Chính sách tiền tệ 2014: Liệu cơm gắp mắm
Dù còn nhiều tranh luận, phải khách quan thừa nhận 2013 là năm chính sách tiền tệ được điều hành tương đối thành công khi thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện; lãi suất về mức thấp; tỷ giá ổn định và niềm tin vào tiền đồng được duy trì; sức nóng của vàng lắng xuống. Còn lại những băn khoăn đâu đó là vấn đề sở hữu chéo và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình.
|
Trong cuộc trao đổi với TBKTSG vào dịp cuối năm lần này, ngoài việc đề cập đến định hướng chính sách tiền tệ năm tới, Thống dốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã thẳng thán mổ xẻ câu chuyện sở hữu chéo, ông nói:
- Tái cơ cấu ngân hàng không thể chậm trễ, nhưng cũng không thể làm căng, nếu không, già néo đứt dây. Chúng ta muốn làm nhanh cũng không được, mà phải làm chắc chắn. Năm 2014 sẽ tiếp tục củng cố những ngân hàng yếu kém. Những ngân hàng không được khỏe, nhưng trên mức yếu kém, sẽ được gia cố thêm một bước. NHNN sẽ ban hành cơ chế mới để về cơ bản năm 2015 hệ thống ngân hàng trở nên lành mạnh.
TBKTSG: Thưa Thống đốc, dư luận mong muốn được biết bao giờ vấn đề sở hữu chéo sẽ được giải quyết rốt ráo?
- Thống đốc NGUYỄN VĂN BÌNH: Sở hữu chéo không phát sinh mới đây. Từ khi thành lập các ngân hàng cổ phần, đã có sở hữu chéo rồi. Vấn đề là ở chỗ sở hữu chéo làm lũng đoạn, khiến tính chất ảo trong hoạt động ngân hàng tăng lên, thì phải chống. Anh nào với sở hữu chéo tạo ra đòn bẩy tài chính, gây thực lực tài chính ảo, phải xử lý ngay.
Sở hữu chéo bây giờ chúng ta phát hiện ra hết cả, tuy nhiên có xử lý ngay được đâu. Thí dụ ngân hàng A sở hữu 10% ngân hàng B, muốn bán lắm nhưng ai mua? Trong lúc thị trường thế này, người bán nhiều, người mua ít. Người mua ở đây phải là người có tiềm lực tài chính lành mạnh, nếu không nó lại tạo ra sở hữu chéo mới.
Hiện nay người thực sự có khả năng tài chính, có tiền nhàn rỗi thật, không vay mượn, khó tìm. Cho nên xử lý ngay sở hữu chéo theo mệnh lệnh hành chính sẽ không giải quyết được gốc rễ vấn đề.
TBKTSG: Có ý kiến rằng cơ quan chức năng loay hoay với sở hữu chéo do các mâu thuẫn lợi ích...
- Nhận diện, phát hiện sở hữu chéo, khoanh vùng lại, áp dụng các biện pháp xử lý thích hợp để nó không gây phát sinh thêm, tháo gỡ theo lộ trình thích hợp để nó không lộng hành nữa là bước một mà NHNN hiện đang tiến hành.
TBKTSG: Trong thời điểm khó tìm người mua trong nước như ông nói, vì sao chúng ta chưa nâng room để gọi vốn đầu tư nước ngoài?
- Ngân hàng nhạy cảm hơn các tổ chức kinh tế khác cả về tính chất và quy mô hoạt động. Nếu nóng vội, làm ngay, mời nước ngoài vào ào ào, có thể chúng ta sẽ làm mất vị thế của các nhà đầu tư nội. Còn nếu không làm, có khả năng vuột mất cơ hội vượt qua khó khăn. Mở room lên 49% cái rụp, kêu gọi nước ngoài vào, họ có thể sở hữu ngân hàng với giá rẻ, trong khi các nhà đầu tư nội cũng muốn làm, song vì khó khăn tạm thời chưa làm được. Mai đây kinh tế phục hồi, các nhà đầu tư trong nước muốn tham gia ngân hàng, phải mua lại của nước ngoài. Như thế là làm nhà đầu tư Việt Nam thiệt hại.
Ở góc độ khác phải thấy rằng trong bối cảnh nhà đầu tư nội cạn kiệt tài chính như thế, nếu không cho nước ngoài vào để họ gánh đỡ những khâu xung yếu, thì không giải quyết được. Phải có tiền tươi thóc thật vào đây.
TBKTSG: Cho đến nay thị trường vẫn chưa nhìn thấy tiền tươi thóc thật của nước ngoài rót vào ngân hàng?
- Theo Đề án 254 về tái cơ cấu ngân hàng được Chính phủ phê duyệt, Chính phủ có thể xem xét cho nước ngoài tăng sở hữu tại một tổ chức tín dụng cao hơn so với quy định hiện hành. Chúng ta đang trong quá trình cho phép tập đoàn UOB của Singapore tham gia vào Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank). Họ đang làm khảo sát thực tế tại đây (due diligence).
