Thứ Năm, 07/11/2013 09:00

Tranh chấp diện tích chung cư, Bộ Xây dựng nói gì?

Đại diện Bộ Xây dựng vừa chính thức lên tiếng sau hàng loạt tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư về cách tính diện tích căn hộ tại một số dự án chung cư.

Ông Nguyễn Mạnh Hà: "Việc tính diện tích sàn căn hộ theo một trong hai phương pháp nêu tại Thông tư số 16/2010 đều không gây thiệt hại về quyền lợi cho người mua căn hộ, cũng như mang thêm lợi nhuận cho bên bán".

Đáng chú ý, theo phản ánh của một số khách hàng, ngọn nguồn của các tranh chấp chính là do cách tính diện tích căn hộ chung cư theo quy định của Bộ Xây dựng mà cụ thể là Thông tư 16/2010 không thống nhất với Luật Nhà ở và Nghị định 71.

Tuy nhiên, trả lời VnEconomy, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, cho rằng nội dung hướng dẫn về cách tính diện tích sàn trong hợp đồng mua, bán căn hộ nhà chung cư nêu tại Thông tư số 16/2010 là “không trái với quy định” của Luật Nhà ở và Nghị định số 71/2010 của Chính phủ.

Ông Hà nói:

- Luật Nhà ở và Nghị định số 71/2010 không có quy định cụ thể về cách tính diện tích sàn trong hợp đồng mua, bán căn hộ nhà chung cư mà chỉ có quy định về phần sở hữu chung và phần sở hữu riêng trong nhà chung cư. Việc tính diện tích sàn trong hợp đồng mua, bán căn hộ nhà chung cư thì Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng hướng dẫn.

Định nghĩa về phần sở hữu riêng, sở hữu chung trong nhà chung cư đã được quy định rõ trong Luật Nhà ở và Nghị định số 71/2010. Trong Nghị định 71, Chính phủ cũng đã giao “Bộ Xây dựng quy định và ban hành mẫu hợp đồng mua bán nhà ở” trong đó có hợp đồng mua bán nhà chung cư.

Còn trong Thông tư số 16/2010, Bộ Xây dựng quy định rõ “đối với hợp đồng mua bán căn hộ chung cư thì ngoài các nội dung quy định còn phải ghi rõ thêm các nội dung sau như phần diện tích thuộc sở hữu chung, phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư; diện tích sàn căn hộ mua bán được xác định theo nguyên tắc tính kích thước thông thuỷ của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ”.

Vì vậy, Thông tư số 16/2010 chỉ hướng dẫn cách tính diện tích sàn trong hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư để xác định giá bán căn hộ chung cư đó, mà không hướng dẫn cách xác định phần sở hữu chung và sở hữu riêng trong nhà chung cư.

Nhưng nhiều khách hàng mua căn hộ phản ánh, các quy định của Bộ Xây dựng có sự khác biệt về cách tính diện tích đối với loại nhà ở riêng lẻ mà người dân và giới xây dựng vẫn tính hiện nay nên mới dẫn đến tranh cãi?

Đúng vậy, căn hộ nhà chung cư có tính đặc thù về sở hữu và sử dụng, vì vậy cách tính diện tích căn hộ nhà chung cư cũng khác so với cách tính diện tích nhà ở riêng lẻ. Trong khi nhà ở riêng lẻ được tính diện tích theo “phủ bì”, tức cả diện tích tường bao đều là diện tích sở hữu của chủ sở hữu.

Nhà chung cư, do phần kết cấu khung, tường, hộp kỹ thuật thuộc sở hữu chung của cả tòa nhà nên việc tính diện tích sàn có phần tường, cột, hộp kỹ thuật nằm ở trên vào diện tích căn hộ cũng có quan điểm khác nhau, mỗi quốc gia lại có cách tính khác nhau.

Tuy nhiên, có một nguyên tắc chung là tất cả các diện tích xây dựng đều được phân bổ vào giá bán căn hộ và các phần diện tích thương mại khác trong tòa nhà. Hầu hết các nước như Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore … đều sử dụng nguyên tắc này để tính diện tích căn hộ nhà chung cư.

Cụ thể thì hiện nay có bao nhiêu cách tính diện tích căn hộ, thưa ông?

Hiện trên thế giới có ba cách tính diện tích căn hộ. Thứ nhất là tính diện tích sử dụng căn hộ - diện tích đặt thảm, là diện tích thông thủy của các phòng, sảnh, khu vệ sinh… trong căn hộ.

Thứ hai là tính diện tích xây dựng căn hộ, bao gồm diện tích sử dụng tính ở phần 1 cộng với diện tích tường ngăn căn hộ, diện tích cột, đường ống kỹ thuật trong căn hộ đó. Nếu căn hộ có ban công, lô gia, thì diện tích ban công, lô gia được tính vào diện tích xây dựng căn hộ; một số nơi diện tích ban công, lô gia được tính 1/2 vào diện tích xây dựng của căn hộ, một số nơi thì tính 100% diện tích ban công, lô gia vào diện tích xây dựng của căn hộ.

Đây thực chất là diện tích căn hộ tính theo tim tường bao đang được áp dụng ở Việt Nam. Ở một số nước người ta tính diện tích xây dựng căn hộ bằng diện tích sử dụng căn hộ cộng 10 - 15%.

Cách tính thứ ba là tính diện tích xây dựng tổng thể căn hộ hay diện tích tính để bán căn hộ. Như cách tính ở phần 2 cộng với diện tích sở hữu chung của cả nhà chung cư như hành lang, cầu thang, sảnh chung… phân bổ cho căn hộ đó theo tỷ lệ phần trăm. Bởi vì những phần diện tích sở hữu chung vẫn phải tính vào giá thành căn hộ.

