2014 và “tâm điểm nợ công”
Tiếp tục cuộc trò chuyện với VnEconomy, bàn sâu hơn về một trong hai “hàn thử biểu” phản ánh thần thái “cầm cự” của nền kinh tế, TS. Trịnh Quang Anh cho rằng nợ công sẽ là tâm điểm của nhiều cuộc tranh luận về an ninh tài chính quốc gia trong năm 2014.
Gánh nặng trả nợ trong 10 năm qua, đơn vị: nghìn tỷ đồng
|
Bởi con số thực của nợ công là bao nhiêu, đâu là ngưỡng an toàn vẫn là câu hỏi ngỏ.
Các quan chức Chính phủ luôn khẳng định là nợ công vẫn ở giới hạn an toàn. Đại biểu Quốc hội thì băn khoăn lo lắng đòi hỏi con số thực và niềm tin thực về một ngưỡng an toàn thực. Còn ở ngay hội thảo phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành kinh tế vĩ mô giai đoạn 2014-2015 vừa qua thì nhiều vị cũng đã cảnh báo nguy cơ vỡ nợ rồi. Cũng tại đó, ông là vị diễn giả đầu tiên đăng đàn và lên tiếng cảnh báo về “mối nguy” nợ công. Vậy theo ông ở Việt Nam, hai từ “vỡ nợ” có còn quá nhạy cảm khi bàn về nợ công hay không?
Theo con số mới nhất thì thu ngân sách nhà nước năm 2013 đã đạt dự toán chứ không hụt quá lớn như ước tính khi báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ sáu. Nhưng một thực tế không thể phủ nhận là thâm hụt ngân sách đã kéo dài, tích tụ ngày càng lớn và con số “bù” để đạt dự toán đó cũng không phải là khoản thực thu của nền kinh tế. Khu vực sản xuất kinh doanh chưa có cải thiện hoặc cải thiện không căn cơ thì ngân sách vẫn là yếu kém, cái đó phản ánh vào nợ công. Vẫn phải ra sức đi vay thì nợ công vẫn dềnh lên.
Ở hội thảo đó một số vị chuyên gia cũng nhấn mạnh là phải soi vào câu chuyện sử dụng nợ thế nào, vì nếu sử dụng tốt mới có nguồn để trả nợ và trả lãi. Hiệu quả sử dụng nợ thì tôi cũng chưa đủ thông tin để khẳng định, nhưng thất thoát lãng phí trong sử dụng vốn thì nói như Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là “sờ vào đâu cũng thấy”. Nên nếu chỉ bằng điều chỉnh đầu tư công thì kết quả vẫn phải chờ dăm ba năm nữa chứ chưa phải bây giờ.
Do đó, theo tôi, nợ công vẫn đang trong đà xấu và áp lực cân bằng lại ngân sách nhà nước ngày một lớn lên khi kỳ hạn cho vay ngày càng ngắn lại, lãi suất thì dự báo là sẽ tăng. 2014 áp lực trả nợ gốc chỉ khoảng 70 ngàn tỷ, nhưng 2015 đáo hạn khối lượng rất lớn, khoảng 120 ngàn tỷ, thì áp lực phải đảo nợ lại càng lớn. Và vẫn phải nhắc lại quan điểm của nhiều chuyên gia là quan trọng nhất không phải là nợ bao nhiêu mà là nguồn thu để trang trải nợ trong tương lai vẫn chưa nhìn thấy.
Một bất cập nữa cũng không thể không nói liên quan đến vay nợ nước ngoài thể hiện ở trái phiếu quốc tế. Thị trường tài chính quốc tế văn minh có chỉ số CDS để đo lường mức độ rủi ro của trái phiếu đó, tức là độ tín nhiệm với chính phủ phát hành ra nó, nhưng ở trong nước thì tuyệt nhiên không, luôn mặc định rằng không có rủi ro.
Bạn có nhắc đến hai chữ “vỡ nợ”, về mặt kỹ thuật thì khi người vay mất khả năng thanh toán (không phải là thanh khoản do bị lệch dòng tiền), phải đi vay nợ mới trả nợ cũ thì là vỡ nợ.
Nhưng điều này chỉ rạch ròi ở những nước mà ngân hàng trung ương tuyệt đối không được phát hành tiền cho chi tiêu chính phủ thôi. Còn nếu dựa vào ngân hàng trung ương, dù gián tiếp, để phát hành mới xử lý nợ nần thì đó chính là “câu giờ”, chờ mấy năm nữa “thuế lạm phát” sẽ bào mòn đi gánh nặng nợ. Và biết đâu một ngày đẹp trời mọi thứ tốt lên và ta lại có cơ trả nợ.
Tôi xin nhắc lại khái niệm vỡ nợ về mặt kỹ thuật rất đơn giản là chênh lệch âm giữa bên tài sản có và tài sản nợ nó đánh thủng hết vốn tự có của anh, chỉ có điều ở Việt Nam thì khó làm rõ trắng đen của vấn đề này bạn ạ.
