Thứ Hai, 02/12/2013 18:05

Dự thảo Thông tư quy định điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh

Cho phép vay nước ngoài bằng VNĐ

Ngân hàng Nhà nước công bố Dự thảo Thông tư về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh quy định việc vay nước ngoài thực hiện bằng ngoại tệ, chỉ được thực hiện bằng đồng Việt Nam trong một số trường hợp đặc thù.

Về cơ bản, các quy định điều kiện vay nước ngoài này đã được các Bộ, ngành, các thành viên Chính phủ thông qua trong quá trình xây dựng dự thảo, tại Thông tư hướng dẫn của NHNN chỉ bổ sung thêm một số nội dung cần thiết mang tính chất kỹ thuật phù hợp với các nội dung được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:

- Về phạm vi điều chỉnh: Thông tư tập trung quy định các điều kiện về vay nước ngoài của Người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.

Thông tư này sẽ không áp dụng đối với: (i) hoạt động vay nước ngoài thông qua hình thức phát hành trái phiếu quốc tế (do hình thức này có Nghị định riêng và các văn bản hướng dẫn Nghị định); và (ii) Các khoản vay nước ngoài phát sinh từ hoạt động bán khoản nợ trong nước cho người không cư (do hoạt động này có tính chất đặc thù, sẽ được NHNN hướng dẫn thực hiên riêng)

- Về đối tượng áp dụng: Các bên đi vay nước ngoài tự vay, tự trả theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Pháp lệnh Ngoại hối sửa đổi.

2. Về các điều kiện đối với các khoản vay nước ngoài tự vay, tự trả:

Hiện tại, điều kiện vay nước ngoài hiện đang được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 09/2004/TT-NHNN ngày 21/12/2004 của NHNN hướng dẫn việc vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp (Thông tư 09).

Điều kiện vay nước ngoài tại Dự thảo Thông tư được chia làm hai loại chính: (i) Điều kiện chung - áp dụng cho mọi khoản vay nước ngoài của mọi đối tượng vay nước ngoài; và (ii) Điều kiện bổ sung - áp dụng thêm cho từng đối tượng đi vay nước ngoài. Cụ thể như sau:

A/ Các điều kiện chung:

Điều kiện chung quy định từ Điều 5 đến Điều 8 Dự thảo Thông tư. So với Thông tư 09, một số nội dung mới đối với các điều kiện vay nước ngoài như sau:

1. Điều kiện về mục đích vay nước ngoài (Điều 5)

Quy định tại Thông tư 09: doanh nghiệp chỉ được vay nước ngoài phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh của chính doanh nghiệp

Dự thảo Thông tư: bổ sung thêm quy định cho phép các Bên đi vay vay trung, dài hạn nước ngoài phục vụ dự án của doanh nghiệp mà Bên đi vay tham gia góp vốn đầu tư trực tiếp với giới hạn mức vay tương ứng với tỷ lệ góp vốn của Bên đi vay trong doanh nghiệp mà Bên đi vay tham gia góp vốn.

Quy định này được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế khi Công ty con chưa đủ uy tín vay nước ngoài; công ty mẹ đứng ra vay nước ngoài để hỗ trợ vốn cho công ty con (hình thức cho vay cổ đông khá phổ biến đặc biệt tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài). Trong trường hợp này, giới hạn mức vay của Bên đi vay trên tổng kim ngạch vay phục vụ phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư đó tối đa không vượt quá tỷ lệ góp vốn của Bên đi vay trong doanh nghiệp mà Bên đi vay tham gia góp vốn.

2. Điều kiện về đồng tiền vay (Điều 8 )

Đây là nội dung mới được bổ sung nhằm có cơ sở xem xét, xử lý các trường hợp phát sinh nhu cầu vay VNĐ từ người không cư trú trong thời gian qua. Trong quá trình xây dựng Nghị định quản lý nợ nước ngoài tự vay tự trả nói trên, việc vay nước ngoài bằng VNĐ được dự kiến thực hiện theo quy định của NHNN trong từng thời kỳ. Do đó, tại Thông tư này, NHNN quy định cụ thể phạm vi cho phép vay nước ngoài bằng VNĐ. Đây là điểm mới mà tại Thông tư 09 chưa có quy định.