TBKTSG: UOB hiện đang là đối tác chiến lược của Ngân hàng TMCP Phương Nam. Luật của chúng ta không cho phép một tổ chức nưóc ngoài được tham gia vào hai ngăn hàng nội địa?
- UOB có thể mua 100% cổ phần của GPBank và GPBank có thể chuyển đổi thành chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài.
TBKTSG: GPBank đang rất khó khăn, nợ xấu cao, vốn chủ sở hữu bị ảnh hưởng. Nếu Thống đốc là nhà đầu tư, ông có bỏ tiền vào GPBank không?
- Nhà đầu tư trường vốn nên mua. Nói GPBank xấu là xấu dưới góc độ thanh khoản, còn nó vẫn là tài sản. Chỉ cần trường vốn, người mua sẽ duy trì được và đến lúc nào đó họ có thể khôi phục lại.
TBKTSG: Phải chăng nước ngoài chỉ mua giấy phép ngân hàng?
- Nước ngoài khác người Việt, họ thực dụng hơn. Chi hàng ngàn tỉ đồng để mua một cái giấy phép thì chẳng tổ chức nào bỏ ra cả. Họ phải thấy có thể làm được gì ở đây thì họ mới đầu tư. Họ tính toán kỹ lắm, làm due diligence cả bốn tháng nay, đánh giá từng khoản tín dụng một.
TBKTSG: Thưa Thống đốc còn Ngân hàng TMCP Phương Nam thì sao? Liệu cách thức tái cơ cấu Phương Nam có khác với GPBank?
- Chúng tôi cho Phương Nam tự xây dựng phương án tái cơ cấu, và họ chưa trình phương án cụ thể, nên chưa thể nói theo cách thức nào. Bản chất vấn đề của Phương Nam cũng là thanh khoản. Ở đây, chẳng qua là đầu tư vào bất động sản quá nhiều, mà nhà đất đang đóng băng, nên dòng tiền khó khăn. Thực tế, nếu ai có tiền dài hơi, vẫn tham gia tái cơ cấu được.
TBKTSG: Như nhận định của Thống đốc, ngân hàng của mình hóa ra “ngon” hết, chỉ cần trường vốn, mua là sẽ có cơ hội?
- Cơ bản các ngân hàng không cân đối mới là đáng sợ. Anh có khoản nào đó, anh chi tiêu và bị mất đi rồi, tức là mất cân đối. Nếu tiền và hàng còn cân đối, có được nhà đầu tư, ngân hàng sẽ “sống” lại.
TBKTSG: Về điều hành tiền tệ, các doanh nghiệp cũng như người dân đang chờ đợi các định hướng chính sách của NHNN?
- Điểm căn bản của nền kinh tế hiện không nằm ở thị trường tiền tệ, mà nằm ở tài khóa, do đó phải có sự phối hợp khéo léo giữa hai lĩnh vực. Riêng chính sách tiền tệ không thôi, 2014 cũng sẽ là một năm ổn định.
Vừa rồi, Quốc hội đã thông qua bội chi ngân sách 5.3%. Chính cái này sẽ làm co kéo thị trường tài chính nói chung, tiền tệ nói riêng. Nếu không giải quyết hài hòa mối quan hệ tiền tệ-tài khóa, nó sẽ làm xô lệch thị trường tiền tệ. Đây là điểm đáng lưu ý nhất.
TBKTSG: Quốc hội đã ra nghị quyết, vẫn lấy kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô là số 1. Vậy chính sách tiền tệ sẽ xoay quanh mục tiêu này?
- Trên nền tảng nghị quyết Quốc hội, chúng ta sẽ liệu cơm gắp mắm, làm sao chính sách tiền tệ phải đảm bảo được mục tiêu lớn nhất như thế. Bên cạnh đó, có thể có sự hỗ trợ nhất định cho ngân sách ở mức độ phù hợp để không làm xô lệch các cân đối vĩ mô.
- TBKTSG: Liệu hỗ trợ ngân sách có thể hiểu là NHNN cung ứng tiền cho ngân sách chi tiêu?
- NHNN đang hút bớt tiền về thông qua phát hành tín phiếu. Hiện thanh khoản của các tổ chức tín dụng đã được cải thiện. Tiền tạm thời dư thừa, họ có thể mua trái phiếu chính phủ. Tiền NHNN nếu có phát hành ra sẽ rất ngắn hạn, về cơ bản dưới một năm, nhưng đến nay chỉ có sáu tháng, trong khi kỳ hạn trái phiếu chính phủ 2-3-5 đến 10 năm. Tôi khẳng định không có chuyện NHNN phát hành tiền cho ngân sách chi tiêu.
Hơn nữa các ngân hàng phải cân đối các chi tiêu an toàn tài chính. Họ chỉ dành một tỷ lệ vốn nhất định nào đó đầu tư vào giấy tờ có giá, trong đó có trái phiếu chính phủ.
TBKTSG: Gần đây có những tranh luận thường xuyên về hiện tượng thừa tiền thiếu vốn cả trong ngân hàng lẫn nền kinh tế...
- Đây là vấn đề bình thường của các tổ chức tín dụng. Những ngân hàng lành mạnh trên thế giới có 100 đồng, chỉ cho vay 40 đồng. Khoảng 40% lợi nhuận của họ từ tín dụng và 60% từ dịch vụ. Ở ta hệ số sử dụng vốn (cho vay trên huy động) của hệ thống ngân hàng tới 85-90% là quá cao. Không thể nói thừa tiền thiếu vốn được. Phần huy động còn lại của các ngân hàng là dùng đảm bảo thanh khoản và phục vụ hoạt động khác như thanh toán.
Người ta nói thừa tiền là thừa theo nghĩa trước năm 2011 thanh khoản ngân hàng căng thẳng, hệ số sử dụng vốn trên 100%. Hiện nay, an toàn là hệ số sử dụng vốn phải dưới 70%, phải thừa ra 30%. Ngoài đảm bảo thanh khoản, đáp ứng các dịch vụ khác, 30% này tạo điều kiện cho ngân hàng đầu tư vào giấy tờ có giá, thúc đẩy thị trường vốn phát triển. Có bao nhiêu tiền “ném” hết vào tín dụng, làm sao đảm bảo an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng?
TBKTSG: Năm tới NHNN dự tính lạm phát sẽ như thế nào?
- Lạm phát năm 2014 tối đa dự kiến 6.5-7%, tăng trưởng GDP 5.8%.
TBKTSG: Đầu năm nay trả lời phỏng vấn TBKTSG, ông nói tăng trưởng được Chính phủ đặt ra 5.5%, nhưng NHNN cố gắng 6%. Thực tế tăng trưởng có thể chỉ đạt 5.3-5.4%. Năm tới dự kiến 5.8% liệu có quá cao?
- Không quá cao. Năm 2013 về điều hành có chậm một nhịp. Giả sử bội chi ngân sách được duyệt ngay từ đầu năm, thì tăng trưởng 5.5%, chứ 6% cũng có khả năng đạt được. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, tín dụng không ra được, đòi hỏi phải có sự điều tiết của ngân sách. Nếu lúc này ngân sách đưa tiền ra, nền kinh tế được khởi động. Nhưng chúng ta đưa ra muộn quá. Nếu ngân sách đưa ra ngay từ đầu năm, đầu tư toàn xã hội sẽ tăng lên. Sức của nền kinh tế bao nhiêu, tín dụng ra bấy nhiêu, không thể ép tăng trưởng tín dụng. Ép là sẽ ngay lập tức nợ xấu, không hiệu quả.
Để duy trì một mức tăng trưởng đã định sẵn, khi nhận thấy đầu tư tín dụng không đáp ứng được, phải tăng đầu tư ngân sách lên. Nếu mức bội chi ngân sách được duyệt, thí dụ từ tháng 4-2013, tăng trưởng kinh tế có thể được 6%.
TBKTSG: Có thể hy vọng năm tới kinh tế tăng trưởng ngay từ đầu năm vì bội chi đã được thông qua?
- Chính phủ có kế hoạch phát hành trái phiếu ngay từ đầu năm để đầu tư vào các công trình, dự án trọng điểm. Thông thường thanh khoản của nền kinh tế có tính chu kỳ. Quí 1 nghỉ Tết, mọi hoạt động đều chậm lại. Quí 2 là quan trọng, và phụ thuộc vào yếu tố: nếu có các tín hiệu tích cực từ quốc tế và trong nước, mới tính đến việc trái phiếu chính phủ phát hành nhiều ít. Trong trường hợp tăng trưởng tín dụng tốt, thì không cần phát hành trái phiếu nhiều, vì bản thân nền kinh tế có thể tự điều chỉnh. Nếu tín dụng yếu hoặc vừa phải, cần tăng cường đầu tư thông qua ngân sách.
Tăng trưởng tín dụng 12-14% là hợp lý cho các chỉ tiêu vĩ mô của năm sau.
TBKTSG: Cho đến giờ mức tăng trưởng tín dụng 12% đang xa vời, mà năm 2014 còn cao hơn?
- Năm nay tín dụng ở mức 9-10% là hợp lý vì lạm phát định hướng 7%, nhưng thực tế có thể chi 6%, tăng trưởng cũng thấp hơn. Định hướng tín dụng 12% là phù hợp với chi tiêu ban đầu. Khi các chi tiêu biến động, tín dụng không thể cao.
TBKTSG: Còn tỷ giá?
- Ổn định nhưng không cố định, biến động 1-2%. Nét đặc biệt của năm nay là cán cân vãng lai lúc nào cũng thặng dư 2.5-3 tỷ đô la Mỹ. Giá trị tiền đồng được tin tưởng phần nào, dự trữ ngoại hối tăng đáng kể. Tỷ giá hoàn toàn trong tầm kiểm soát của NHNN.
TBKTSG: Trần lãi suất sẽ được gỡ bỏ, thưa Thông đốc?
- Trần lãi suất chỉ áp dụng cho kỳ hạn ngắn dưới sáu tháng, trên sáu tháng là tự do rồi. Trần lãi suất neo tâm lý lạm phát, nó chỉ ra chính sách tiền tệ được điều hành theo lạm phát mục tiêu.
Hải Lý thực hiện
tbktsg
|