Xăng dầu: Doanh nghiệp đầu mối kêu lỗ, tổng đại lý nói lời
Từ nhiều ngày nay, các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đang lời vài chục đồng/lít ở mặt hàng xăng nhờ được trích từ quỹ bình ổn 200 đồng nhưng lại lỗ hàng trăm đồng ở mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa và dầu madut.
Vậy nhưng, chiết khấu cho đại lý thì không suy giảm. Kết quả kinh doanh 9 tháng của các tổng đại lý là doanh nghiệp niêm yết thể hiện lợi nhuận tốt.
Đầu mối kêu lỗ
Theo bảng tính giá cơ sở ngày 3-11 đăng tải trên website của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa), hiện tại giá cơ sở (giá được tính bằng các yếu tố như giá nhập khẩu, thuế, phí... làm cơ sở để tính giá bán lẻ) của mặt hàng xăng cao hơn giá bán lẻ 161 đồng/lít. Điều đó có nghĩa, doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đang lỗ chừng đó cho mỗi lít xăng bán ra.
Tuy nhiên, do được cơ quan điều hành cho phép bù lỗ 200 đồng/lít từ quỹ bình ổn giá xăng dầu nên tính ra, doanh nghiệp đầu mối đang lời 39 đồng cho mỗi lít xăng bán ra, ngoài phần lợi nhuận định mức 300 đồng/lít như quy định. Tình trạng này đã kéo dài nhiều ngày nay, khi giá nhập khẩu bình quân 30 ngày đi xuống, quanh ngưỡng 111-112 đô la Mỹ/thùng.
Trong khi đó, ở mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa, Vinpa tính toán, mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ lần lượt đang là -486 đồng/lít và -817 đồng/lít. Doanh nghiệp đầu mối cũng đang được bù lỗ từ quỹ bình ổn giá với các mức 300 đồng/lít (với dầu diesel) và 700 đồng/lít (với dầu hỏa) nhưng phần bù không đắp nổi phần chênh lệch nên tính ra, doanh nghiệp lỗ 186 đồng/lít dầu diesel và 117 đồng/lít dầu hỏa. Tình hình tương tự cũng xảy ra ở mặt hàng dầu madut với mức lỗ sau bù đắp là 96 đồng/lít.
Bên cạnh đó, lợi nhuận định mức của hai mặt hàng dầu diesel và dầu hỏa còn đang tạm thời cắt từ 300 đồng/lít xuống 100 đồng/lít.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện một đầu mối phía Nam cho biết, tình hình trên đã được cơ quan điều hành biết. Tuy nhiên, bao giờ cơ quan quản lý có động thái thì ông không thể biết. “Riết rồi cũng quen nên chúng tôi cũng không quan tâm lúc nào, bao giờ nữa”, ông này nói.
Dù vậy, cũng theo ông này, các doanh nghiệp vẫn đang áp dụng mức chiết khấu cho đại lý phổ biến ở mức 600 - 700 đồng/lít cho các mặt hàng xăng dầu, trong khi mức quy định tối đa chỉ là 430 đồng/lít.
Tình trạng này, theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, diễn ra triền miên. Bản thân các doanh nghiệp đầu mối thì cho rằng, họ phải chi chiết khấu cao vì cạnh tranh bán hàng và mức chi trên 500 đồng/lít mới đủ cho đại lý “sống được”. Còn mức quy định của Bộ Tài chính đã quá lạc hậu.
Tổng đại lý báo lợi nhuận tốt trong quí 3
Ở một diễn biến khác, các doanh nghiệp xăng dầu niêm yết trên sàn chứng khoán vừa công bố báo cáo tài chính quí 3 với lợi nhuận khả quan. Có một điểm chung là các báo cáo này đều thuộc các doanh nghiệp chức năng là tổng đại lý xăng dầu, không thực hiện xuất nhập khẩu trực tiếp.
