Hiệp hội công nghiệp ghi âm tiếp tục kêu cứu
Hiệp hội Công nghiệp ghi âm (RIAV) hôm 18-12 tiếp tục gửi văn bản kêu cứu đến các cơ quan chức năng sau khi không đạt được thỏa thuận về bản quyền âm nhạc với hai công ty NCT và 24H.
Người nghe nhạc trực tuyến từ trang web nhaccuatui.com.Ảnh: Hà Vân
|
Theo đó, trong công văn số 59 của hiệp hội này gửi cho Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Cục Bản quyền tác giả cáo buộc rằng trang http:// nhaccuatui.com của Công ty cổ phần NCT và http://nhacvui.vn của Công ty cổ phần Quảng cáo trực tuyến 24H vi phạm bản quyền các bản ghi âm mà hiệp hội này đang nắm quyền sở hữu.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, bà Trương Thị Thu Dung, Phó chủ tịch RIAV, cho biết RIAV đã làm việc với hai công ty này và họ đã cam kết gỡ bỏ các bản ghi âm mà hiệp hội đang sở hữu. Tuy nhiên, thực tế thì số lượng bản ghi âm được gỡ bỏ là rất ít. Cụ thể, Nhaccuatui.com chỉ gỡ bỏ 266/2178 bài vi phạm và website nhacvui.net gỡ 10/ 1252 bài vi phạm.
“Chúng tôi đã làm việc với NCT và 24H để đề nghị hai công ty này phải mua bản quyền ghi âm nhưng họ từ chối với các lý do khác nhau, trong đó có yêu cầu hạ giá bản quyền ghi âm và cho phép mở rộng phạm vi kinh doanh đối với các bài hát thuộc RIAV sở hữu”, bà Dung nói.
Theo bà Dung, RIAV và hai công ty này đã nhiều lần đàm phán nhưng không đi đến kết quả cuối cùng buộc hiệp hội này phải gửi đơn kêu cứu các cơ quan chức năng.
Để rộng đường dư luận, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với ông Nhan Thế Luân, Tổng giám đốc của Công ty cổ phần NCT về việc này.
Ông Luân cho rằng, bản chất của việc mua bản quyền bài hát là thuận mua vừa bán. Năm nay, phía hiệp hội đã đưa ra giá cao gấp đôi so với mọi năm mà không có cơ sở cụ thể để nâng giá và phía NCT không đồng ý với mức giá đó nên không mua.
“Hiện, phía NCT đã gỡ toàn bộ bài hát mà RIAV đang sở hữu và đã báo cáo với RIAV nhưng phía RIAV vẫn cố tình cáo buộc NCT vi phạm. Chúng tôi đang làm việc với các luật sư để sớm đưa vụ việc này ra pháp lý nhằm đòi công bằng cho NCT”, ông Luân nói.
Cũng theo ông Luân, hiện RIAV đã ủy quyền cho Công ty cổ phần VNG kinh doanh bản quyền các bài hát của mình và buộc các trang nhạc trực tuyến phải làm việc với VNG.
“Điều này là hết sức vô lý vì RIAV là hiệp hội thì không có chức năng kinh doanh. Thêm vào đó, phía VNG lại đang sở hữu trang web âm nhạc trực tuyến mp3zing.vn đang cạnh tranh trực tiếp với các website âm nhạc khác và họ đương nhiên đưa ra giá không hợp lý khiến các trang nhạc trực tuyến sẽ phải cân nhắc việc mua bản quyền bài hát mà hiệp hội đang sở hữu hay không”, ông Luân nói.
Trước đó hồi tháng 11, hiệp hội này cũng gửi công văn tố FPT Online, NCT và 24H vi phạm bản quyền các bài hát mà họ đang sở hữu.
Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Khoa, Giám đốc điều hành của FPT Online, đã nói rằng FPT Online đã cùng với một số website nhạc số khác tích cực đàm phán với Công ty VNG. Tuy nhiên do phía VNG đề nghị chi phí không hợp lý, cao hơn so với hợp đồng sử dụng bản ghi được ký kết giữa RIAV và FPT Online trước đây, quá trình đàm phán gặp nhiều khó khăn và các bên chưa đạt được thỏa thuận hợp tác.
“Do đó, đầu tháng 10 năm 2013, FPT Online có thông báo không tiếp tục mua quyền sử dụng bản ghi trên kho nhạc của RIAV với Công ty VNG, đồng thời chủ động tháo bỏ các bài hát theo danh sách RIAV cung cấp cho chúng tôi trước đây trên website www.Nhacso.net”, ông Khoa cho biết.
Hiền Nguyễn
Thời báo kinh tế sài gòn
|