Dự thảo thông tư quy định việc vay nước ngoài thực hiện bằng ngoại tệ, chỉ được thực hiện bằng đồng Việt Nam trong một số trường hợp đặc thù: (i) Bên đi vay là tổ chức tài chính vi mô; và (ii) Các trường hợp khác khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Về nguyên tắc, vay nước ngoài là các khoản vay được thực hiện bằng ngoại tệ, đáp ứng nhu cầu vốn vay bằng ngoại tệ của doanh nghiệp. Tuy nhiên, có một số trường hợp vay có tính chất đặc thù như các dự án của tổ chức tài chính vi mô nhằm đáp ứng nhu cầu của các hộ cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp rất nhỏ nhu cầu vay bằng VNĐ nên cần có quy định này để có cơ sở xem xét, xử lý khi phát sinh.

3. Các điều kiện khác (Điều 9)

Tại Thông tư 09 (Điều 14 và Điều 18.b), Doanh nghiệp vay nước ngoài ngắn, trung, dài hạn phải tuân thủ quy định của NHNN trong từng thời kỳ.

Tương tự như vậy, ngoài các điều kiện chung như được nêu trên, tại Dự thảo Thông tư (Điều 9) quy định: “Khi cần thiết, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan có liên quan quy định bổ sung các điều kiện về lãi suất, chi phí, quy định về thu xếp ngoại tệ của doanh nghiệp vay và các điều kiện khác phù hợp với chủ trương, mục tiêu quản lý nợ nước ngoài của quốc gia và các cân đối vĩ mô của nền kinh tế.”.

Quy định điều kiện chi tiết đối với các khoản vay ngắn, trung, dài hạn nước ngoài sẽ được Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan ban hành bổ sung trong các trường hợp cần thiết nhằm quản lý hoạt động vay nước ngoài của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu quản lý nợ nước ngoài của quốc gia nói chung, chính sách quản lý ngoại hối và phù hợp với các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, đảm bảo duy trì các tỷ lệ nợ an toàn.

Nguyên tắc NHNN quy định các điều kiện chi tiết một cách linh hoạt trong từng thời kỳ phù hợp với quy định tại PLNH sửa đổi và cũng đã được các Bộ, ngành, các thành viên Chính phủ thông qua trong quá trình xây dựng Nghị định quản lý nợ nước ngoài tự vay tự trả nêu trên.

B/ Các điều kiện bổ sung (ngoài điều kiện chung nêu ở phần trên):

1. Đối với vay ngắn hạn nước ngoài (Điều 10)

Tương tự như Thông tư 09, Dự thảo Thông tư quy định mục đích vay nước ngoài ngắn hạn để bổ sung vốn lưu động, không được sử dụng cho các mục đích sử dụng vốn trung, dài hạn.

2. Đối với vay nước ngoài trung, dài hạn

Đối với hoạt động vay nước ngoài trung, dài hạn, điều kiện bổ sung được quy định theo từng đối tượng bên đi vay, cụ thể:

2.1. Đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Điều 11 Khoản 1):

Thông tư 09 không có quy định này. Trên cơ sở quy định tại Luật TCTD năm 2010, quy định này được bổ sung nhằm đảm bảo việc vay nước ngoài của các TCTD, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải đảm bảo tuân thủ các quy định về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng trừ hai trường hợp sau:

(i) Việc chưa tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về các tỷ lệ đảm bảo an toàn đã được Thủ tướng Chính phủ hoặc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận theo quy định của pháp luật.

(ii) Khoản vay đủ điều kiện theo quy định được tính vào vốn cấp hai của tổ chức tín dụng và việc thực hiện khoản vay giúp tổ chức tín dụng đáp ứng các quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn.

Điều kiện này tương tự quy định tại Thông tư 18/2011/TT-NHNN về vay trung, dài hạn nước ngoài của NHTM là DNNN.

