Điều tiết cổ tức doanh nghiệp nhà nước về ngân sách
Chính phủ đã có Nghị định hướng dẫn việc thu ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2013 và 2014. Vẫn có ý kiến cho rằng, cần phân biệt khoản thu lợi nhuận từ phần vốn Nhà nước giao cho doanh nghiệp và khoản thu cổ tức từ phần vốn do doanh nghiệp này đầu tư vào doanh nghiệp khác.
Nghị định 204 vừa được Chính phủ ban hành quy định việc thu ngân sách nhà nước đối với cổ tức được chia năm 2013 và 2014 cho phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần có vốn nhà nước do Bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định của các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Thu nộp ngân sách Trung ương và địa phương
Cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị cho phần vốn nhà nước phát sinh trong năm 2013 và 2014. Bao gồm cả phần cổ tức của các năm trước được chia trong năm và số cổ tức tạm chia theo nghị quyết của đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị.
Chính phủ yêu cầu đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần có trách nhiệm đôn đốc công ty nộp khoản cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp đặt tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chậm nhất 10 ngày kể từ ngày ban hành Nghị quyết của Hội đồng quản trị.
Đối với khoản cổ tức được chia đã nộp SCIC từ 1/1/2013 đến 10/12/2013, SCIC có trách nhiệm nộp vào ngân sách nhà nước trước ngày 15/12/2013. SCIC có trách nhiệm rà soát, phối hợp với các cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần, đôn đốc công ty nộp đầy đủ, kịp thời khoản cổ tức được chia, chuyển vào ngân sách nhà nước chậm nhất không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày thu tiền về Quỹ. Số thu cổ tức nộp ngân sách nhà nước được điều tiết 100% cho ngân sách trung ương.
Đối với lợi nhuận còn lại năm 2013 và 2014 sau khi trích lập các quỹ là phần lợi nhuận sau khi trừ khoản lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế, trích lập các quỹ theo quy định và các quỹ đặc thù khác. Riêng năm 2013 được trừ cả khoản chi từ lợi nhuận sau thuế theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với SCIC, ngoài việc thực hiện thu, nộp vào ngân sách khoản lợi nhuận còn lại theo quy định tại Khoản này có trách nhiệm nộp vào ngân sách khoản lợi nhuận còn lại thu về Quỹ phát sinh trong năm 2013 và 2014 của các công ty TNHH một thành viên độc lập 100% vốn nhà nước do Bộ, ngành, địa phương là đại diện chủ sở hữu.
Các doanh nghiệp có trách nhiệm khai, nộp vào ngân sách nhà nước trước ngày 10/12/2013 số lợi nhuận quy định tại Điểm b Khoản này tạm tính 9 tháng đầu năm 2013. Khi quyết toán năm 2013, nộp số còn lại chậm nhất vào ngày 31/3/2014.
Lợi nhuận nộp ngân sách nhà nước của các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý được điều tiết 100% cho ngân sách Trung ương. Lợi nhuận của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập và quản lý điều tiết 100% cho ngân sách địa phương.
Tăng trách nhiệm đối với phần vốn nhà nước
Theo tính toán của Bộ Tài chính, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, nguồn tiền thu từ phần cổ tức, lợi nhuận của doanh nghiệp nhà nước năm nay chỉ khoảng 6.000 - 6.500 tỷ đồng.
Với động thái mới này của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp sẽ đề xuất việc cần vốn tái cấu trúc doanh nghiệp, mở rộng đầu tư và phát triển kinh doanh để giữ lại khoản phải nộp”, một chuyên gia tài chính nhận xét.
Song, việc nhiều doanh nghiệp nhà nước được hưởng lợi thế kinh doanh, tận dụng nguồn vốn lớn của nhà nước nhưng không có nghĩa vụ nộp ngân sách từ phần vốn này là không công bằng. Đây cũng là cách thức buộc doanh nghiệp phải tính toán các phương án kinh doanh hợp lý hơn.
Ông Peter Nelson, chuyên gia tư vấn chính sách của Bộ Tài chính cho rằng, vấn đề chính về doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam là chưa có trách nhiệm cuối cùng về lợi nhuận. Các doanh nghiệp nhà nước có thể là tài sản nhà nước nhưng lại được chỉ đạo bởi các Bộ khác và các quan chức cấp tỉnh nên không thể bắt ai thực sự đứng ra chịu trách nhiệm giải trình toàn bộ.
Do đó, ông Peter đề xuất việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước cần được thực hiện với trọng tâm là tăng trách nhiệm giải trình và sắp xếp chính sách cổ tức phù hợp.
Với nhiều năm tham gia quản lý doanh nghiệp nhà nước, ông Phạm Đình Soạn, nguyên Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng, cần có một chế độ phân phối lợi nhuận riêng áp dụng cho các tổng công ty, tập đoàn, kể cả ở SCIC được Nhà nước giao vốn. Cần có sự phân biệt Nhà nước, cơ quan hành chính, cấp vốn cho tổng công ty, tập đoàn, còn được gọi là giao vốn và được thu một khoản lợi nhuận thông qua chế độ phân phối lợi nhuận ngoài việc thu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Việc thu lợi nhuận này không nên gọi là thu cổ tức để phân biệt với trường hợp thu cổ tức do các tập đoàn, tổng công ty (công ty mẹ) đầu tư vào các công ty con. Khoản thu này phụ thuộc vào số vốn nhà nước đã giao cho doanh nghiệp và kết quả hoạt động của doanh nghiệp.
Các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước dùng vốn Nhà nước đầu tư vào các doanh nghiệp khác thì gọi là đầu tư vốn và được thu cổ tức trên số vốn đã đầu tư vào doanh nghiệp. “Bản chất hai khoản thu này là khác nhau thể hiện hai mối quan hệ khác nhau. Nhà nước với doanh nghiệp và doanh nghiệp với doanh nghiệp”, ông Soạn nói.
Mai Khanh
TBKTVN
|