Nói như vậy thì xác định con số thực của nợ công là quá khó ư, thưa ông?
Lại phải trở lại vấn đề mang tính kỹ thuật. Theo Luật Quản lý nợ công thì nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Nhưng liệu ba khoản đó đã đủ hết chưa, vì nhiều chuyên gia cũng đã chỉ rõ không ít khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước dù Chính phủ không bảo lãnh vẫn phải trả nợ thay.
Mà nếu chỉ nói theo ba khoản trên thì câu hỏi đặt ra là hiện tại vay mượn chính phủ đã phản ánh hết vào các con số đang được công khai hay không? Và cũng không ai biết được thực sự 63 tỉnh thành đang vay mượn thế nào. Đó là chưa kể một số khoản bảo lãnh của Chính phủ cho một số định chế, tổ chức của Nhà nước thì không khác gì những “quả bom nổ chậm” … Nói như thế để thấy rằng xác định con số thực của nợ công ngay theo luật đã khó và đã phải bàn lại rồi, chưa nói xác định thế nào là nợ công thì phải xem lại cái luật đó, xem lại xem là phải thêm bớt cái gì nữa, và đó hoàn toàn là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Thưa ông, trong phiên họp của Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng có nói xã hội càng minh bạch càng tốt. Chỉ trừ những vấn đề bí mật quốc gia, còn lại người dân có quyền được biết và tiếp cận mọi thông tin. Vậy theo ông thì con số thực của nợ công có nên coi là bí mật quốc gia hay không?
Nợ công phản ánh tình trạng sức khỏe của nền kinh tế nên thường có xu hướng chỉ có anh thực khỏe như Mỹ mới dám khoe hết ra, anh nào ốm yếu thì vẫn giấu, hay nói cách khác là “bí mật”, nên công khai minh bạch về nợ công có thể vẫn là chuyện của tương lai thôi. Trừ khi vỡ rồi, các định chế tài chính quốc tế phải nhảy vào cứu thì không minh bạch thì không xong.
Nếu không minh bạch thì việc trở thành tâm điểm tranh luận để bàn giải pháp như ông nhận định cũng không có ý nghĩa gì nhiều phải không ạ?
Câu hỏi của bạn rất hay nhưng biết làm thế nào được vì định tính thì ai cũng biết là nợ công đang tiệm cận trạng thái nguy hiểm, nhất là nguồn để trang trải vẫn chưa nhìn thấy. Nên nói về định tính thì nó là tâm điểm, và cái giọt làm tràn ly chính là quyết định nâng trần bội chi lên 5,3% GDP và phát hành thêm 170 ngàn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, chính việc đó có thể đẩy nợ công thành tâm điểm tranh luận trong năm tới.
À, như vậy tâm điểm tức là sẽ phải quan tâm đến nó nhiều hơn chứ không hẳn là được mổ xẻ công khai minh bạch?
Tôi tin chắc là cả cơ quan lập pháp và hành pháp đều cảm nhận được mức độ tâm điểm của nợ công, bởi chính họ cũng đang bối rối thực ra nó là bao nhiêu, đã mất an toàn hay chưa. Đó là lý do mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm đề án nợ công để tìm cách trả lời, còn trả lời xong có nhất thiết phải công bố hay không là chuyện khác.
Nhưng rõ ràng mức độ quan tâm phải nhiều hơn. Chỉ ví dụ một chi tiết này thôi, tại sao mức phát hành thêm trái phiếu Chính phủ cho 2014 - 2016 ban đầu được đề xuất là 285 ngàn tỷ, sau chỉ quyết 170 ngàn tỷ, đó chính là sự dung hòa.
Vậy đề án đó có đưa ra được giải pháp an toàn cho nợ công không, thưa ông?
Phải chỉ ra nhưng rất khó để có thể tỉ mỉ, chi tiết, vì rốt cuộc ở hoàn cảnh hiện tại mọi thứ vẫn là tương đối, chỉ có thể cảnh báo kỹ hơn thôi.
Ôi, đề án thì phải thuyết phục bằng con số chính xác và lập luận phải mang tính khoa học chứ sao lại chỉ dự báo và cảnh báo được?
Xưa nay tôi chưa thấy có đề án nào đạt được mức độ như bạn nói, nên rốt cuộc chỉ định tính, dung hòa thôi. Tất nhiên là sẽ phân tích kỹ hơn, cảnh báo sâu hơn, và đưa ra giải pháp căn cơ hơn.
Bởi thế, nợ công liệu có đang mất an toàn đang là câu hỏi rất chính đáng.
* Kỳ sau: Nợ xấu và “cứu cánh” VAMC
Liên quan đến “hàn thử biểu” thứ hai về trạng thái “cầm cự” của nền kinh tế, TS. Trịnh Quang Anh nhìn nhận sự ra đời của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) là một “cứu cánh”.
Thảo Nguyên
vneconomy
|