Tại Công ty cổ phần Vật tư Xăng dầu (Comeco), doanh nghiệp có 41 cửa hàng bán lẻ xăng dầu và các sản phẩm liên quan ở TPHCM và các tỉnh lân cận, báo cáo tài chính quí 3 công bố, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.332 tỉ đồng, tăng khá so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, tổng doanh thu đạt 3.829,7 tỉ đồng, tăng hơn 200 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2012.
Trong đó, doanh thu bán hàng chiếm chủ yếu và đem về lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh 7,1 tỉ đồng trong quí 3 và 23,46 tỉ đồng trong 9 tháng. Trừ thuế, Comeco báo lãi ròng 6,8 tỉ đồng trong quí 3, tăng rất nhiều lần so với con số 559 triệu đồng của cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, lợi nhuận sau thuế là 19,3 tỉ đồng, tăng hơn 3,3 tỉ đồng so với 9 tháng năm ngoái.
Giải trình về kết quả này, ông Lê Tấn Thương, Tổng giám đốc Comeco cho biết trong báo cáo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM rằng, doanh thu tăng chủ yếu do giá bán mặt hàng xăng tăng, còn lợi nhuận trước thuế tăng do giảm trích lập dự phòng rủi ro với khoản nợ 43,3 tỉ đồng của Công ty TNHH Điện tử Huyndai Việt Nam. Báo cáo của Comeco cho thấy, đây vẫn là khoản nợ xấu chưa thể thu hồi dù đã tiến hành các thủ tục pháp lý và đã phải trích lập 47,61% dự phòng phải thu số nợ trên.
Bên cạnh đó, trong quí 3, Comeco còn nhận thêm quyết định truy thu thuế cho năm tài chính 2011 và 2012 của Cục Thuế TPHCM với tổng số tiền là hơn 894 triệu đồng (gồm thuế truy thu và khoản phạt vi phạm).
Trong thông báo mới nhất phát hành ngày 28-10, ông cho biết Hội đồng quản trị của công ty này đã quyết định điều chỉnh kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2013 so với kế hoạch đề ra đầu năm. Theo đó, doanh thu về mức 5.100 tỉ đồng, giảm 2,86% so với kế hoạch và lợi nhuận sau thuế là 25 tỉ đồng, giảm 3,85%.
Còn tại một tổng đại lý khác là Công ty cổ phần Nhiên liệu Sài Gòn (mã SFC), báo cáo tài chính công bố mức lợi nhuận ròng quí 3 là 6,77 tỉ đồng, tăng hơn 1 tỉ đồng so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận sau thuế của SFC là 14,3 tỉ đồng, tăng 1,3 tỉ đồng so với 9 tháng cùng kỳ.
Kết quả này có được là nhờ SFC gia tăng được doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, trong đó bán hàng chiếm chủ yếu. Cụ thể, quí 3 là 644,4 tỉ đồng và 9 tháng là 1.760,5 tỉ đồng. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh đạt 9,29 tỉ đồng trong quí 3 và 19,2 tỉ đồng trong 9 tháng.
SFC hiện là doanh nghiệp đang sở hữu 23 điểm kinh doanh xăng dầu trực thuộc tại TPHCM và Đồng Tháp, chưa kể cung cấp cho các đại lý bên ngoài. Mới đây, công ty này công bố tạm ngừng kinh doanh trạm số 13 (số 118 Cách mạng Tháng 8, quận 3, TPHCM) và trạm 09 (số 52, đường Bùi Thị Xuân, quận 1, TPHCM) để xây dựng mới.
Đến thời điểm này, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lớn nhất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chưa công bố báo cáo tài chính quí 3 và 9 tháng. Petrolimex là doanh nghiệp đầu mối, có chức năng xuất nhập khẩu xăng dầu và đã báo lãi khá vào các quí trước. Các doanh nghiệp đầu mối khác thì đánh giá, sở dĩ Petrolimex lãi tốt, ngoài nhiều lý do thì có một phần là có hệ thống đại lý, cửa hàng trực thuộc lớn, ít bị tác động bởi cuộc đua chiết khấu như nhiều đơn vị khác.
Minh Tâm
TBKTSG
|