Theo kinh nghiệm các nước, diện tích tổng thể căn hộ hay diện tích tính để bán căn hộ = diện tích xây dựng căn hộ + 25%.

Thực tế, tại Hàn Quốc diện tích căn hộ được tính theo tim tường ngăn căn hộ, trường hợp tính thông thủy thì không trừ phần diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật, nhưng phải xin ý kiến thỏa thuận của cơ quan quản lý.

Nhiều ý kiến cho rằng, chính bởi có nhiều cách tính mà chủ đầu tư đã lợi dụng, tạo sự lập lờ, khó hiểu trong hợp đồng để mưu lợi?

Việc Bộ Xây dựng hướng dẫn cách tính diện tích sàn trong hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư có thể thỏa thuận theo hai phương pháp: tính kích thước thông thuỷ của căn hộ hoặc tính từ tim tường bao, tường ngăn chia các căn hộ và để bên bán - bên mua tự thỏa thuận lựa chọn cách tính.

Trên thực tế, cách tính diện tích sàn căn hộ theo phương pháp nào cũng không làm ảnh hưởng đến việc xác định phần diện tích thuộc sở hữu chung và phần diện tích thuộc sở hữu riêng trong nhà chung cư, bởi vì phần sở hữu chung như cột, tường ngăn chia căn hộ... đã được Luật Nhà ở quy định và được xác định rõ trong hợp đồng mua bán.

Cùng với đó, việc xác định diện tích căn hộ theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng chỉ là để xác định số tiền mua căn hộ theo thỏa thuận giữa bên bán và bên mua một cách dễ dàng và chính xác nhất, đồng thời không phải nếu tính diện tích theo tim tường thì chủ đầu tư bán cả phần sở hữu chung và phần cột, tường được chuyển thành sở hữu riêng của chủ sở hữu căn hộ, hoặc nếu tính diện tích theo thông thủy thì chủ sở hữu căn hộ không có quyền sử dụng phần tường, cột nằm phía trong căn hộ của mình;

Ngoài ra, thông tư của Bộ Xây dựng không quy định bắt buộc bên bán và bên mua căn hộ nhà chung cư phải tính diện tích sàn căn hộ theo kích thước tim tường mà đã hướng dẫn 2 cách tính để các bên thỏa thuận. Giao dịch mua bán nhà ở là giao dịch dân sự và theo pháp luật dân sự thì các bên mua bán được quyền thỏa thuận lựa chọn một trong hai cách tính nêu trên, khi các bên đã thống nhất lựa chọn cách tính diện tích căn hộ ghi vào hợp đồng mua bán thì phải tuân thủ các thỏa thuận nêu trong hợp đồng.

Đặc biệt, tại Luật Nhà ở nêu rõ "nhà chung cư phải thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sàn xây dựng căn hộ không thấp hơn 45 m2", vì vậy Thông tư của Bộ Xây dựng hướng dẫn cách tính sàn căn hộ chung cư theo diện tích sàn xây dựng, tức là theo kích thước tim tường cũng là phù hợp với quy định của Luật Nhà ở.

Tôi khẳng định, việc tính diện tích sàn căn hộ theo một trong hai phương pháp nêu tại Thông tư số 16/2010 đều không gây thiệt hại về quyền lợi cho người mua căn hộ, cũng như mang thêm lợi nhuận cho bên bán, đặc biệt là không có xảy ra việc khi tính giá theo kích thước thông thủy thì căn hộ mua sẽ rẻ tiền hơn so với giá mua căn hộ được tính theo kích thước từ tim tường.

Bởi lẽ, về nguyên tắc thì toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng công trình nhà chung cư, bao gồm phần móng, khung, cột, tường chịu lực, phần căn hộ, hành lang, cầu thang, thang máy, mái, thiết bị,…, cả phần sở hữu riêng của căn hộ và phần sở hữu chung đều được tính vào giá bán các căn hộ và các phần sở hữu riêng khác.

Vì vậy, nếu tính diện tích sàn căn hộ theo tim tường thì đơn giá bán m2 sàn căn hộ sẽ giảm xuống và ngược lại nếu tính diện tích sàn căn hộ theo kích thước thông thủy thì đơn giá bán m2 sàn căn hộ sẽ tăng lên, nhưng tổng giá bán căn hộ của hai trường hợp này đều không thay đổi.

Như vậy, dù tính theo cách nào thì người mua căn hộ cũng không bị thiệt thòi về quyền lợi.

Từ Nguyên

Vneconomy

Các tin tức khác

>   Luật Đất đai: Ý kiến không mới cho những vấn đề đã cũ! (07/11/2013)

>   Nhà đất thời giỏi rao khó bán (07/11/2013)

>   Đừng thu hồi đất vì lợi ích nhà đầu tư (06/11/2013)

>   Đại gia địa ốc và nỗi lo ế nhà hoàn thiện (06/11/2013)

>   Đã giải ngân hơn 300 tỷ đồng từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở (06/11/2013)

>   Dự án đắp chiếu vẫn hét giá trên trời (06/11/2013)

>   3 cách tính diện tích căn hộ chung cư (06/11/2013)

>   Đổ lỗi cho nhau vì gói 30.000 tỷ (06/11/2013)

>   Tạm dừng hơn 500 dự án bất động sản (06/11/2013)

>   Được vay ưu đãi từ Quỹ tiết kiệm nhà ở để mua nhà (06/11/2013)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật