Việt Nam, “bài học kinh tế cho Myanmar”
Myanmar đang có một sức hút không thể phủ nhận đối với các doanh nghiệp nước ngoài, khi mà giới đầu tư tin rằng, nền kinh tế bấy lâu nay trì trệ này sẽ trở thành “con hổ” tiếp theo ở châu Á, tờ Wall Street Journal đưa ra đánh giá trong một bài viết về những bài học mà Myanmar có thể rút ra từ Việt Nam trong quá trình mở cửa nền kinh tế.
Tác giả của bài viết này là ông Curtis S. Chin, cựu Đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), hiện là Giám đốc điều hành công ty tư vấn RiverPeak, và ông Jose B. Collazo, một nhà bình luận về Đông Nam Á.
Việt Nam từng là một nền kinh tế tăng trưởng nóng, bài viết nhận xét. Nhìn vào Việt Nam, giới đầu tư có thể rút ra được những kinh nghiệm để áp dụng vào Myanmar, cũng như các nhà lãnh đạo của Myanmar có thể tìm ra được những bài học.
Việc các công ty nước ngoài đổ tới Myanmar thời gian gần đây cũng giống như những gì từng diễn ra ở Việt Nam, khi Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế vào giữa những năm 1980. Trước khi mở cửa, cả Myanmar và Việt Nam đều có một nền kinh tế đóng kín trước thế giới.
Quá trình đổi mới ở Việt Nam bắt đầu vào năm 1986, với các rào cản thương mại và đầu tư trực tiếp nước ngoài được hạ xuống. Các cải cách quan trọng khác bao gồm loại bỏ hệ thống quản lý tập trung dựa trên trợ cấp của Nhà nước, đồng thời cho phép khu vực kinh tế tư nhân được cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc doanh ở các ngành không phải là chủ chốt.
Chính sách này đã đem lại những thành công ban đầu. Vốn đầu tư đổ mạnh vào Việt Nam nhằm tranh thủ nguồn lao độ giá rẻ, chính trị ổn định, tài nguyên thiên nguyên dồi dào, và một thị trường khoảng 60 triệu người tiêu dùng. Tăng trưởng đã nối tiếp sự bùng nổ về đầu tư, đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, có những năm tăng trên 8%. Năm 2000, Việt Nam ký một thỏa thuận tự do thương mại với Mỹ, quốc gia hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất thế giới. Năm 2007, Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Từ năm 2005-2010, Việt Nam là một trong những điểm đến thu hút nhiều vốn đầu tư nhất thế giới.
Những gì đang diễn ra ở Myanmar cũng tương tự như những gì từng diễn ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo bài viết, sự thận trọng mà Myanmar cần rút ra từ trường hợp Việt Nam là Việt Nam đã bỏ lỡ nhiều lợi thế của mình chỉ vì chậm cải cách, chẳng hạn như không nhanh chóng cải cách hệ thống ngân hàng. Khu vực doanh nghiệp quốc doanh hiện vẫn chiếm 40% GDP, nhưng lại là khu vực có năng suất kém và có nhiều nghi vấn về tham nhũng.
Tốc độ cải cách chậm của Việt Nam khiến giới đầu tư thêm lo ngại về một số vấn đề khác. Chi phí lao động ở Việt Nam đang tăng, trong khi tốc độ tăng trưởng dân số chậm lại. Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hiện đã giảm nhiều so với thời kỳ đỉnh cao...
So với Việt Nam, làn sóng cải cách đầu tiên của Myanmar diễn ra mạnh mẽ hơn. Quy định mới về đầu tư nước ngoài của nước này cho phép sở hữu nước ngoài ở mức 100% ở nhiều ngành như bán lẻ, bán buôn, nhượng quyền, thực phẩm và đồ uống…
Ngay cả ở những ngành như xây dựng và bất động sản, giao thông, khai mỏ và rượu mạnh có yêu cầu liên doanh, các quy định tương đối thân thiện cho phép mức sở hữu nước ngoài lên tới 80%. Trong khi đó, luật của Việt Nam vẫn quy định các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được nắm cổ phần tới 49% trong nhiều lĩnh vực.
Theo bài viết, câu chuyện Việt Nam cho thấy, điều quan trọng nhất đối với Myanmar là nước này phải tiếp tục theo đuổi và duy trì cải cách kinh tế. Một bài kiểm tra sớm đối với nước này sẽ là việc thực thi chiến lược tư nhân hóa các doanh nghiệp quốc doanh mà Tổng thống Thein Sein gọi là một chiến lược mạnh mẽ, minh bạch và cạnh tranh. Hồi tháng 6 vừa qua, hãng viễn thông Telenor của Nauy và Ooredoo của Qatar đã được cấp giấy phép dịch vụ viễn thông ở Myanmar sau một cuộc đấu thầu cạnh tranh.
Giờ là lúc Chính phủ Myanmar cần tiếp tục mở rộng xu hướng này sang các ngành khác, và nhất là những ngành lợi nhuận cao như điện lực và cơ sở hạ tầng khác. Kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy, nếu không tư nhân hóa sớm hoặc hiệu quả, sự kém hiệu quả kéo dài của những lĩnh vực này sẽ gây sức ép lên cả nền kinh tế và càng để lâu càng khó cải cách.
Tiến trình cải cách mới bắt đầu của Myanmar đã thúc đẩy các hoạt động kinh tế ở nước này và mở ra những cơ hội mới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, GDP của Myanmar sẽ tăng trưởng 6,8% trong năm nay, so với mức tăng 5,5% vào năm ngoái. Nhưng cuối cùng, quy định pháp luật chặt chẽ và một khu vực kinh tế tư nhân phát triển mới là động lực thúc đẩy và duy trì sự phát triển kinh tế này.
An Huy
vneconomy
|