, chưa có nhiều yếu tố để khẳng định thị trường năm 2014 sẽ tốt hơn, cũng như chưa có gì đảm bảo giá trị giao dịch chứng khoán tăng mạnh trên sàn thứ cấp.
Theo ông Johan, đối với các CTCK lớn thì doanh thu môi giới không hẳn là nguồn thu nhập chính, bởi trong tổng mức phí giao dịch CTCK thu được thì phải trang trải 80% cho các chi phí liên quan.
Yếu tố chính mang về lợi nhuận cho các CTCK chủ yếu là do các công ty kinh doanh nguồn vốn như thế nào trong tất cả các mảng tự doanh, dịch vụ tài chính. Trong khi đó, hoạt động dịch vụ hỗ trợ tài chính lại chịu ảnh hưởng lớn ở xu hướng lãi suất ngân hàng.
Khi lãi suất ngân hàng đi xuống như thời gian qua, doanh thu của các CTCK từ mảng dịch vụ hỗ trợ tài chính cũng giảm mạnh.
Dù không trông mong nhiều vào thu nhập từ doanh thu phí, nhưng làm sao để thị trường tăng tính thanh khoản, giá trị giao dịch ổn định là một trong những mong mỏi lớn nhất của các CTCK. Trong phạm vi chủ quan, thời gian qua, nhiều công ty cũng đưa ra hàng loạt dịch vụ ưu đãi, giảm phí, hỗ trợ công nghệ… cho giao dịch của nhà đầu tư thông suốt và tiện lợi hơn.
Tuy nhiên, theo HSC, cái gốc để ổn định thanh khoản vẫn là việc cơ quan quản lý sớm ban hành các chính sách, sản phẩm hỗ trợ thị trường như mua bán cùng phiên, sản phẩm ETF…
“Hiện HSC đang cân nhắc để đưa ra mức kế hoạch kinh doanh phù hợp cho năm 2014, song HSC khó kỳ vọng năm 2014 sẽ có lợi nhuận đột phá so với năm 2013”. Ông Johan nói.
Với nhiều CTCK, việc phải bù đắp hết khoản lỗ lũy kế từ những năm trước để lại cũng là một thách thức lớn. Đối với họ, bên cạnh việc đề ra các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận cho “vừa mắt” cổ đông, thì giảm lỗ lũy kế là một gánh nặng không hề nhỏ. Ngay cả những CTCK lớn như BVSC, MBS…, dù vượt chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2013 và đặt mục tiêu tăng trưởng cao trong năm 2014 nhưng vẫn đang “gian nan” để bù hết các khoản lỗ “lịch sử” để lại.
Chưa có nhiều cơ sở để khẳng định TTCK năm 2014 sẽ có những bứt phá, nhưng diễn biến của thị trường càng về cuối năm 2013 càng tạo ra những cơ sở để hy vọng vào một năm mới ổn định hơn. Đó cũng là một trong những yếu tố để các CTCK “tự tin” hơn khi đề xuất phương án kinh doanh cho năm Ngựa sắp tới.
Hải Vân
đầu tư chứng khoán
|