Bộ Tài chính chưa giảm thuế nhập khẩu gas
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá bán gas trên thị trường trong nước được xác lập trên cơ sở giá thế giới, nếu cố định các yếu tố đầu vào khác, khi giá thế giới tăng hoặc giảm sẽ làm cho giá gas trong nước tăng/giảm ở mức tương ứng.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, các doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng đầu mối phải thực hiện kê khai giá về Bộ Tài chính trước khi điều chỉnh tăng hoặc giảm giá. Căn cứ các hồ sơ này, cơ quan quản lý giá thực hiện kiểm tra chặt chẽ theo đúng quy trình và trình tự thủ tục quy định. Về cơ bản, mức điều chỉnh gas của các doanh nghiệp này cơ bản phù hợp với diễn biến giá thị trường thế giới, có tăng, có giảm. Giá gas trên thị trường thế giới tháng 12-2013 tăng cao so với tháng 11-2013 khoảng 30% (mức tăng 267,5 USD/tấn).
Theo tính toán sơ bộ và hồ sơ kê khai giá của 5 doanh nghiệp kinh doanh khí hóa lỏng đầu mối, nếu cố định các yếu tố đầu vào khác thì tác động tăng của giá thế giới sẽ làm tăng giá bán gas trong nước bình quân khoảng 80.000 đồng/bình 12kg, mức tăng này về cơ bản phù hợp với diễn biến tăng giá trên thị trường thế giới.
Ông Tuấn cho rằng giá gas bán lẻ trong nước vừa qua tăng được xem là bình thường. Theo các thông số hiện nay, trước mắt, Bộ Tài chính đề nghị vẫn giữ nguyên thuế suất thuế nhập khẩu gas hiện hành là 5% mà không giảm thuế nhập khẩu xuống 0% theo đề nghị của Hiệp hội Gas Việt Nam.
“Việc điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu gas cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố, gồm yếu tố cung cầu của thị trường, điều kiện sản xuất kinh doanh, chỉ số giá tiêu dùng, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của nhà nước. Trường hợp giá thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến tăng cao, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị Chính phủ sử dụng biện pháp bình ổn giá phù hợp theo quy định hiện hành đối với quản lý nhà nước về giá” - ông Tuấn cho biết.
Hàm Yên
SGGP
|