2.2. Đối với các doanh nghiệp nhà nước (Điều 11 Khoản 2)

Thông tư 09 quy định các doanh nghiệp nhà nước khi vay nước ngoài phải được NHNN tham gia ý kiến bằng văn bản trước khi ký hợp đồng vay. Yêu cầu này được bãi bỏ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 134/2005/NĐ-CP theo đó không yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải đi xin ý kiến của NHNN trước khi ký hợp đồng vay nước ngoài.

Ngày 15/11/2012, Chính phủ ban hành Nghị định 99 quy định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, theo đó, khoản vay trung, dài hạn nước ngoài của các Doanh nghiệp Nhà nước phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, thẩm định và chấp thuận.

Trên cơ sở các quy định tại Nghị định 99, dự thảo Thông tư quy định:

”Khoản vay trung, dài hạn nước ngoài của các Doanh nghiệp Nhà nước phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, thẩm định và chấp thuận theo quy định của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp”.

Quy định này sẽ thay thế nội dung quy định điều kiện vay đối với doanh nghiệp nhà nước tại Điều 18 Điểm e Thông tư 09 hiện tại.

2.3. Đối với các doanh nghiệp đi vay nước ngoài mà dự án sử dụng vốn vay nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư (Điều 11 Khoản 3)

Quy định về giới hạn vốn được vay (cả trong và ngoài nước) tương tự quy định tại Thông tư 09, có được chỉnh sửa đối tượng là mọi loại hình doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Tại dự thảo Thông tư, quy định về giới hạn vốn vay được áp dụng chung với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) và doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Quy định này xuất phát trên cơ sở quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 108/2006/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư, quy định về việc đăng ký đầu tư áp dụng chung cho cả doanh nghiệp Việt Nam và DN FDI phụ thuộc vào quy mô, tính chất, lĩnh vực đầu tư. Do đó, trường hợp doanh nghiệp Việt Nam sử dụng vốn vay nước ngoài phục vụ dự án đầu tư đã được cơ quan quản lý về đầu tư cấp giấy chứng nhận đầu tư, nguyên tắc giới hạn vốn vay được áp dụng tương tự như các DN FDI. Thông thường, Giấy chứng nhận đầu tư do các cơ quan quản lý về đầu tư cấp quy định rõ tổng vốn đầu tư và vốn góp của dự án, qua đó, có thể xác định được giới hạn vốn được vay tối đa tại một thời điểm của doanh nghiệp (là phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư tại giấy chứng nhận đầu tư của dự án với số vốn góp đã thực hiện tại thời điểm đó).

Trên cơ sở đó, Dự thảo Thông tư quy định đối với các đối tương này là: (i) Giới hạn vốn được vay tối đa tại một thời điểm của doanh nghiệp để thực hiện dự án là phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư tại giấy chứng nhận đầu tư của dự án với số vốn góp đã thực hiện tại thời điểm đó; và (ii) Số dư nợ trung, dài hạn (gồm cả dư nợ vay trong nước) của doanh nghiệp phục vụ cho dự án đó phải nằm trong giới hạn vốn được vay.

2.4. Đối với các doanh nghiệp đi vay nước ngoài mà dự án sử dụng vốn vay nước ngoài không thuộc đối tượng được cấp giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp cần đáp ứng các quy định về điều kiện chung tại Thông tư này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

sbv

Các tin tức khác

>   Ban hành Thông tư về phân loại tài sản có của VDB (02/12/2013)

>   VietinBank dẫn đầu ngành về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (02/12/2013)

>   Lợi nhuận của NHTM năm 2013: Không "quá tệ" (02/12/2013)

>   Nợ xấu và điều bất ngờ ở Quảng Bình (02/12/2013)

>   Lo mất việc ở ngân hàng (02/12/2013)

>   Làm thế nào cho vay được 50.000 tỉ đồng trong tháng 12? (02/12/2013)

>   CEO VPBank nói gì về việc OCBC rút vốn? (01/12/2013)

>   Ngân hàng dẫn đầu nguồn cung văn phòng mới tại TPHCM (01/12/2013)

>   Tuần 25-28/11: NHNN bơm ra 6.828 tỷ đồng (30/11/2013)

>   Chạy đua nước rút tăng tín dụng (30/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật