Khổ sở tái định cư
Dù nơi ở mới “bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” nhưng hàng chục ngàn người tái định cư ở các chung cư lại có phần vất vả hơn trong việc làm ăn, sinh hoạt, đi lại, học hành...
Rời khỏi nhà từ 5 giờ và trở về lúc chập tối với gần 20 km từ nơi tái định cư (TĐC) đến chỗ làm và học ở quận 1, TP HCM là hành trình mỗi ngày của mẹ con chị Lê Thị Phấn, hiện ngụ tại lô A2.1 chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh. Vĩnh Lộc B là một trong những chung cư TĐC quy mô lớn nhất của TP HCM.
Khu chung cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM vắng tanh vì người dân bị giải tỏa rất ngại tái định cư ở đây do quá xa.
|
Vất vả đi lại
Trong căn hộ TĐC đã dọn đến ở hơn 1 năm rưỡi nay, bà Mã Kim Hoa, mẹ chị Phấn, cho biết gia đình bà gồm 9 người thuộc diện giải tỏa của dự án Dạ Lữ Viện, phường Cầu Kho, quận 1. Đầu năm 2012, nhận tiền đền bù xong, cả nhà chuyển đến chung cư Vĩnh Lộc B. Chị Phấn làm nghề lắp ráp đồ chơi tại một cơ sở ở quận 4, con chị học Trường THCS Minh Đức tại quận 1.
“Hằng ngày, từ Bình Chánh, mẹ con Phấn phải đến trung tâm TP để đi làm, đi học. Do đường sá xa xôi chịu không thấu, một phần ngại tốn xăng nên 3 tháng nay, 2 mẹ con ở hẳn tại cơ sở làm đồ chơi, cuối tuần mới về nhà” - bà Hoa nói.
Trước đây, khi còn ở khu Dạ Lữ Viện gần chợ Nancy, bà Hoa cùng 2 người chị sống bằng nghề bán hủ tiếu xào và đồ ăn vặt, mỗi ngày kiếm được 200.000-300.000 đồng. “Từ khi về đây, chị em tôi coi như ăn không ngồi rồi. Chúng tôi cũng đã dọ hỏi xem có gia đình nào thuê mướn giặt giũ, lau chùi gì không nhưng chẳng ai có nhu cầu cả” - bà Hoa lo lắng.
Không đủ điều kiện mua nhà TĐC, giữa năm 2010, gia đình ông Quách Kim Châu - có nhà bị giải tỏa thuộc dự án cải tạo rạch Ụ Cây, quận 8 - được bố trí thuê căn hộ chung cư An Sương, quận 12. Ông Châu cũng khổ sở không kém khi hằng ngày phải chạy xe máy gần 15 km về quận 8 để làm công việc bốc xếp. “Vợ tôi giúp việc nhà ở quận 12, còn 2 đứa con thì hằng ngày theo tôi về quận 8 học” - ông cho biết.
Theo Công ty Dịch vụ Công ích quận 8, đơn vị quản lý chung cư An Sương, trong tổng số 175 hộ bị giải tỏa của dự án rạch Ụ Cây được thuê nhà TĐC tại chung cư này, có 99 gia đình cho thuê lại căn hộ hoặc “nhượng quyền” cho thuê. Những hộ còn lại vẫn ở đây nhưng hầu hết phải trở về quận 8 hằng ngày để làm ăn sinh sống.
“Đi đi, về về rất vất vả nhưng nơi ở mới lạ nước lạ cái, không thể kiếm được việc làm. Do vậy, chúng tôi không còn chọn lựa nào khác là duy trì chỗ làm cũ” - ông Châu tâm tư.
Khóc ròng vì ở quá xa
Năm 2010, khu TĐC Vĩnh Lộc B quy mô 30 ha được đưa vào sử dụng với 45 khối chung cư - gần 2.000 căn hộ và 550 nền đất, kinh phí đầu tư xây dựng hơn 1.000 tỉ đồng. Chính quyền TP HCM kỳ vọng khu TĐC này sẽ giải quyết tình trạng “khát” nhà, đất của người dân bị giải tỏa thuộc các dự án trên địa bàn.
Khu TĐC Vĩnh Lộc B được bố trí cho người dân diện giải tỏa từ 13/24 quận - huyện của TP HCM vào ở. Tuy nhiên, sau 3 năm, hiện nhiều khối chung cư của khu TĐC này vẫn vắng bóng người, gần như bỏ trống. Có khối 44 căn hộ nhưng chỉ có 3 gia đình ở. Thống kê mới nhất (tháng 10-2013) của Công ty Dịch vụ Công ích huyện Bình Chánh cho thấy khu TĐC này chỉ có 185 hộ ở trên tổng số 1.347 căn được phân bổ!
Theo ông Mai Xuân Ngơi, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 8, khi nghe tin giải tỏa nhà cửa, câu hỏi đầu tiên của người dân là “tái định cư ở đâu?”. Trong 73 hộ thuộc dự án chống ngập ở phường 7, quận 8 đủ điều kiện TĐC, chỉ có 3 hộ đăng ký đến chung cư Vĩnh Lộc B. Với dự án giải tỏa chung cư sắp sập 765 Bến Bình Đông, phường 14, quận 8, cả 14/14 hộ đều không đồng ý TĐC tại khu này!
“Người dân chê chỗ TĐC quá xa. Thậm chí, có người còn khóc với chúng tôi khi biết nơi TĐC ở tận huyện Bình Chánh” - ông Ngơi băn khoăn. Theo ông, TP nên xem xét bố trí TĐC một cách hợp lý, làm sao cho người dân được gần nơi ở cũ để việc làm ăn của họ và học hành của con em ít xáo trộn nhất.
Tại quận 1, một cán bộ ban bồi thường giải phóng mặt bằng cũng cho biết trong tổng số gần 900 hộ dân ở chung cư Cô Giang thuộc diện phải di dời, có chưa đến 10 hộ đăng ký vào khu TĐC Vĩnh Lộc B vì chê quá xa.
Đối đế lắm mới đưa dân đi xa
Ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, nhìn nhận: “Đúng là người dân có tâm lý muốn TĐC tại chỗ hay kề cận nơi ở cũ. Thời gian qua, TP chưa nghiên cứu kỹ tâm tư này của người dân nên đã sai lầm khi bố trí họ TĐC ở những nơi quá xa”. Ông Tín cho biết sắp tới, UBND TP HCM sẽ xem xét lại công tác bố trí TĐC, đối đế lắm mới đưa người dân đến ở những khu vực quá xa chỗ cũ.
Đề cập việc đền bù, giải tỏa, lãnh đạo nhiều quận nội thành TP HCM đều cho rằng TĐC tại chỗ thì người dân có cuộc sống tốt hơn. Theo UBND quận 3, hầu hết người dân không chọn nhận suất TĐC vì khu TĐC thường xa nơi ở cũ. Di dời đi nơi khác, họ sẽ mất nguồn sinh kế, ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt, học tập của con em. Mặt khác, người dân bị giải tỏa chọn nhận tiền đền bù là để mua nhà gần nơi ở cũ.
Ông Lưu Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận 1, cho biết toàn quận có 2.045 hộ bị di dời thuộc các dự án, trong đó chỉ 355 hộ đăng ký suất TĐC, còn lại nhận tiền để tự lo nơi ở mới. Ngược lại, tại quận 5, đa số người dân bị di dời, giải tỏa đều chọn nhận suất TĐC do quỹ nhà TĐC tại chỗ được chuẩn bị tươm tất với đầy đủ cơ sở hạ tầng.
|
Qúy Hiền
nlđ
|